Phát triển nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới

06:04, 06/04/2013

Sau 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành NN và PTNT, các huyện, thành phố đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng cường cơ giới hóa sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các sản phẩm chủ lực.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 6.485 máy làm đất, 1.869 công cụ sạ hàng, 4.694 máy tuốt lúa, 227 máy gặt đập liên hợp, góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất và cải thiện điều kiện lao động cho nông dân. Tỷ lệ cơ giới hoá khâu làm đất đạt 100% diện tích gieo cấy; thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt 10,3% diện tích lúa toàn tỉnh, trong đó huyện Vụ Bản đạt 17,3%, các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường đạt 15,8%...; khâu tuốt lúa đạt 100%, khâu sạ hàng đạt 25,3%. Vụ xuân 2013, diện tích gieo sạ toàn tỉnh đạt 12 nghìn ha, chiếm 15,6% tổng diện tích gieo cấy lúa xuân, cao nhất là huyện Nam Trực chiếm 40%. Trong 2 năm đã triển khai gần 500 mô hình trình diễn kỹ thuật, đặc biệt năm 2012 đã xây dựng thành công 45 mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn (CĐML) với diện tích 2.282ha. Vụ xuân 2013 tiếp tục triển khai 150 mô hình CĐML, 9 mô hình CĐML trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu..., mở ra hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, công tác quản lý phòng trừ dịch bệnh cây trồng đã được thực hiện tốt. Do vậy, năng suất lúa hằng năm đều tăng, năm 2011 đạt 117,98 tạ/ha, năm 2012 đạt 118,91 tạ/ha. Việc đẩy mạnh áp dụng mô hình CĐML, đưa cơ giới hóa vào các khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch... trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt: giảm chi phí sản xuất, nhân công, giải phóng sức lao động nặng nhọc, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Giá trị sản xuất năm 2011 đạt 92 triệu đồng/ha, năm 2012 đạt 95 triệu đồng/ha. Tỉnh ta tiếp tục xếp trong nhóm đầu về sản xuất nông nghiệp của khu vực đồng bằng sông Hồng.

Năm 2012, xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) đã bê tông hóa được 5.868m trục chính đường giao thông nội đồng góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Năm 2012, xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) đã bê tông hóa được 5.868m trục chính đường giao thông nội đồng góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Ngành chăn nuôi chuyển dịch theo hướng phát triển chăn nuôi hàng hóa theo mô hình trang trại, gia trại tập trung quy mô vừa và nhỏ. Nhiều giống gia súc, gia cầm mới có tiềm năng năng suất, chất lượng cao như: lợn siêu nạc, lợn lai; bò lai Sind; gà Lương Phượng, Kabir, Sacso, vịt siêu trứng, vịt Super M; các con nuôi đặc sản như: lợn rừng, dê, thỏ, nhím, cá sấu… được đưa vào sản xuất. Nhiều mô hình chăn nuôi áp dụng thành công tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ đang được khuyến cáo mở rộng như: mô hình nuôi lợn, gia cầm an toàn sinh học; mô hình gà thả vườn; mô hình chăn nuôi vịt, ngan cao sản... Công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường được tăng cường nên không để xảy ra dịch bệnh lớn. Cơ cấu, giá trị ngành chăn nuôi đang tăng nhanh và chuyển dần sang hướng sản xuất hàng hóa. Năm 2012, toàn tỉnh có 366 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT, trong đó có 116 trang trại chăn nuôi; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 138,5 nghìn tấn, tăng 4,3%, trong đó sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 121 nghìn tấn, tăng 5,2% so với năm 2011. Ngành kinh tế thuỷ sản cũng có bước phát triển mạnh trên các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, sản xuất giống theo hướng đa dạng thành phần loài, nâng cao chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 57 trại giống thủy sản, hằng năm sản xuất được 2.700 triệu con cá bột, 6.600 triệu con giống thủy sản mặn lợ, góp phần đáp ứng nhu cầu về giống cho các hộ nuôi thủy sản trong tỉnh. Diện tích nuôi nước lợ là 6.157ha. Nghề nuôi ngao, nuôi tôm tiếp tục phát triển, đặc biệt nuôi tôm chân trắng sôi động ở các huyện Giao Thủy, Hải Hậu. Diện tích nuôi nước ngọt là 9.625ha. Cùng với nuôi thả các loại cá truyền thống, các loại thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cá diêu hồng, cá lóc bông, ba ba... được nhiều hộ nông dân phát triển nuôi. Về khai thác hải sản, số tàu khai thác qua 2 năm giảm hơn 300 tàu, nhưng tổng công suất máy vẫn đạt trên 88 nghìn CV. Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh (Sở NN và PTNT) đã phối hợp với các huyện ven biển chỉ đạo, hướng dẫn ngư dân tổ chức lại sản xuất thành lập 35 đoàn, tổ, đội khai thác thủy hải sản, nhằm hợp tác thông tin về thời tiết, ngư trường, hỗ trợ, ứng cứu và giúp đỡ nhau khi xảy ra tai nạn sự cố rủi ro trên biển. Năm 2012, tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt 96,2 nghìn tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 56,2 nghìn tấn, sản lượng khai thác đạt 40 nghìn tấn. Sau 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản năm 2011 (giá cố định năm 1994) đạt 4.593 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2010; năm 2012 đạt 4.708 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2011. Cơ cấu nội ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng trọt (từ 61,4% năm 2010 giảm còn 58% năm 2011), tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ.

Để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, trước hết là phát triển, mở rộng sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn..., những năm tới tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các quy hoạch cấp xã; khẩn trương hoàn thành quy hoạch sử dụng đất và toàn bộ quy hoạch cấp xã trong năm 2013. Hoàn thành công tác DĐĐT trong năm 2013, tích cực làm giao thông, thủy lợi nội đồng, kết hợp chỉnh trang kiến thiết đồng ruộng. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo mô hình CĐML sản xuất hàng hóa nhằm có hiệu quả cao. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành một số cơ chế chính sách của tỉnh khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Tập trung khuyến khích đầu tư cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với hộ nông dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Triển khai tích cực kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng đào tạo nghề và đảm bảo việc làm cho người lao động sau học nghề. Quan tâm đào tạo kỹ năng quản lý, lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ, nhất là cấp cơ sở./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com