Quyết liệt dập dịch lợn tai xanh

07:04, 15/04/2013

Khác với nhiều năm, năm nay dịch lợn tai xanh ở tỉnh ta phát sinh sớm, lây lan ra diện rộng nhanh, ảnh hưởng rất lớn đến chăn nuôi. Ngày 27-3-2013, nếu ở xóm 5, xã Xuân Châu (Xuân Trường) dịch xảy ra tại 5 hộ chăn nuôi với 44 con lợn bị ốm thì ở xóm 7, xã Trực Thắng (Trực Ninh) cũng có 86 con lợn ốm của 15 hộ chăn nuôi và Chi cục Thú y tỉnh khẳng định là bệnh tai xanh ở lợn. Sau 7 ngày, dịch lợn tai xanh tiếp tục xảy ra tại 4 xã của 2 huyện Xuân Trường và Trực Ninh làm 1.861 con lợn ốm, trong đó phải tiêu huỷ tổng trọng lượng 5.733kg. Đến ngày 12-4-2013 dịch đã lây lan ra 16 xã của 2 huyện Xuân Trường và Trực Ninh với 1.409 hộ của 146 thôn làm 8.749 con lợn ốm, tổng số lợn đã tiêu huỷ 2.971 con, trọng lượng 52.762kg; trong đó số lợn tiêu huỷ của huyện Trực Ninh là 2.391 con với tổng trọng lượng 43.608kg, số lợn tiêu huỷ của huyện Xuân Trường là 580 con với tổng trọng lượng 9.154kg. Nhiều xã trong ngày có lợn tiêu huỷ nhiều như trong ngày 12-4 xã Trực Thuận (Trực Ninh) đã tiêu huỷ 81 con với tổng trọng lượng 3.480kg; xã Trực Đại (Trực Ninh) đã tiêu huỷ 75 con với tổng trọng lượng 1.031kg… Nếu cộng thêm số lợn đã tiêu huỷ của 3 xã Hải Phong, Hải An, Hải Đường (Hải Hậu) chết do tiêm vắc xin tai xanh thì đến ngày 12-4-2013, số lợn tiêu huỷ lên tới 3.022 con, tổng trọng lượng đã tiêu huỷ là 55.841kg! khả năng dịch vẫn tiếp tục lây lan và diễn biến phức tạp. Được biết ngay trong ngày 13-4-2013 ở huyện Trực Ninh lại thêm xã Trực Đạo xuất hiện dịch tai xanh, đưa số xã có dịch lên 12. Huyện Xuân Trường tuy chưa xuất hiện dịch tai xanh ở xã mới nhưng xã Xuân Hồng dịch lại xuất hiện thêm 2 xóm 16 và 37, đã tiêu huỷ 2 con với trọng lượng 46kg. Như vậy cho đến ngày 13-4-2013 ở tỉnh ta 2 huyện Trực Ninh, Xuân Trường có dịch lợn tai xanh và huyện Hải Hậu có lợn phải tiêu huỷ do phản ứng với vắc xin tai xanh.

Lập chốt kiểm dịch tại ngã tư đường S2 và đường 490C.
Lập chốt kiểm dịch tại ngã tư đường S2 và đường 490C.

Chủ động dập dịch không để dịch tai xanh ở lợn lây lan, tỉnh và các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống và dập dịch. Cục Thú y (Bộ NN và PTNT) ngay trong ngày 2-4-2013 đã cấp cho tỉnh ta 30 nghìn liều vắc xin tai xanh và ngày 12-4-2013 tiếp tục cấp thêm 20 nghìn liều nữa để dập dịch. UBND tỉnh cũng đã trích kinh phí cho mua 20 nghìn liều vắc xin tai xanh cho các địa phương có dịch và các xã vùng uy hiếp tiêm phòng không để lây lan. Cùng với công bố dịch ở các địa phương có dịch, UBND tỉnh đã chỉ đạo nhanh chóng bao vây dập tắt các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng với 7 nội dung chủ yếu: Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh, Uỷ ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể, cơ quan từ tỉnh đến các địa phương căn cứ vào công điện tổ chức thực hiện. Tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh trong việc kiểm tra, chỉ đạo, giám sát các địa phương, ngành tập trung phòng và dập dịch. Đồng thời phát động tháng vệ sinh khử trùng, tiêu độc trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 5-4 đến ngày 5-5-2013. Cùng với củng cố, tăng cường cho 4 chốt kiểm dịch liên ngành tại đầu cầu Ninh Bình, Trạm thu phí Mỹ Lộc, đầu cầu Tân Đệ, phà Sa Cao, ngày 13-4-2013 tỉnh tổ chức tiếp 2 chốt kiểm dịch liên ngành trước ngã tư đường 490C với đường S2, trước ngã ba đường 21 với đường S2 ngăn chặn không cho vận chuyển gia súc, gia cầm từ vùng có dịch về vùng không có dịch. Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thú y ngay ngày 27-3 khi xuất hiện các ổ dịch tại 2 huyện Trực Ninh và Xuân Trường cử cán bộ xuống “chốt” tại vùng có dịch để cùng địa phương kiểm tra, giám sát và tổ chức dập dịch. Ngoài số lượng thuốc khử trùng, tiêu độc dự trữ tại kho các trạm thú y của các huyện, thành phố, Chi cục Thú y cấp tiếp 5.100 lít cho các huyện, thành phố, riêng 2 huyện có dịch, mỗi huyện được cấp thêm 1.000 lít để khử trùng, tiêu độc. Để tăng cường lực lượng phòng dập dịch ngày 12-4, Sở NN và PTNT đã huy động 40 cán bộ, nhân viên của Phòng Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư… và 40 sinh viên đang học tại Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật nông nghiệp tỉnh tổ chức lớp học cấp tốc về công tác phòng, dập dịch tai xanh đưa về 2 huyện đang xảy ra dịch: Trực Ninh và Xuân Trường. Chiều ngày 13-4-2013 tất cả lực lượng này đã nhận nhiệm vụ tại các “điểm nóng” của dịch tại các huyện trên. Tất cả các vắc xin tai xanh của Cục Thú y cấp và của UBND tỉnh mua đều được Chi cục Thú y cân đối cấp ngay xuống vùng có dịch, vùng uy hiếp và vùng đệm để các địa phương tổ chức tiêm phòng. Với các xã có dịch đã cơ bản tiêm xong vắc xin tai xanh cho đàn lợn nuôi cả xã vùng uy hiếp, vùng đệm đang được tập trung tiêm phòng nhanh trong thời gian tới.

Các vùng có dịch và vùng uy hiếp, huyện đã tổ chức chốt liên ngành chặn các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, thịt gia súc, gia cầm không cho ra vào khu vực có dịch: huyện Hải Hậu tổ chức 1 chốt, huyện Trực Ninh tổ chức 3 chốt… ngay khi phát hiện có dịch, các huyện Trực Ninh, Xuân Trường đã tập trung cho công tác giám sát, phòng và dập dịch. Các huyện đã huy động tất cả thú y cơ sở tại các xã, thị trấn trong huyện tăng cường về các xã đang xảy ra dịch ngay từ ngày 27-3 để cùng thú y xã, thú y tỉnh tổ chức dập dịch. Lực lượng tăng cường của Sở NN và PTNT cùng lực lượng sinh viên đã được Phòng NN và PTNT tiếp nhận tập huấn nhanh công tác phòng, dập dịch và phân công về từng xã ngay trong ngày 13-4 “chốt” cùng với lực lượng Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y… của huyện và địa phương tổ chức phòng, dập dịch đến khi nào chặn đứng được dịch.

Tại các xã đang xảy ra dịch và các xã, thị trấn vùng uy hiếp cũng như vùng đệm, các chốt được triển khai tại các trục đường chính, các bến đò, cầu… ngăn chặn các phương tiện, người vận chuyển gia súc, gia cầm từ vùng dịch về địa phương mình với lực lượng thường trực 24/24 giờ, mỗi xã tổ chức từ 2-5 chốt; các xã đang xảy ra dịch UBND xã trực tiếp chỉ đạo phòng và dập dịch như tổ chức tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, xây dựng quy định và tổ chức ký cam kết với các hộ gia đình có chăn nuôi, các hộ thu gom, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm, chủ các phương tiện (ô tô, đò dọc, đò ngang…) và cả lực lượng thú y tự do thực hiện tốt công tác phòng, chống, dập dịch. Thành lập tổ giám sát theo dõi kiểm tra dịch bệnh hằng ngày, các tổ phun thuốc khử trùng, tiêu độc, tổ tiêm vắc xin, tổ vận chuyển và tiêu huỷ gia súc bị bệnh, chết… đúng kỹ thuật, đúng quy trình với các trang bị chuyên dụng như xe vận chuyển, quần áo, giày, bao tay bảo hộ… được khử trùng, tiêu độc thường xuyên sau mỗi ngày làm việc. Ngoài vắc xin, thuốc tiêm, thuốc khử trùng, tiêu độc được cấp phát, UBND xã đã trích quỹ mua hàng tấn vôi bột rải tại đầu các trục đường, ngã ba, ngã tư, dong ngõ và cấp thêm cho các hộ chăn nuôi để rải xung quanh khu vực chăn nuôi. Quy định cho mỗi hộ chăn nuôi mua thêm vôi bột để rải tại khu vực gia đình… như xã Trực Thắng (Trực Ninh) UBND xã đã mua 4 tấn vôi bột, UBND xã Xuân Châu (Xuân Trường) đã mua 3 tấn vôi bột… các xã đang xảy ra dịch cấm tuyệt đối không được giết mổ, buôn bán và sử dụng thịt lợn khi dịch đang xảy ra. Các hộ gia đình giám sát lẫn nhau phát hiện các hộ lân cận vi phạm và cam kết cùng nhau thực hiện phòng, dập dịch. Chính vì triển khai đồng bộ các biện pháp nên trong các ngày 11, 12-4-2013 nhiều xã đã không xuất hiện thêm các ổ dịch mới.

Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, dập dịch, huy động tất cả lực lượng, các tổ chức đoàn thể, các hộ nông dân cùng tham gia và tham gia tích cực là giải pháp đúng để tỉnh ta dập tắt dịch lợn tai xanh ngay trong đầu tháng 5-2013./.

Bài và ảnh: Tuấn Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com