Phương Định hỗ trợ các hộ dân phát triển nghề truyền thống

07:05, 04/05/2013

Từ lâu, xã Phương Định (Trực Ninh) đã nổi tiếng về nghề dệt và ươm tơ truyền thống với 2 dòng sản phẩm là tơ nguyên liệu và sản phẩm dệt thành phẩm như các loại khăn mặt, băng gạc y tế, sản xuất khép kín từ khâu chăn tằm, kéo kén đến xe tơ. Để thúc đẩy làng nghề phát triển, ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như bê tông hóa đường giao thông gắn với hệ thống tiêu thoát nước thải cho khu vực làng nghề, Đảng ủy, UBND xã đã ban hành cơ chế hỗ trợ về đất đai, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất.

Dây chuyền xe tơ nguyên liệu tại gia đình anh Nguyễn Văn Bạo, thôn Cổ Chất, xã Phương Định.
Dây chuyền xe tơ nguyên liệu tại gia đình anh Nguyễn Văn Bạo, thôn Cổ Chất, xã Phương Định.

Với 5 làng nghề truyền thống là dệt Cự Trữ, Nhị Nương, Phú Ninh, Trung Khê và ươm tơ Cổ Chất, các sản phẩm của làng nghề xã Phương Định không chỉ phục vụ tiêu dùng nội địa, làm nguyên liệu cho các làng nghề dệt nổi tiếng như Vạn Phúc (Hà Hội), Nha Xá (Hà Nam) và một số tỉnh phía Bắc mà còn xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Cam-pu-chia. Những năm gần đây nghề dệt của xã phát triển khá mạnh, với 1.500 máy dệt, tạo việc làm cho 3.500 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Cùng với phát triển sản xuất, hoạt động dịch vụ thương mại như cung ứng máy móc, vật tư phục vụ sản xuất cũng phát triển. Năm 2012 doanh thu từ lĩnh vực sản xuất CN-TTCN, dịch vụ và thương mại của xã đạt 125 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch. Đến nay, trong cơ cấu kinh tế của xã, sản xuất CN-TTCN chiếm tỷ trọng 50,4%, thương mại, dịch vụ chiếm 20,6%. Để hỗ trợ làng nghề phát triển, Đảng ủy, UBND xã đã tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất; tổ chức đào tạo, mở rộng nghề cho người lao động và thực hiện các biện pháp hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đời sống nhân dân. Hiện tại, trên địa bàn xã có Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH, Quỹ Tín dụng nhân dân cùng tham gia thị trường cho vay vốn phát triển sản xuất. Trong năm 2012, chỉ riêng Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH đã cho 1.264 lượt người vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ 35,7 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay này, nhiều doanh nghiệp và các hộ dân trong xã đã đầu tư mở rộng sản xuất. Cty CP Dệt may Nam Phong chuyên sản xuất khăn mặt xuất khẩu và băng gạc y tế đã đầu tư xây dựng thêm một xưởng dệt mới gồm 30 máy dệt công nghiệp, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của Cty đã xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Cơ sở xe tơ của anh Nguyễn Văn Bạo, thôn Cổ Chất đã đầu tư trên 200 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng và mua sắm thiết bị xe tơ công nghiệp thay thế phương thức xe tơ thủ công trước đây. Với 1 dây chuyền máy xe tơ, 4 máy quay ống, trung bình một năm, cơ sở sản xuất của gia đình anh xuất bán ra thị trường khoảng 3 tấn tơ thành phẩm, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập cho 10 lao động địa phương. UBND xã còn hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài  tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về thương mại, quản trị doanh nghiệp, các biện pháp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và phát triển làng nghề bền vững… Tại hội chợ triển lãm làng nghề truyền thống Việt Nam năm 2012 tổ chức tại Thành phố Nam Định, xã Phương Định không chỉ trưng bày sản phẩm làng nghề mà còn tổ chức trình diễn ươm tơ, kéo kén và giới thiệu lịch sử truyền thống làng nghề tới đông đảo khách hàng tham dự hội chợ. Ngay tại hội chợ, nhiều hợp đồng kinh tế về cung ứng tơ nguyên liệu và sản phẩm dệt giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề với các khách hàng ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên... đã được ký kết. Đồng chí Nguyễn Đình Khâm, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Việc đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện về thủ tục pháp lý, đất đai để các làng nghề phát triển không chỉ giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân mà còn góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống của làng nghề. Để làng nghề phát triển hơn nữa, được sự hỗ trợ của Sở TN và MT, xã đang rà soát thực trạng môi trường nước thải, tiếng ồn và khí bụi của làng nghề để có biện pháp xử lý hiệu quả. Bên cạnh đó, UBND xã cũng đang xây dựng kế hoạch phát triển CN-TTCN làng nghề giai đoạn 2013-2015, trong đó tập trung các biện pháp thúc đẩy phát triển làng nghề theo hướng kết hợp giữa phát triển sản xuất, kinh doanh với du lịch làng nghề, qua đó quảng bá, xây dựng thương hiệu để làng nghề phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com