Học nghề rồi, nông dân làm gì, sản phẩm bán cho ai ?

09:10, 29/10/2010

Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Sơn, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động.  Ảnh: Hữu Quyết
Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Sơn, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động.
Ảnh: Hữu Quyết
Mới qua bước khảo sát - đánh giá nhu cầu, Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956) đã nổi lên với nhiều cái nhất: Số tiền đầu tư lớn 32 nghìn tỷ đồng; mục tiêu đào tạo nghề cho một triệu lao động nông thôn (LĐNT)/năm; sau khi học nghề xong ít nhất phải 70-80% số người có việc làm phù hợp, 70% số LĐNT được chuyển dịch... Vấn đề là ở chỗ, Đề án sẽ thực hiện như thế nào cho hiệu quả?

Cấp cần tự câu cá, rồi... bỏ đấy

Vào đúng mùa gặt nên rất đông bà con nông dân đã tụ họp về sân UBND xã Hải Đường (Hải Hậu) dự khai giảng 10 lớp dạy nghề thí điểm cho lao động nông thôn do Bộ LĐ-TB và XH, Tổng cục Dạy nghề, UBND tỉnh, UBND huyện tổ chức. 310 người nông dân nay có thêm tên gọi mới là những học viên học nghề. Lớp học nghề đan cói mở cửa từ rất sớm. Chị Nguyễn Thị Gia (50 tuổi), thôn 19 cho biết: "Tôi đến với lớp học nghề này để có thể kiếm việc làm thêm vào lúc nông nhàn, như sau vụ gặt này chẳng hạn. Ở thôn tôi, đa số chị em nuôi con ăn học phải bỏ lên thành phố để làm nhiều công việc nặng nhọc như phụ hồ, giúp việc gia đình, bán hàng... được trả công cao nhưng lại xa nhà, xa chồng con. Nên tôi thấy được học nghề tại chỗ và bà con nông dân có thể làm thêm việc ngay tại nhà để có thu nhập là tốt lắm rồi!".

Toàn xã Hải Đường hiện có khoảng 1200 nông dân có nhu cầu học nghề. 80% số họ là những người trung tuổi như trường hợp chị Gia cần được học nghề ngắn hạn nhằm tăng năng suất lao động nông nghiệp, cải thiện kinh tế gia đình. Cái họ thật sự cần là được học nghề, cho ra sản phẩm ngay và có tiền đút túi. Chính vì thế sản phẩm của họ phải được tiêu thụ. Khi gặp mặt 20 học viên trong lớp học nghề cói tại xã Hải Đường, họ có cùng một câu hỏi: "Sau này khi kết thúc khoá học, chúng tôi sẽ làm nghề gì, sản phẩm chúng tôi làm ra sẽ bán cho ai?".

Nhưng một Đề án lớn như 1956 với 5 giải pháp và 8 hoạt động lại mới chủ yếu đề cập tới việc đào tạo còn giải pháp tạo việc làm cho nông dân sau đào tạo lại còn để trống. Đồng chí Nguyễn Văn Tìm, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết: "Với đối tượng lao động nông thôn đã nhiều tuổi, các mối quan hệ hạn chế, khả năng thích ứng với thị trường lao động tự do kém thì việc bắt họ phải tự tạo việc làm ngay sau các khoá học nghề ngắn hạn là rất khó". Như vậy, nếu không tạo việc làm cho người nông dân thì sẽ rất lãng phí khâu đào tạo, học xong lại bỏ đấy, sản phẩm làm ra cũng không được tiêu thụ. "Cấp cần câu" không thôi như vậy là chưa đủ mà trước mỗi quá trình đào tạo, phải tính đến cơ chế trách nhiệm giữa cơ quan quản lý - cơ sở đào tạo - doanh nghiệp để tạo việc làm cho nông dân".

Xây dựng trung tâm dạy nghề theo phong trào

Trung tâm dạy nghề cấp huyện đã được Đề án 1956 đặt vị trí trung tâm trong quá trình thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT. Nơi đây sẽ đào tạo nghề bài bản cho những LĐNT trẻ, chủ yếu là đào tạo dài hạn, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu LĐNT. Thế nhưng, khi bắt đầu triển khai Đề án, năm 2009, vẫn còn tới 50% số huyện chưa có trung tâm dạy nghề. Điều đáng nói, cơ sở vật chất của các trung tâm dạy nghề cấp huyện hiện nay cũng khó đảm trách nhiệm vụ đào tạo ra những lao động phục vụ công nghiệp hoá nông thôn. Số liệu Tổng cục Dạy nghề cho thấy, cả nước hiện có tới 42 trung tâm dạy nghề không có giáo viên cơ hữu, 100 trung tâm chỉ có 2-3 giáo viên. Nếu "chạy" theo Đề án 1956, mỗi năm cho ra lò một triệu LĐNT thì riêng năm 2010 còn thiếu... 2900 giáo viên. Riêng cơ sở vật chất thì 31% số phòng học và 20,7% nhà xưởng của các cơ sở dạy nghề là cấp bốn.

Để khắc phục tình trạng này, Đề án đã rất quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở tham gia dạy nghề cho LĐNT. Theo đó, phụ thuộc vào cơ sở thành lập mới hay cũ mà mức đầu tư thấp nhất là một tỷ đồng, cao nhất là 25 tỷ đồng. Đề án cũng dành ra 76 tỷ đồng để bồi dưỡng nâng cấp cho giáo viên dạy nghề. Nhưng thực tế đã xảy ra hiện tượng, khi Đề án vào guồng quay, nhiều huyện đua nhau lập dự án, xin kinh phí để đầu tư hay xây dựng mới các cơ sở dạy nghề, cho dù không biết hiệu quả đến đâu. Điều này, đồng chí Phạm Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường cao đẳng NN-PTNT Bắc Bộ, Uỷ viên BCH Hội Nông dân Việt Nam lưu ý: "Việc xây dựng trung tâm dạy nghề cấp huyện nên căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, không nên tiến hành đầu tư xây dựng hàng loạt, theo kiểu phong trào vì như thế là rất nguy hiểm".

Đồng chí Phạm Thanh Hải cho biết: "Vấn đề ở chỗ, không cấp thiết phải có ngay một khu nhà hoành tráng, trang thiết bị hiện đại mà cái cần nhất hiện nay là chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT. Các trung tâm dạy nghề huyện hiện nay cần hiểu rõ, bà con nông dân có nhu cầu đào tạo nghề gì, đâu là lợi thế của địa phương, đào tạo như thế nào phù hợp với trình độ của bà con và sau đào tạo, hãy giúp nông dân có việc làm và tiêu thụ sản phẩm".

"Gõ cửa" nhầm doanh nghiệp

Đáng ngạc nhiên, một doanh nghiệp có hạng toàn miền Bắc về hàng mây tre xuất khẩu như Công ty Phú Mỹ (trụ sở tại Phố Nối, Hưng Yên), hiện đang sử dụng LĐNT tại hầu khắp các tỉnh ven biển Bắc Bộ như Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hoá... lại không hề hay biết đến Đề án 1956, không được đưa vào diện khảo sát, đánh giá nhu cầu sử dụng LĐNT! Ông Nguyễn Văn Khiêm, Giám đốc Cty nói: "Khi chưa có Đề án của Nhà nước, để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của công ty, chúng tôi đã chủ động tìm đến những địa phương có lợi thế về hàng mây tre, đứng ra đào tạo nghề LĐNT và bao tiêu sản phẩm". Hiện nay, Phú Mỹ là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam lọt vào danh sách những nhà cung cấp chính thức cho hệ thống siêu thị IKEA (Thuỵ Điển) và đã nhiều năm thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, Mỹ chuyên về hàng mây, tre.

Thế nhưng, trung bình một năm, công ty chỉ đáp ứng một nửa đơn hàng cho các thị trường mà nguyên nhân chính là thiếu lao động. Trước đây, các làng nghề mây tre tập trung ở Hà Tây (cũ) nhưng sau khi đô thị hoá, giá nhân công tăng, làng nghề mai một nên những LĐNT, nơi có vùng nguyên liệu nếu được đào tạo nghề dự kiến, sẽ là nguồn lao động bổ sung phục vụ làm hàng xuất khẩu. Ông Khiêm cho biết nhu cầu thị trường hàng mây tre rất lớn, nếu thực hiện Đề án 1956, vấn đề chỉ ở chỗ, "ba nhà" có liên kết được với nhau hay không mà thôi.

Một doanh nghiệp có sử dụng LĐNT như Phú Mỹ trông chờ gì vào Đề án 1956? Ông Khiêm nói: "Từ trước tới nay, các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi thường rất khó. Nếu Đề án 1956 kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng LĐNT, có thị trường tiêu thụ sản phẩm sẽ tránh được tình trạng ưu đãi không đúng đối tượng, không hiệu quả. Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp nhận tiền hỗ trợ nhưng sản phẩm làm ra không biết tiêu thụ đi đâu, vừa gây lãng phí cho Nhà nước lại không giúp ích cho LĐNT".

Nếu được tham gia Đề án 1956, thực tế các doanh nghiệp không chỉ lo bảo đảm sản xuất kinh doanh mà sẽ "gánh" trách nhiệm với xã hội, cộng đồng như việc bảo đảm đầu ra cho sản phẩm của LĐNT, có chính sách bảo đảm cho LĐNT có việc làm ổn định, bền vững. "Chúng tôi mong các trung tâm dạy nghề huyện linh hoạt thay đổi bài giảng tuỳ theo thị trường, nhất là với sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Còn với LĐNT, dù học nghề ngắn hạn cũng cần kiên trì vì với hàng thủ công "trăm hay không bằng tay quen". Với doanh nghiệp, Nhà nước nên hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng và điện. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý Nhà nước cần có cơ chế giám sát thực hiện nguồn hỗ trợ Đề án 1956 để doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện" - ông Khiêm cam kết.

Đề án 1956 nhằm mục đích cuối cùng là dạy nghề cho nông dân. Như vậy, nếu nông dân sống được bằng nghề, thì họ mới học nghề./.

An Như



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com