Cau Hải Đường mô hình “kinh tế xanh”

08:04, 07/04/2012

Đi giữa một dong (ngõ) của xã Hải Đường (Hải Hậu) với hai bên thẳng tắp những hàng cau cao vút, mướt mát một màu xanh no ấm, tôi chợt nhớ đến lời của một bài hát nổi tiếng nghe từ những ngày còn thơ bé “hoa cau rụng trắng sân nhà em mà hương cau cứ ngan ngát vườn trầu…”. Màu xanh của cau đang góp phần thay đổi đời sống kinh tế nông thôn và biến những người trồng cau ở đây thành những “ông chủ”.

Cây cau trên đất Hải Đường

Đất Hải Đường từ xa xưa đã có truyền thống trồng cau. Các cụ xưa trồng cau cho mát, cho đẹp không gian làng xã và phục vụ cho… các bà ăn trầu. Đất Hải Đường thích hợp cho cây cau. Chả thế mà ở Hải Đường tìm những cây cau “cổ thụ” có niên đại mấy đời người không khó. Cau Hải Đường đã thành một “thương hiệu” đối với người ăn trầu cả nước. Người ăn trầu lấy một miếng cau, xé thêm ít vỏ chay, cộng với lá trầu quệt vào một chút vôi, nhai chầm chậm giữ lại trong miệng một chút sẽ cảm nhận được cái vị ngọt, vị cay, mùi thơm của miếng trầu đang ăn. Nhai thêm một chút nữa, những người ăn trầu “có thâm niên” sẽ phát hiện ra được họ đang dùng cau gì, trầu gì. Người Hải Đường tự hào bảo, với các cụ bà Hà Nội xưa nói riêng, người miền Bắc nói chung, biếu đồng quà, tấm bánh các cụ chẳng quý bằng biếu ít quả cau Hải Đường. Người Hải Đường tự hào với sản phẩm cau của mình, khi bổ ra đem sấy, miếng cau không thẳng đuồn đuỗn mà tóp lại như quả táo tầu khô. Nhai vào thì ngọt, thơm và đậm… Chính vì vậy mà giá của cau Hải Đường trên thị trường luôn đứng “top ten”, cao hơn hẳn cau Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa...

Làng quê Hải Đường (Hải Hậu).
Làng quê Hải Đường (Hải Hậu).

Phó Chủ tịch HĐND xã Hải Đường Phạm Thế Doanh cho chúng tôi biết, hiện nay 100% các hộ dân trong xã đều trồng cau, nhà ít cũng khoảng 100 cây, nhà nhiều lên đến hàng nghìn cây. UBND xã động viên bà con trong xã trồng cau, người Hải Đường thì nhận thấy cây cau có 3 tiêu chuẩn mà những cây khác chưa có được: giá trị kinh tế, môi trường xanh, đẹp và tận dụng được mọi diện tích trong nhà. Trên diện tích đất thổ cư, nhà nhà trồng cau. Cau được cấy thành hàng ở mọi con ngõ, ở hai bên vệ đường, trong vườn nhà, sát những bờ ao, bờ ruộng… Những xóm 5, 6 và 8A trồng nhiều và có truyền thống trồng cau lâu đời hơn cả. Hiện nay, người Hải Đường không để cây cau “lẻ bóng” một mình trong vườn nhà mà thường kết hợp với các loại cây ăn quả như thanh long hoặc cây cảnh.

Mô hình “kinh tế xanh”

So với các cây khác, cây cau có nhiều “ưu điểm” hơn khi trồng. Không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, tận dụng được diện tích đất và hầu như không mất nhiều công chăm sóc. Quan trọng hơn cả, cây cau mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hầu như cây cau ở đây được tận thu “tối đa”, người Hải Đường dùng tàu cau để đun nấu, làm chổi quét nhà. Quả cau vào chính vụ thu hoạch thì đem bán, rồi các lò cau sẽ luộc, sấy, xuất sang Trung Quốc làm kẹo cau. Khoảng chục năm trở lại đây, người trồng cau Hải Đường tiến thêm một bước mới, đưa sản phẩm cau của mình ra với thế giới. Nắm bắt được thị trường Trung Quốc rất cần nguyên liệu cau làm sản phẩm kẹo cau phục vụ nhu cầu ăn để giữ ấm của người dân các nước ôn đới, người trồng cau Hải Đường bắt đầu tìm đường xuất ngoại cho quả cau. Người Hải Đường coi cau là một thế mạnh để phát triển kinh tế. Trong định hướng xây dựng nông thôn mới của Hải Đường, cây cau được ưu tiên phát triển. Trong các cuộc họp của Hội Nông dân, những kinh nghiệm trồng, chăm bón cây cau được trao đổi, chia sẻ. Một số giống cau quý đã được khôi phục lại. Cây cau đã mang lại sự đổi đời cho nhiều người dân trong xã. Anh Nguyễn Văn Long, xóm 7 xã Hải Đường, một trong những ông chủ của lò sấy cau lớn trong xã cho biết: “Những năm 2007-2008 là những năm “vượng” nhất của người trồng cau. Thời điểm đó, giá một cân cau tươi lên đến 14.000 đồng/cân. Một buồng cau có giá thành tới vài trăm ngàn. Chúng tôi lúc đó vừa thu mua cau, vừa sấy cau làm nguyên liệu bán sang Trung Quốc”. Anh Long cũng như nhiều người dân khác của xã Hải Đường hiện nay đang “khấm khá” lên vì cau. Năm 2011, thị trường giá cả biến động, giá một cân cau tươi ở Hải Đường chỉ còn vào khoảng 6.000-7.000 đồng/cân, cau đẹp phục vụ lễ hội có giá vào 11.000-12.000 đồng/cân. Trừ mọi chi phí, năm 2011 lò sấy cau của anh Long  thu về  khoảng 100 triệu đồng. Xã Hải Đường vào mùa cau rất nhộn nhịp. Hải Đường hiện có  9 lò sấy cau, lò lớn thì sấy 7-8 tấn/mẻ; lò ít cũng khoảng 3 tấn/mẻ. Giá một cân cau khô sau khi sấy năm 2011 là 60.000 đồng. Vào những lò sấy cau khi chính vụ có khi xe máy còn phải để ngoài đường, cả làng xã tham gia vào các công đoạn làm cau: Người phân loại cau, người thì đi cân cau hoặc luộc và sấy cau cho các chủ lò. Các chủ lò sấy ăn với cau, ngủ với cau. Lò nào nhiều thì thuê đến mấy chục người để phân loại rồi luộc, rồi sấy. Lò ít cũng phải dăm ba người làm. Công của một người sấy cau làm theo giờ “hành chính”, được trả từ 5-5,4 triệu đồng/người/tháng. Nói đến những ông chủ lò sấy ở Hải Đường không thể không kể đến anh Vũ Văn Tập, ở xóm 21, chủ lò sấy cau lớn nhất xã. Có thâm niên trong nghề thu mua, sấy cau, sau nhiều năm “bôn ba” các nơi tìm cau thu mua anh “bỗng” nảy thêm ý định kết hợp trồng cau với cây cảnh trong vườn. Nghĩ là làm, trên diện tích đất nhà khoảng 2ha, anh xen canh trồng cau với làm vườn cây cảnh. Vụ cau năm 2011, anh cùng với anh trai thu mua khoảng 300 tấn cau tươi, sấy thành 60 tấn cau khô để xuất bán. Thu mua trong xã không đủ anh phải đặt thêm 6 đại lý tại các xã lân cận thu gom cau từ nhiều xã, huyện trong tỉnh, rồi ra tận Hải Phòng, Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình để mua thêm. Trừ chi phí, năm 2011 anh thu về khoảng 150 triệu tiền lãi từ cau. Riêng từ trồng cây cảnh năm 2011, anh Tập thu nhập 900 triệu đồng. Thực tế mô hình trồng cau xen cây cảnh ở Hải Đường như của nhà anh Tập không phải là hiếm.

Tuy nhiên, người trồng cau Hải Đường không phải lúc nào cũng yên tâm được với quả cau của mình. Những biến động về giá cau do thị trường bấp bênh và quả cau Hải Đường chưa được bảo hộ. Tất cả các mối xuất hàng của người dân đều “tự phát” trên nguyên tắc tin tưởng nhau là chính giữa những người làm ăn Việt Nam và Trung Quốc. Phía bên nhập hàng cần bao nhiêu thì thông báo cho người bán hàng. Nhưng sau đó khi mang cau đi, có thể vì những lý do khác nhau, người mua không nhận hàng nữa, hoặc mua ít hơn, hoặc bị ép giá… Chính vì vậy có những trường hợp “phá sản” vì cau. Hiện nay người trồng cau Hải Đường cũng đang “đau đầu” với bệnh nấm cau khiến cau vàng lá, không ra hoa rồi mục ruỗng thân mà chưa có thuốc đặc trị. Cau vùng nào bị nấm thì lan khắp cả vùng đó và không thể hồi phục lại được. Người trồng cau Hải Đường mong muốn một chính sách cho cây cau phát triển bền vững. Bởi với người Hải Đường, cây cau không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà sâu xa hơn, cau “ăn đời ở kiếp” và thành “sản vật” tinh thần của người dân nơi đây./.

Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com