Người được trao Cúp Sáng kiến phòng chống dịch bệnh tai xanh ở lợn

08:06, 08/06/2010
Anh Vũ Viết Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh vừa được Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh công nhận và trao Cúp Sáng kiến về giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống hội chứng rối loạn sinh sản - hô hấp ở lợn (phòng chống bệnh tai xanh ở lợn). Anh Hiển cho biết: Một phần xót vì cơ nghiệp của các hộ chăn nuôi phút chốc mất trắng khi dịch bệnh xảy ra, mặt khác tôi cứ băn khoăn: Tỷ lệ lợn chết do bệnh tai xanh chỉ chiếm khoảng 5% lợn mắc thì 95% số lợn mắc bệnh cần được chữa trị như thế nào. Năm 2008, Cục Thú y cho phép những con lợn mắc bệnh tai xanh nhẹ có thể nuôi cách ly để điều trị. Khi xem hướng dẫn sử dụng thuốc của các Cty sản xuất thuốc thú y, anh Hiển băn khoăn tại sao phương pháp điều trị bệnh tai xanh với loại thuốc kháng sinh phổ rộng trong lúc bệnh cấp tính mà các Cty sản xuất thuốc thú y quy định phải chờ 24 giờ, thậm chí 48 giờ mới tiêm mũi thứ 2 ?. Sao không dùng thuốc kháng sinh đặc hiệu chữa bệnh viêm dính phổi để điều trị suy hô hấp - Một trong những nguyên nhân chính gây chết khi lợn mắc bệnh tai xanh? Từ năm 2008, tại một số địa phương ở những thôn xóm dịch uy hiếp chưa mạnh như Đại An (Vụ Bản), Mỹ Phúc, Mỹ Thành (Mỹ Lộc), Lộc Hoà (thành phố Nam Định)… đã áp dụng phác đồ điều trị bệnh tai xanh ở lợn do anh lập. Lợn mắc bệnh được điều trị khoẻ trở lại, nhiều gia đình không có lợn chết do mắc bệnh tai xanh. Cụ thể khi phát hiện ra lợn bỏ ăn 1-2 ngày với triệu chứng lâm sàng xác định do bệnh tai xanh, anh đã điều trị 2 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 12 giờ với 2 loại kháng sinh khác nhau; trong đó mũi tiêm thứ 2 trong ngày sử dụng loại thuốc chống nhiễm trùng huyết và viêm dính phổi. Điều trị liên tục 3 ngày với lợn mới bị bệnh, bỏ ăn 1-2 ngày là lợn có thể đi lại ăn uống bình thường. Thực tế theo phác đồ điều trị này trong đợt dịch bệnh tai xanh năm 2010 ở xóm Nam Cường xã Trực Phú; xóm Khai Quang, Khai Minh xã Trực Đại, xóm 1 và 7 xã Trực Thắng…, số lợn khỏi bệnh đạt 90%. Từ phác đồ điều trị của anh, Chi cục đã xây dựng tiếp 2 phác đồ điều trị nữa, hiệu quả chữa khỏi bệnh rất cao. Năm 2010, Cục Thú y Trung ương đã cho phép các địa phương cách ly lợn mắc bệnh tai xanh để điều trị, sau 7-10 ngày nếu không khỏi mới phải tiêu huỷ. Chính từ các phác đồ điều trị lợn khỏi bệnh đã làm cho người chăn nuôi yên tâm hơn, không bán chạy khi xuất hiện dịch bệnh tai xanh, đây là một trong những nguyên nhân dịch bệnh không lây lan ra diện rộng trong năm 2010./.

Tuấn Anh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com