Phát triển chăn nuôi ở Yên Phương

09:10, 15/10/2010

Gia đình chị Nguyễn Thị Phượng, xã Yên Phương (Ý Yên) sản xuất con giống gia cầm, mỗi năm thu lãi 150-200 triệu đồng.  Ảnh: Dương Đức
Gia đình chị Nguyễn Thị Phượng, xã Yên Phương (Ý Yên) sản xuất con giống gia cầm, mỗi năm thu lãi 150-200 triệu đồng.
Ảnh: Dương Đức

Xã Yên Phương (Ý Yên) có 408 ha đất nông nghiệp, trong đó có 321 ha trồng lúa, còn lại trồng rau màu các loại. Là vùng đồng trũng, khó canh tác nên hàng năm, năng suất lúa của xã chỉ đạt 105-110 tạ/ha. Để khắc phục khó khăn, xã khuyến khích và tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại. Năm 2005, sau khi dồn điền đổi thửa, xã đã quy hoạch vùng nuôi thuỷ sản 13 ha thuộc khu vực Cống Vỡ, Cổ Đán, Vườn Rong, Ao Cá, Quá Triều, đồng thời mời cán bộ Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh và Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi cho nông dân. Đối với các hộ có nhu cầu vay vốn, UBND xã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, giúp các hộ nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, tổng số dư nợ của các hộ qua các kênh như Ngân hàng NN-PTNT, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… lên tới trên 20 tỷ đồng. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ đã có điều kiện phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi, đưa tổng số đàn gia súc, gia cầm của xã tăng nhanh trong các năm. Năm 2008, đàn lợn của xã đạt 4570 con, năm 2009 tăng lên 4980 con; đàn gia cầm tăng từ 40300 con (năm 2008) lên 42000 con (năm 2009); đàn trâu bò gần 600 con. Doanh thu từ chăn nuôi năm 2009 đạt 12,784 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2010, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của xã đạt 238 tấn; đàn lợn nái xuất bán 100 tấn, sản lượng đàn gia cầm xuất bán 34 tấn, tổng doanh thu đạt gần 10 tỷ đồng. Đến nay, tại các khu vực chuyển đổi đã có 60 hộ tham gia theo mô hình trang trại tổng hợp nuôi cá luồn lúa kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều mô hình cho thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Trong đó, 5 hộ có diện tích trên 1 mẫu nuôi thuỷ sản và chăn nuôi với quy mô 50-100 con lợn, 300-400 con gà, trừ chi phí mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng. Tiêu biểu như hộ ông Đỗ Đức Ninh, đội 10, Quang Điểm có 2 mẫu cấy lúa kết hợp nuôi cá truyền thống và thường xuyên nuôi trên 100 con lợn, thời kỳ cao điểm lên tới 250 con, trong đó có 15 con lợn nái. Ông còn có một lò ấp trứng gia cầm, mỗi năm xuất bán khoảng 60 nghìn con gia cầm giống gồm gà, ngan, vịt cho các hộ chăn nuôi trong và ngoài xã. Gia đình ông Đỗ Đức Đại, thôn 11, Quang Điểm cũng là một trong những hộ thành công với mô hình chăn nuôi tổng hợp. Trước đây, toàn bộ 1,2 mẫu ruộng của gia đình ông cấy lúa nhưng do đồng đất trũng, năng suất thấp nên ông đã đầu tư vốn chuyển đổi sang nuôi thuỷ sản và chăn nuôi 50-100 con lợn, 500 con gà, vịt, thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm. Một số hộ còn tận dụng diện tích đồng cỏ tự nhiên của xã chăn nuôi trâu, bò và nuôi nhím, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Với mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tập trung phát triển chăn nuôi toàn diện theo mô hình trang trại tổng hợp, những năm tới, xã Yên Phương phấn đấu giá trị nuôi thuỷ sản mỗi năm đạt doanh thu 70-80 triệu đồng/ha; nâng tổng đàn lợn lên 6000-7000 con, đàn lợn nái đạt 500-550 con. Để đạt mục tiêu trên, xã khuyến khích các hộ tiếp tục đầu tư vốn mở rộng sản xuất gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường, ứng dụng tiến bộ về giống, thức ăn chăn nuôi. Các đội sản xuất tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, góp phần giúp các  hộ xã viên phát triển kinh tế gia đình./.

Thanh Thuỷ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com