Kinh nghiệm bước đầu trong công tác dồn điền đổi thửa ở Vụ Bản

07:02, 02/02/2012
Cán bộ Phòng TN và MT huyện Vụ Bản tập huấn nghiệp vụ công tác dồn điền đổi thửa cho các cán bộ chuyên ngành.
Cán bộ Phòng TN và MT huyện Vụ Bản tập huấn nghiệp vụ công tác dồn điền đổi thửa cho các cán bộ chuyên ngành.

Triển khai công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) giai đoạn 2011-2013 theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), mặc dù tỉnh có kế hoạch giao cho mỗi huyện triển khai làm điểm 3 xã, thị trấn nhưng huyện Vụ Bản đã thống nhất tổ chức thực hiện tại 4/6 xã đang tham gia chương trình xây dựng NTM gồm Minh Tân, Trung Thành, Minh Thuận, Hiển Khánh. Trong quá trình triển khai thực hiện DĐĐT, huyện chỉ đạo các xã thống nhất lãnh đạo theo hướng bảo đảm an ninh trật tự, công bằng, dân chủ, công khai theo đúng quy định của pháp luật. Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện thực hiện, bảo đảm nguyên tắc dồn đổi phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, sử dụng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM và không thực hiện đối với những hộ chỉ còn một thửa, đang sản xuất cây trồng vật nuôi phù hợp với quy hoạch mới… Tại xã Minh Tân, nhờ tích cực tuyên truyền vận động, công khai, dân chủ trong bàn bạc và thống nhất phương án dồn đổi nên đã tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đến nay, toàn xã đã cơ bản hoàn thành việc giao đất tại thực địa cho các hộ trong thôn để sản xuất vụ  xuân, bình quân đạt 2 thửa/hộ. Bên cạnh đó, mỗi hộ trong xã đều tự giác góp đất xây dựng đường giao thông, thuỷ lợi nội đồng theo tỷ lệ mỗi sào góp 18m2. Tại xã Trung Thành, việc xây dựng phương án, tuyên truyền phổ biến công tác DĐĐT được tiến hành đúng trình tự. Nhiều cuộc họp được tổ chức từ xã đến thôn để cán bộ, đảng viên và nhân dân bàn bạc dân chủ, công khai, giúp nông dân thấy được lợi ích lâu dài và nhất trí phương án sau khi DĐĐT mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa; sẵn sàng đóng góp đất cho việc quy hoạch khu dân cư, xây dựng công trình phúc lợi, làm bờ vùng bờ thửa; đóng góp ngày công lao động đào đắp hệ thống thuỷ lợi nội đồng, xây dựng công trình công cộng... Đến ngày 31-12-2011, xã Trung Thành đã hoàn thành DĐĐT đất nông nghiệp, đổ cột bê tông định vị, phóng tuyến, giao đất ngoài thực địa và bảo đảm diện tích lúa xuân được cấy đúng trong khung thời vụ tốt nhất. Đồng chí Phạm Ngọc Chi, Trưởng Phòng TN và MT huyện cho biết: Từ đầu tháng 11-2011, cả 4 xã được chỉ đạo điểm đều tiến hành đo đạc, giao đất trên thực địa, sang tháng 1-2012 xây dựng và triển khai phương án giao đất công ích còn lại trong thôn, tổng hợp kết quả, kiểm tra thẩm định, điều chỉnh, xử lý số liệu trên thực địa, lập bản đồ, hồ sơ địa chính phục vụ công tác quản lý, sử dụng đất theo yêu cầu mới. Qua kết quả tổng hợp sau dồn đổi 22.086.441m2 tại 41 thôn, đội của 4 xã thí điểm đều đạt bình quân từ 2 thửa/hộ trở xuống. Tại nhiều thôn, các hộ là anh em trong dòng họ, hàng xóm còn thỏa thuận, cùng dồn lại đất canh tác trên một thửa ruộng với diện tích lớn nên số hộ nhận ruộng giảm đi. Các hộ còn tự nguyện góp đất theo tỷ lệ thống nhất trong toàn thôn, đội để quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, xây dựng các công trình phúc lợi. Đặc biệt, khi chưa thực hiện DĐĐT, đất  công ích 5% của các xã đều bị phân tán nhiều nơi nhưng khi chia lại ruộng đã được quy hoạch thành một vùng tập trung. Trên đồng ruộng đã hình thành các vùng sản xuất gồm: vùng VAC, vùng chuyên màu, vùng cấy lúa kết hợp sản xuất vụ đông, vùng cấy 2 vụ lúa. Mặc dù chưa thực hiện quy hoạch chi tiết giao thông, thủy lợi nội đồng nhưng đường giao thông ra đồng, bờ vùng, bờ thửa đã được xã phân định rõ ranh giới, bố trí khoa học, hợp lý theo tiêu chí xây dựng NTM.

Kinh nghiệm bước đầu trong quá trình thực hiện công tác DĐĐT ở huyện Vụ Bản là có sự quan tâm chỉ đạo tập trung của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong quá trình thực hiện. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cán bộ đảng viên ở thôn, xóm cần gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động cũng như triển khai thực hiện. Việc tổ chức thực hiện cần cụ thể, đồng thời phải công khai, minh bạch nhất là huy động kinh phí cho xây dựng kênh mương, đường giao thông. Ngoài chính sách hỗ trợ của cấp trên, các xã, thị trấn cần có chính sách hỗ trợ kinh phí, tạo động lực cho các thôn tiến hành công việc thuận lợi… Thời gian tới, huyện Vụ Bản tiếp tục thực hiện DĐĐT tại 14 xã, thị trấn còn lại theo hướng tập trung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp sản xuất hàng hoá, từng bước quy vùng sản xuất tập trung, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, áp dụng đồng bộ các tiến bộ KHKT, đưa cơ giới hoá vào sản xuất để tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích vụ đông, để nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thuý
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com