Nghĩa Tân gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế với phát triển sản xuất CN-TTCN

08:02, 28/02/2012

Những năm qua, xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo hiệu quả kinh tế cao. Trên diện tích gần 445ha đất cấy 2 vụ lúa/năm, xã chỉ đạo các hộ dân cấy các giống lúa thuần ngắn ngày, năng suất cao như Bắc thơm số 7, NĐ5 với khoảng 60% diện tích gieo cấy, còn lại là giống lúa lai D.ưu 527. Từ vụ mùa 2009, xã tiến hành thử nghiệm gieo sạ hàng tại các chân đất cao, chủ động nguồn nước nên năng suất lúa cao hơn hẳn, đạt 55 tạ/ha và tiết kiệm được giống, chi phí làm đất, hạn chế được sâu bệnh. Từ kết quả đạt được, vụ xuân 2012, xã đã mua 18 công cụ sạ hàng cấp cho 8 đội sản xuất gieo sạ hàng trên diện tích 93ha. Với lợi thế vùng đồng màu, vụ đông 2011, xã liên kết với Cty TNHH Bao bì kim loại CFC xây dựng vùng trồng dưa chuột bao tử rộng 4,6ha, đồng thời tạo điều kiện cho 6 đại lý thu mua tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với giá phù hợp. Đối với diện tích cấy lúa kém hiệu quả, xã cho các hộ đấu thầu để chuyển đổi phát triển kinh tế VAC. Hiện tại, xã có 11 gia trại chăn nuôi lợn từ 50 con trở lên. Anh Vũ Văn Mạnh ở xóm 2 cho biết, được xã tạo điều kiện, gia đình anh đã chuyển đổi hơn 700m2 đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi lợn giống siêu nạc. Chuồng trại được anh đầu tư xây dựng theo mô hình nuôi bán công nghiệp với hệ thống nước uống và bể tắm tự động. Anh còn tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc, phòng chống bệnh cho lợn thịt siêu nạc cũng như lợn nái siêu nạc. Hiện nay, gia đình anh nuôi hơn 20 con lợn nái, 100 con lợn thịt. Đến nay, mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Mạnh đã được nhiều hộ dân trong xã đến học tập kinh nghiệm và áp dụng để phát triển chăn nuôi gia đình, tiêu biểu như gia đình các anh Nguyễn Văn Huỳnh, Vũ Văn Thiên (xóm 2), Nguyễn Văn Tân (xóm 4). Ngoài ra, nhiều hộ dân ở xã Nghĩa Tân còn phát triển các mô hình nuôi vịt đẻ, nuôi bò thương phẩm đều đạt hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như hộ các ông Vũ Văn Tự ở xóm 6, Vũ Văn Hậu ở xóm 3.

Xưởng may gia công của gia đình chị Nguyễn Thị Bảy ở xóm 2, xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động với thu nhập bình quân từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng.
Xưởng may gia công của gia đình chị Nguyễn Thị Bảy ở xóm 2, xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động với thu nhập bình quân từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xã Nghĩa Tân còn khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ phát triển CN-TTCN, đưa ngành nghề về địa phương. Hiện nay, trên địa bàn xã có 4 xưởng may công nghiệp, 2 cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ và 1 xưởng đan cói xuất khẩu, thu hút hơn 200 lao động. Bà Nguyễn Thị Vóc ở xóm 1 cho biết: “Thời gian nông nhàn, vợ chồng tôi đan cói xuất khẩu và có thu nhập hơn 180 nghìn đồng/ngày”. Hiện nay, tổ sản xuất hàng cói xuất khẩu của chị Vũ Thị Tịnh ở xóm 1 tạo việc làm ổn định cho hơn 50 lao động với thu nhập bình quân từ 70-100 nghìn đồng/người/ngày. Cơ sở không ngừng đa dạng mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Các sản phẩm cói xuất khẩu đều được doanh nghiệp Ánh Túy ở xã Nghĩa Lợi và đại lý Tiến Hải ở xã Nghĩa Lâm chủ động thu mua để tiêu thụ ở các địa phương khác. Nguyên liệu cói được các hộ dân cấy ngay tại địa phương tập trung ở xóm 1 nên tiết kiệm chi phí vận chuyển và chủ động được nguồn nguyên liệu. Các cơ sở may gia công ở xã đều liên kết với các Cty tại Thành phố Nam Định. Cơ sở sản xuất đồ bảo hộ lao động của chị Nguyễn Thị Bảy ở xóm 2 liên kết với Cty TNHH May Quảng Phát (TP Nam Định) tạo việc làm cho hơn 20 lao động với thu nhập ổn định từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian tới, xã Nghĩa Tân tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa, quy hoạch vùng nuôi thủy sản, chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại. Khuyến khích các hộ mở rộng, phát triển CN-TTCN, đưa thêm nghề mới về địa phương, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho nhân dân trong xã./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com