Khơi thông vốn cho doanh nghiệp

07:04, 05/04/2012

Tuy hệ thống ngân hàng đã có những động thái nhằm giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp, song năm 2012 vẫn được đánh giá là năm chưa hết sóng gió đối với nền kinh tế. Vấn đề bức bách nhất hiện nay vẫn là tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Tháo gỡ vốn cho doanh nghiệp bằng cách nào?

Năm 2011, những khó khăn về vốn, khủng hoảng kinh tế... đã khiến hàng chục ngàn doanh nghiệp phải giải thể, và hàng ngàn doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản. Năm 2012 các doanh nghiệp sẽ tìm hướng đi ra sao? Thoát khỏi những khó khăn bằng cách nào? Đây là những câu hỏi luôn được các nhà làm kinh tế cũng như bản thân các doanh nghiệp trăn trở. Thông điệp mới đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra vấn đề tìm giải pháp khơi thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhằm đảm bảo đạt mức GDP 6% năm 2012 một lần nữa khẳng định, sự tồn tại và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp thực sự có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế của đất nước.

Sang chiết ga tại Cty TNHH Phúc Thái, CCN An Xá (TP Nam Định). Ảnh: Xuân Thu
Sang chiết ga tại Cty TNHH Phúc Thái,
CCN An Xá (TP Nam Định).
Ảnh: Xuân Thu

Có thể nói, năm 2011 là một năm có quá nhiều sóng gió đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, song riêng đối với lĩnh vực bất động sản, sự thắt chặt về tín dụng phi sản xuất đã khiến hầu hết các nhà đầu tư rơi vào tình thế "cá nằm trên thớt”. Giá bất động sản giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư buộc phải bán tháo tài sản của mình chấp nhận lỗ... Đến thời điểm này, nguồn tín dụng cho lĩnh vực này cũng chưa thấy có dấu hiệu nới lỏng. Điều này tiếp tục gây khó khăn cho các nhà đầu tư bất động sản. Tại cuộc hội thảo "Tìm vốn cho bất động sản” do Tập đoàn FLC tổ chức cuối tuần qua, theo PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, vốn cho bất động sản hiện nay được xác định đến từ 4 nguồn chính: ngân hàng, trong dân, kiều hối và FDI, song vốn đến từ ngân hàng và dân được cho là những nguồn chính yếu. Trong khi đó, dù chưa có thống kê chính xác nhưng nhìn chung, phần lớn các doanh nghiệp bất động sản có năng lực tài chính thấp. Do vậy, để giải bài toán vốn, phải gỡ được những ách tắc từ chính các ngân hàng và bản thân các doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản. Theo TS Mùi, lượng tiền mặt mà dân đang nắm giữ hiện không hề nhỏ, nhu cầu mua nhà của họ cũng chưa phải là giảm đi. Để thị trường lâm cảnh đóng băng như hiện nay, ngoài yếu tố thắt tín dụng, còn có nguyên nhân không nhỏ là người dân vẫn chưa có niềm tin vào một thị trường vốn đã mang lại bao điều tiếng về sự thiếu minh bạch, nhạy cảm và ẩn chứa đầy rủi ro. Nói như vậy, có nghĩa, thị trường bất động sản muốn khởi sắc trở lại không chỉ đơn thuần dựa vào sự nới lỏng của chính sách tiền tệ mà chính bản thân các nhà đầu tư cũng cần phải có những động thái nhằm minh bạch thị trường này, loại bỏ dần tình trạng đầu cơ, thao túng, làm giá nhà đất... như thời gian qua. Có như vậy, họ mới lấy lại được niềm tin từ phía người dân và mới có thể huy động được cả nguồn vốn từ một trong những "kênh” rất quan trọng này.

GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN và MT cũng giải thích khó khăn hiện nay: "Nguồn tín dụng vẫn là nguồn cung chủ yếu cho nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Nói đến ngân hàng thương mại, thì có thể hiểu rằng chủ yếu là vốn ngắn hạn trong khi đầu tư bất động sản đòi hỏi trung và dài hạn. Vì thế, nếu nói vốn ngắn hạn của ngân hàng cho vay đầu tư bất động sản, tất yếu sẽ hàm chứa rủi ro thanh khoản cho cả doanh nghiệp cho cả ngân hàng.”

Doanh nghiệp phải cơ cấu lại hoạt động kinh doanh

Không chỉ lĩnh vực bất động sản, năm 2011 được đánh giá là năm vô cùng sóng gió đối với cộng đồng doanh nghiệp trên tất cả mọi lĩnh vực. Thực trạng lãi suất cho vay cao từ phía các ngân hàng đã đẩy một số lượng không nhỏ doanh nghiệp (lên tới hàng chục ngàn - PV) rơi vào tình trạng phá sản hay nguy cơ phá sản. Ông Nguyễn Minh Quang, chủ doanh nghiệp tư nhân ở Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, doanh nghiệp của ông đã ngưng sản xuất được 6 tháng do không có vốn sản xuất, doanh nghiệp không phát triển được, nên không có lương cho công nhân. Giờ đây, xưởng sản xuất của ông Quang đã rơi vào tình trạng "đắp chiếu” do công nhân đã bỏ việc hết.

Có thể nói, chưa bao giờ, vấn đề vốn lại trở nên cấp bách cho mỗi doanh nghiệp như hiện nay. Bởi vậy, theo các chuyên gia kinh tế, điều quan trọng hiện nay là các doanh nghiệp trước tiên, phải đánh giá lại thị trường thuộc lĩnh vực mình kinh doanh, từ đó điều chỉnh lại sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Tìm mọi cách xử lý các nguồn hàng tồn đọng gây ách tắc vốn, có thể bằng việc chấp nhận hạ giá bán nhằm thu hồi vốn, chấp nhận chia sẻ rủi ro trong kinh doanh với đối tác...

Một yếu tố có tính quyết định đó là: Doanh nghiệp cần phải tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, mạnh dạn cắt bỏ những lĩnh vực đầu tư không hiệu quả. Điều này được chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phân tích rõ rằng, xét đến cùng, lãi suất chỉ là một trong nhiều yếu tố làm trầm trọng hóa tình trạng vốn đã "ốm yếu” của doanh nghiệp. Nguyên nhân căn bản là việc mất cân đối từ gốc và sự thiếu tập trung trong hoạt động của doanh nghiệp khi mà chỉ có 60% vốn của doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động chính, còn lại phân phối cho việc đầu tư các hoạt động khác... Vì thế, không phải lãi suất hạ thì doanh nghiệp sẽ tốt hơn, mà cái chính là trong giai đoạn hiện nay các doanh nghiệp cần phải xem xét lại mình, củng cố lại hoạt động, cơ cấu lại vốn và xem lại chiến lược mới có thể phát triển tiếp trong giai đoạn tới./.

Theo: daidoanket.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com