Các doanh nghiệp cơ khí tập trung đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm

07:03, 13/03/2012

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng cơ khí, tập trung ở Thành phố Nam Định và các xã Xuân Tiến (Xuân Trường); Nam Thanh, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực); Yên Xá, Thị trấn Lâm (Ý Yên); Quang Trung (Vụ Bản)… Để đáp ứng yêu cầu của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã tích cực đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất những sản phẩm phục vụ cho ngành công nghiệp đóng tàu, luyện kim, đúc thép...

Hoàn thiện sản phẩm đúc đồng mỹ nghệ tại làng nghề Vạn Điểm, Thị trấn Lâm (Ý Yên).
Hoàn thiện sản phẩm đúc đồng mỹ nghệ tại làng nghề Vạn Điểm, Thị trấn Lâm (Ý Yên).

Huyện Ý Yên nổi tiếng về nghề đúc đồng truyền thống với 2 dòng sản phẩm chính là sản phẩm đúc đồng mỹ nghệ ở làng Vạn Điểm (Thị trấn Lâm) và sản phẩm đúc thép, đúc nhôm ở làng Tống Xá  (xã Yên Xá), phục vụ các ngành công nghiệp. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở làng đúc Tống Xá đã đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị và chủ động liên kết với các viện nghiên cứu chuyên ngành đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo hướng đi mới phù hợp với thị trường. Hiệp hội cơ khí đúc Ý Yên là đơn vị đầu mối đại diện giúp doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh tiếp cận với các trường đại học, viện nghiên cứu, được tập huấn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chuẩn hóa quy trình công nghệ theo hệ thống tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001-2008. Tiêu biểu như Cty TNHH Cơ khí đúc Thắng Lợi, Cty TNHH Cơ khí đúc Cửu Long, Cty TNHH Cơ khí đúc Toàn Thắng… Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp chuyển từ lò đúc; sử dụng than sang lò đúc sử dụng điện và công nghệ đúc chân không sử dụng máy phân tích quang phổ, máy đo độ cứng, máy kiểm tra khuyết tật bề mặt, máy bắn bi làm sạch, đánh bóng sản phẩm… thay thế cho các công đoạn sản xuất thủ công trước đây. Nhờ các công nghệ mới, các doanh nghiệp trong làng nghề đã sản xuất thành công nhiều chi tiết máy có độ chính xác cao và nhiều chi tiết bằng đồng với các thông số kỹ thuật tiêu chuẩn châu Âu như bạc, trục, chân vịt trong ngành công nghiệp tàu thuỷ, giàn khoan dầu khí…, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Các doanh nghiệp chuyên đúc hàng thủ công mỹ nghệ đã đầu tư dây chuyền thiết bị đồng bộ như hệ thống thiết bị làm khuôn, nấu luyện hợp kim và đúc chân không hợp kim đồng; hệ thống thiết bị mạ trang trí đồng, niken, vàng, bạc đồng bộ; bộ thiết bị và công nghệ mạ chọn lọc nhiều màu… đã cho ra đời các sản phẩm có độ chính xác cao cả về kỹ thuật và màu sắc của sản phẩm; đồng thời giải quyết cơ bản được tình trạng ô nhiễm môi trường do công nghệ nấu luyện cũ, lạc hậu trước đây.

Với sản phẩm chủ yếu là phụ tùng xe máy, xe đạp, máy nông nghiệp và đồ nhôm gia dụng, trên 30 doanh nghiệp và gần 1.700 cơ sở sản xuất cơ khí tại các làng nghề Đồng Côi, Vân Chàng, Bình Yên của huyện Nam Trực tập trung đầu tư vốn phát triển công nghệ theo hướng chuyên sâu. Nhiều doanh nghiệp có tiềm năng như  Cty TNHH Việt Thắng, Cty TNHH Cơ khí cầu đường Hà Ninh, Cty TNHH Việt Anh… đã đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm chất lượng cao như phụ tùng máy dệt, thiết bị cho ngành Điện, ngành Bưu chính viễn thông… Tại làng nghề Bình Yên chuyên sản xuất đồ gia dụng như nồi, xoong, ấm, chảo… đòi hỏi phải đầu tư đồng bộ nhiều loại máy móc mới tạo ra được sản phẩm hoàn chỉnh. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề đã chọn cách đầu tư công nghệ theo hướng chia nhỏ công đoạn tạo nên sản phẩm. Trong tổng số 245 hộ tham gia làm nghề, có 32 hộ chuyên cô đúc nguyên liệu; 30 hộ chuyên cán nhôm và các hộ còn lại hoàn thiện sản phẩm. Các hộ làm công đoạn cuối cùng chỉ làm chuyên một số sản phẩm như: ấm nhôm các loại, hộ làm chậu, hộ làm xoong, nồi, chảo… tùy theo khả năng, mối hàng truyền thống. Hiện tại, 100% các gia đình ở làng nghề Bình Yên đều đã đầu tư máy móc hiện đại trị giá hàng tỷ đồng như: máy cán nhôm, máy định hình khuôn, khay, máy mài, máy đánh bóng và máy thổi nguyên liệu… Gia đình các ông Bùi Văn Quyết, Đoàn Văn Minh... ở xóm 1; Nguyễn Văn Sỹ, Trần Văn Luân ở xóm 2 là những hộ tiêu biểu trong việc đầu tư máy móc sản xuất theo công nghệ mới. Với hướng đầu tư chuyên sâu, có trọng điểm, làng nghề Bình Yên đã hiện đại hóa 94% quy trình sản xuất thay thế lao động thủ công ở các khâu cắt nguyên liệu, gò và đánh bóng sản phẩm… để tạo nên sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, hạn chế ô nhiễm môi trường và hạ giá thành sản phẩm. Đây là điểm mấu chốt giúp các cơ sở sản xuất đảm nhận tốt những đơn hàng lớn phục vụ thị trường trong nước và một phần xuất khẩu sang các nước Lào, Cam-pu-chia, Ma-lai-xi-a… Ngoài ra, làng nghề còn cung ứng nguyên liệu cho các làng nghề cơ khí trong tỉnh và các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Bắc Ninh…, đồng thời xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan… mang lại nguồn thu nhập lớn cho địa phương.

Với việc tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm đã tạo nên sự phát triển ổn định, bền vững cho các làng nghề và ngành công nghiệp cơ khí của tỉnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com