Đẩy mạnh công tác dạy nghề cho nông dân

08:10, 13/10/2010

Những năm qua, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân (HND tỉnh) luôn coi công tác dạy nghề và giải quyết việc làm là nhiệm vụ hàng đầu trong các chương trình hỗ trợ nông dân.

Hội viên Hội Nông dân thị trấn Lâm (Ý Yên) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh.  Ảnh: Dương Đức
Hội viên Hội Nông dân thị trấn Lâm (Ý Yên) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh.
Ảnh: Dương Đức
Hiện nay, tỉnh ta có dân số trên 1,8 triệu người, tổng số lao động chiếm 72,5% dân số nên vấn đề lao động việc làm còn nhiều khó khăn. Hiện đang có một bộ phận dân cư sống ở nông thôn nhưng không còn là nông dân vì không còn đất canh tác, một phần do đất đai dành cho các dự án xây dựng khu công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo số liệu điều tra về việc làm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nguồn nhân lực tăng nhanh qua các năm, chưa được sử dụng hết là sức ép lớn về dạy nghề và giải quyết việc làm. Tháng 9-2009, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh được thành lập theo Quyết định của UBND tỉnh với chức năng hỗ trợ nông dân tập huấn khoa học kỹ thuật, phối hợp cho vay vốn, mua vật tư trả chậm cho nông dân…, tổ chức dạy các nghề: Trồng trọt, trồng hoa cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; may công nghiệp, đan cói, bẹ chuối, bèo tây, mây tre xuất khẩu cho nông dân. Thời điểm Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh được thành lập cũng gần với thời điểm Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Trong đó, Nam Định là 1 trong 10 tỉnh trong cả nước được chọn làm thí điểm về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Đây là thuận lợi cho Trung tâm trong việc đào tạo nghề. Tiếp đó, ngày 16-6-2010, UBND tỉnh cũng đã ra Quyết định số 11/2010/QĐ-UBND về việc hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn của tỉnh theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Đề án đào tạo nghề được quan tâm toàn diện hơn từ công tác khảo sát nhu cầu người học đến đầu tư trang thiết bị cơ sở dạy nghề, từ công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên đến tạo điều kiện cho người học nghề theo học các lớp nghề cụ thể. Lao động nông thôn theo học các lớp dạy nghề trình độ sơ cấp (3-3,5 tháng), được học miễn phí; đối tượng lao động nghèo học nghề được hỗ trợ 1,8-2 triệu đồng/người/khóa.

Cùng với việc tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, xác định các nghề thị trường đang có nhu cầu nhân lực cao như: Nghề may, các ngành nghề truyền thống như mây tre đan, nghề trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho người lao động tại chỗ ở địa phương. Vấn đề đặt ra là dạy và học phải có kết quả, vừa học lý thuyết, vừa thực hành, thậm chí "cầm tay chỉ việc" để lao động nghèo ở nông thôn có điều kiện tiếp thu kiến thức và thực hành tại chỗ. Do đặc thù lao động ở khu vực nông thôn đa dạng về đối tượng, độ tuổi, khả năng tiếp thu, điều kiện học tập khác nhau, nhu cầu học nghề cũng khác nên việc dạy nghề được tổ chức ngay tại địa bàn khu dân cư. Thời gian dạy nghề gắn với thời gian nông nhàn, vừa học vừa làm, đồng thời xây dựng đội ngũ cộng tác viên là những người có tay nghề, nghiệp vụ sư phạm làm công tác tuyên truyền nghề, dạy nghề. Bên cạnh đó, Trung tâm còn liên kết với các trường dạy nghề trong tỉnh để trao đổi kinh nghiệm, mời giáo viên có kinh nghiệm, uy tín tham gia giảng dạy. Công tác giới thiệu việc làm cho các học viên được Trung tâm thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp, Cty như các Cty may Sông Hồng, Nam Định; phối hợp với các chủ cơ sở sản xuất bẹ chuối, cói, mây tre; các Cty, trạm, trại để các học viên có điều kiện tham quan học hỏi và giới thiệu việc làm khi đã học xong. Đồng thời, Trung tâm còn phối hợp với HND các huyện, thành phố để tuyển sinh, chọn địa điểm học tập và các ngành chức năng hỗ trợ cho học viên vay vốn, mua vật tư trả chậm để sau khi học xong, học viên có điều kiện bắt tay ngay vào sản xuất. Đến nay, Trung tâm đã mở được 11 lớp dạy nghề cho trên 330 lượt hội viên nông dân, trong đó có 2 lớp dành cho đối tượng hội viên nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Để công tác dạy nghề đạt hiệu quả, cùng với việc tăng cường tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người học nghề tới cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh, Trung tâm sẽ phối hợp với các doanh nghiệp và tổ chức ký cam kết 3 bên giữa Trung tâm, người học nghề và doanh nghiệp để tạo điều kiện cho người học sau khi học xong, có việc làm ngay tại các doanh nghiệp. Đối với diện lao động thuộc hộ nghèo, Trung tâm hỗ trợ cho người học các dụng cụ sản xuất, cây trồng, con giống để người lao động sản xuất đạt hiệu quả và vươn lên thoát nghèo./.

Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com