Phấn đấu khẳng định thương hiệu Tám ấp bẹ Xuân Đài

10:11, 01/11/2010

Cuối tháng 10, trời se lạnh với gió heo may đầu đông, chúng tôi có dịp về Xuân Đài (Xuân Trường). Xuân Đài nằm ở hạ lưu sông Hồng, bao quanh là các sông nhánh như: Cát Giang, Láng, Thanh Quan... hàng năm được bồi lắng một lượng lớn phù sa lớn đã tạo cho Xuân Đài nhiều thuận lợi trong canh tác nông nghiệp, là quê hương của nhiều giống lúa tám, nếp đặc sản như: Tám xoan (tám trâu, tám nghểnh), tám tiêu và đặc biệt là tám ấp bẹ.

Chế biến gạo tám ở Hiệp hội gạo tám xoan Hải Hậu.  Ảnh: Xuân Thu
Chế biến gạo tám ở Hiệp hội gạo tám xoan Hải Hậu.
Ảnh: Xuân Thu

Cụ Nguyễn Thị Bàng, 94 tuổi, ở xóm 4 (xã Xuân Đài) cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 6 là hầu như nhà nào trong xóm cũng dành một hai mảnh ruộng tốt nhất cấy tám ấp bẹ. Sở dĩ có tên gọi tám "ấp bẹ" vì giống tám ấp bẹ Xuân Đài dù trỗ đến 100% cũng vẫn còn khoảng 1/4 bông lúa nằm trong bẹ lá. Tám ấp bẹ có hương thơm đặc trưng, hạt cơm dai mà dẻo. Lúa tám thì nhiều nơi cấy, ngay tại Xuân Đài cũng có nhiều loại tám nhưng riêng giống "ấp bẹ" thì "kén" đất nên chỉ có các cánh đồng Trương, Công Thổ, Thần Từ (nay thuộc các xóm 3, 4, 5 và một phần xóm 6, 7) với diện tích khoảng 150 mẫu là cấy được. Không chỉ kén đất, cấy tám ấp bẹ còn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác từ lúc lựa giống, gieo cấy, thu hoạch, bảo quản. Giống phải là những bông mẩy, hạt đều nhất ruộng, phần ấp bẹ nhiều hơn so với các bông khác, chọn ngày nắng đều, phơi cả bông cho khô rồi dùng mảnh chai cạo lấy hạt thóc (tránh dập, xước vỏ), phơi thật săn rồi đựng trong hũ sành, bịt lá chuối. Tháng 6 hàng năm, xung quanh tiết "Mang chủng" mới mang thóc giống ra ngâm ủ làm mạ. Trước khi cấy ruộng phải bón lót phân chuồng ủ hoai với tỷ lệ từ 3-5 tạ/sào, khi mạ đã bén rễ hồi xanh mới bón phân đạm và sau khi cấy 1 tháng lại bón thúc bằng phân xanh ủ bằng các loại lá cây nhưng tốt nhất là lá xoan, "dấn" xuống từng gốc để cây lúa phát triển, đẻ nhánh đều. Tám ấp bẹ ưa nắng, một năm chỉ cấy được một vụ mùa, thời gian sinh trưởng từ 175-180 ngày, thu hoạch xong phải chọn những ngày được nắng, phơi thật săn, sau đó đựng trong chum, vại sành, để giữ mùi thơm, thóc phải đổ đầy chum, nếu không phải lót trấu, trên bịt lá chuối khô. Khi nào dùng mới mang ra cối giã. Từ nhiều năm qua, tám ấp bẹ Xuân Đài đã trở thành thương hiệu nông sản hàng hoá được ưa chuộng nổi tiếng ở nhiều nơi, cả trong và ngoài nước.

Đồng chí Vũ Tiến Lực, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban nông nghiệp xã, cho biết: Vụ mùa năm nay, diện tích tám nếp đặc sản của Xuân Đài có 330 mẫu với trên 400 hộ tham gia canh tác, trong đó trên 70% diện tích là các giống tám ấp bẹ và tám xoan. Dự kiến diện tích lúa đặc sản sẽ cho thu hoạch từ ngày 30-11 đến ngày 5-12, năng suất ước đạt 120 kg/sào. Với giá bán xấp xỉ 20 nghìn đồng/kg gạo, trừ chi phí, thu nhập thực tế từ lúa tám gấp 2,5-3 lần lúa thường. Tuy nhiên, bên cạnh các giá trị tích cực, giống tám ấp bẹ Xuân Đài đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như: Thương hiệu chưa được đăng ký, một phần giống đã bị thoái hoá nên ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, nguy cơ mai một rất lớn… Địa phương đang rất cần sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành trong việc đầu tư nghiên cứu, xây dựng thương hiệu để bảo tồn và phát triển giống lúa tám ấp bẹ cổ truyền./.

Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com