Chế biến thuỷ sản tạo việc làm cho nhiều lao động

09:10, 15/10/2010

Tỉnh ta có nhiều thuận lợi trong nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản. Hàng năm, sản lượng thuỷ sản của tỉnh đạt khoảng 80 nghìn tấn, 9 tháng đầu năm 2010, tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt trên 71 nghìn tấn. Những năm qua, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đã mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị nguồn lợi thuỷ sản và tạo việc làm cho nhiều lao động.

Cơ sở chế biến thuỷ sản của anh Phạm Văn Hiệp, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) mỗi năm sản xuất hơn 100 tấn mắm tôm cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Dương Đức
Cơ sở chế biến thuỷ sản của anh Phạm Văn Hiệp, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) mỗi năm sản xuất hơn 100 tấn mắm tôm cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ảnh: Dương Đức

Xí nghiệp chế biến thuỷ sản Xuân Thuỷ (Cty xuất nhập khẩu thuỷ sản Hà Nội) sản xuất các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu. Cty đã thực hiện tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm chế biến hợp lý; tổ chức lại sản xuất liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người nuôi thuỷ sản và các đại lý cung ứng nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu cho chế biến 50% được mua từ người nuôi thuỷ sản, 50% mua từ các đại lý. Cty đã đặt hàng người nuôi trong và ngoài tỉnh cung cấp nguyên liệu theo yêu cầu chế biến, yêu cầu thị trường và người tiêu dùng. Nguồn nguyên liệu mua từ 40 đại lý ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Cty yêu cầu về chất lượng, chủng loại phù hợp với các đơn hàng xuất khẩu, từ đó từng bước có nguồn nguyên liệu ổn định, sản xuất được duy trì. Với những cố gắng trên, 9 tháng đầu năm 2010, Cty đạt sản lượng trên 400 tấn, doanh thu đạt 25-27 tỷ đồng, tạo việc làm cho 250-300 lao động với thu nhập bình quân khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Cty cổ phần chế biến hải sản Nam Định (thị trấn Thịnh Long, Hải Hậu) nhiều năm nay luôn bảo đảm việc làm cho 28 lao động trong biên chế và tạo việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ. Mỗi năm, Cty sử dụng khoảng 500 tấn chượp để sản xuất nước mắm. Để đảm bảo số lượng chượp cho sản xuất hàng năm và gối sóng cho các năm sau, mỗi năm, Cty thu mua hàng nghìn tấn cá. Mỗi tàu cá khai thác 4-5 tấn cá cần 10 lao động, như vậy lượng lao động chuyên đánh bắt cung cấp nguyên liệu cho Cty ước tính có hàng trăm người. Cty TNHH Thịnh Long (Hải Hậu), ngoài nhà máy sản xuất và chế biến thuỷ hải sản xuất khẩu đã xây dựng thêm phân xưởng sản xuất bột cá nhạt cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi. Năm 2008, được sự hỗ trợ một phần từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, Cty đã đầu tư nâng cấp dây chuyền chế biến bột cá nhạt theo công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hợp lý phục vụ tốt hơn nhu cầu thị trường. Dây chuyền sản xuất mới giúp Cty tạo việc làm cho trên 30 lao động có thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Chế biến nước mắm, mắm tôm là nghề truyền thống của người dân các xã Giao Châu (Giao Thuỷ), Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng), thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu)… Làng nghề nước mắm Sa Châu được nhiều người biết tiếng. Làng có gần 400 hộ sản xuất nước mắm, tạo việc làm cho khoảng 1000 lao động. Hầu hết các hộ đều sản xuất nhỏ lẻ, hàng năm, tạo ra lượng hàng hoá với mức doanh thu gần 10 tỷ đồng. Huyện Giao Thuỷ tạo điều kiện để làng nghề xây dựng thương hiệu góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, tạo thêm việc làm cho người lao động. Xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) có truyền thống khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản. Xã có trên 200 phương tiện từ 18-90CV, mỗi phương tiện tạo việc làm cho từ 3-9 lao động. Nghĩa Hải có vùng nuôi thuỷ sản mặn lợ và nước ngọt, diện tích gần 100ha thu hút trên 600 lao động. Các con nuôi vùng mặn lợ là tôm, cua, cá song, cá bớp, chủ yếu để xuất khẩu. Vùng nước ngọt nuôi cá truyền thống bán tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Gia đình anh Nguyễn Văn Thiệu có gần 5ha nuôi cá bớp, cua, cá song tạo việc làm cho 10 lao động. Hộ anh Trần Văn Hoà ở thôn Nam Hải cũng có gần 5ha nuôi tôm sú, nuôi cua. Những năm gần đây, việc sản xuất nước mắm, mắm tôm phát triển. Gia đình anh Lại Văn Quang sản xuất nước mắm, mắm tôm từ nhiều năm nay. Lúc đầu ngoài số lao động trong gia đình, anh Quang còn thuê thêm 3-4 lao động. Do chú trọng đến chất lượng sản phẩm nên thị trường tiêu thụ được mở rộng ở nhiều tỉnh, thành phố. Mặt hàng mắm tôm được đăng ký chất lượng tại Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản và từng lô hàng được kiểm tra đánh giá bảo đảm chất lượng VSATTP. Năm 2010, gia đình anh Quang phấn đấu sản xuất 10 nghìn lít nước mắm, 300 tấn mắm tôm; tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động và việc làm thời vụ cho 20 lao động. Anh Quang cho biết, khi xã có thêm các cơ sở chế biến thì giá trị sau khai thác được nâng lên. Trước đây, các tàu đánh bắt phải bán sản phẩm sang Ninh Bình, Thanh Hoá nên dễ bị ép cấp, ép giá; nay bán ngay tại xã giảm được chi phí vận chuyển, nâng cao thu nhập. Xã Nghĩa Hải dành khu đất bãi ven sông tạo điều kiện cho các hộ mở rộng sản xuất, bảo vệ môi trường làng nghề. Hiện nay, trên địa bàn xã, hộ các ông: Trần Văn Hải, Trần Văn Tuấn, Trần Văn Phú, Phạm Văn Hiệp, Nguyễn Văn Vĩnh… mỗi năm sản xuất gần 100 tấn mắm tôm, hàng nghìn lít nước mắm, tạo việc làm cho nhiều lao động. Cùng với Nghĩa Hải, xã Nghĩa Thắng cũng có nhiều hộ thu mua cá, moi của các tàu đánh bắt để sản xuất nước mắm, mắm tôm. Mỗi năm, Nghĩa Thắng sản xuất được hàng nghìn lít nước mắm, hàng trăm tấn mắm tôm, tạo việc làm cho nhiều lao động. Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) có 5 cơ sở sản xuất nước mắm, mỗi cơ sở giải quyết việc làm cho 7-10 lao động.

Nhờ sự chủ động, tích cực trong sản xuất, kinh doanh, sau 9 tháng, các doanh nghiệp cơ sở chế biến thuỷ sản trong tỉnh đã chế biến 272 tấn thuỷ sản đông lạnh và sản xuất gần 4 triệu lít nước mắm, hàng nghìn tấn mắm tôm, tạo việc làm cho nhiều lao động./.

Trung Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com