Giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị lúa gạo

07:05, 10/05/2013

 

Đầu tư công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị lúa gạo là hướng đi đúng, góp phần phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Ở tỉnh ta, nâng cao giá trị lúa gạo ngày càng được chú trọng và được thực hiện theo hướng chuyên môn hóa từng khâu từ chọn giống đến thu hoạch. Chất lượng và cơ cấu giống lúa được thử nghiệm qua nhiều vụ ở các điều kiện thổ nhưỡng để chọn ra giống lúa phù hợp, cho năng suất, chất lượng cao. Các giống lúa có chất lượng cao, thời gian sinh trưởng phát triển ngắn như Thiên Trường 750, TH3-3, Nam Dương 99, BC15, RVT, TBR45 dần trở thành giống lúa chủ lực sản xuất cả ở 2 vụ trong năm. Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trong sản xuất giống lúa đã được xây dựng và triển khai bước đầu hiệu quả. Cty TNHH Cường Tân đã liên kết với nông dân sản xuất lúa giống tại hai huyện Trực Ninh và Xuân Trường. Tất cả các khâu từ chọn lúa giống, quy trình kỹ thuật canh tác đến thu hoạch đều được triển khai đồng bộ, theo chu trình khép kín. Vụ xuân 2013, Cty tiếp tục duy trì hơn 300ha sản xuất lúa giống tại các xã Trực Hùng, Trực Phú, Trực Thái, Trực Đại (Trực Ninh) và Xuân Ninh, Xuân Thượng (Xuân Trường) với các giống lúa chủ lực như CT16, TH3-3, Nhị ưu 838, đồng thời có kế hoạch sản xuất một số dòng lúa giống ngắn ngày trong vụ mùa như TH3-3, TH3-7, TH7-2. Để bảo đảm thành công, Cty cung ứng toàn bộ giống lúa bố mẹ, tổ chức hướng dẫn quy trình canh tác, chăm bón lúa và hướng dẫn nông dân thu hoạch đồng loạt theo kế hoạch. Ngoài ra, Cty còn đầu tư xây dựng kho lạnh bảo quản lúa giống với công suất chứa 1.000 tấn và 12 máy sấy công nghiệp, công suất 120 tấn/ngày. Sử dụng máy sấy công nghiệp sẽ giảm tổn thất sau thu hoạch 5-6%, đồng thời tiết kiệm chi phí so với phương pháp sấy thủ công, đảm bảo chất lượng lúa giống cũng như gạo xuất khẩu. Với việc áp dụng quy trình sản xuất khép kín, đến nay Cty đã mở rộng thị trường cung cấp lúa giống cho 36 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây cũng là cơ sở để tỉnh ta chủ động về giống lúa chất lượng cao, hạn chế phụ thuộc về giống lúa nhập, góp phần chủ động sản xuất, nâng cao giá trị canh tác trên 1 đơn vị diện tích, nâng cao kỹ năng sản xuất lúa giống của nông dân.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Thành Lợi (Vụ Bản).  Bài và ảnh: Đức
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Thành Lợi (Vụ Bản). 

Mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) với phương châm "4 cùng" được triển khai trên địa bàn tỉnh cũng đã tạo chuyển biến về nhận thức cộng đồng trong sản xuất, góp phần nâng cao giá trị lúa gạo. Việc sản xuất trên CĐML thuận lợi cho áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như gieo sạ hàng ống, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp giúp giảm tổn thất sau thu hoạch, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh cũng đã tổ chức hàng chục lớp hướng dẫn cho bà con nông dân về quy trình chế biến lúa gạo; tổ chức hội thảo đầu bờ giới thiệu các mô hình giống lúa chất lượng cao, sử dụng máy gặt đập liên hợp tiên tiến. Tỉnh ta cũng đã áp dụng cơ chế hỗ trợ cho vay 50% giá trị đầu tư máy gặt đập liên hợp, công cụ gieo sạ hàng ống để khuyến khích nông dân đầu tư, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp theo hướng chuyên môn hóa, công nghiệp hóa. Năng lực của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, tiêu thụ lúa gạo ở tỉnh ta không ngừng được nâng cao theo hướng đầu tư công nghệ, dây chuyền xay xát lúa gạo chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Cty CP Thương mại Hương Giang ở CCN An Xá (TP Nam Định) chuyên thu mua, chế biến và gia công gạo phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu với dây chuyền xay xát khép kín, sử dụng máy tách màu hạt hiện đại của châu Âu để loại bỏ hạt vàng, hạt đen kém chất lượng với tổng kinh phí đầu tư hơn 17 tỷ đồng. Để chủ động nguồn nguyên liệu, Cty xây dựng mạng lưới thu mua thóc đa dạng, linh hoạt trực tiếp tại các đơn vị sản xuất, các đại lý và thu mua lưu động tại các thôn, xóm. Nông dân được Cty hỗ trợ giá lúa gạo tại từng thời điểm thị trường, nên luôn bán lúa với giá cao, yên tâm sản xuất. Tại huyện Hải Hậu, Cty CP Song Phương đã đầu tư dây chuyền chế biến gạo hiện đại có công suất 20-25 tấn/giờ, tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng. Nhờ đó, sản phẩm gạo thương phẩm của Cty bảo đảm trắng và đồng nhất, tỷ lệ gạo nguyên hạt cao, chất lượng bề mặt hạt gạo tốt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, hiện tại, tỉnh ta mới chỉ xây dựng được thương hiệu cho gạo tám xoan Hải Hậu được người tiêu dùng ưa chuộng. Các loại lúa khác như nếp cái hoa vàng Cát Thành, gạo Dự hương Nam Trực… việc xây dựng thương hiệu chưa được chú trọng; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao; việc phơi sấy, bảo quản lúa gạo còn nhiều hạn chế. Để tiếp tục nâng cao giá trị lúa gạo, các cấp, các ngành cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống sấy công nghiệp hoàn chỉnh, khép kín và kho bảo quản lúa gạo hiện đại, đảm bảo chất lượng gạo xuất khẩu. Triển khai hiệu quả việc ứng dụng và chuyển giao về giống, kỹ thuật canh tác mới cho nông dân, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com