"Nghịch lý" thị trường thịt lợn thời dịch tai xanh

03:06, 08/06/2010
Ngay từ đầu tháng 5, khi biết tin tỉnh ta đã có lợn bị nhiễm dịch tai xanh, nhiều người do "cảnh giác", sợ mua nhầm thịt lợn mắc bệnh nên đã không sử dụng thịt lợn. Theo bà Bùi Thị Hạnh ở đường Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) thì từ hôm có dịch đến nay, gia đình bà chưa dám ăn thịt lợn mặc dù ăn mãi các loại thực phẩm khác cũng chán. Còn anh Đỗ Đức Thăng, đường Trần Nhân Tông (TP Nam Định) cho biết, hơn nửa tháng nay gia đình anh không ăn thịt lợn. Các loại thực phẩm khác đều đắt hơn thịt lợn nên mức chi phí sinh hoạt của gia đình anh tăng đột biến.
Ông Nguyễn Đắc Hới, xã Quang Trung (Vụ Bản) luôn thực hiện tốt quy trình phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, mỗi năm xuất bán 30-40 tấn lợn hơi, thu lãi hàng trăm triệu đồng.  Ảnh: Dương Đức

Ông Nguyễn Đắc Hới, xã Quang Trung (Vụ Bản) luôn thực hiện tốt quy trình phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, mỗi năm xuất bán 30-40 tấn lợn hơi, thu lãi hàng trăm triệu đồng.

                                                                            Ảnh: Dương Đức


Chính tâm lý e dè, lo ngại của người tiêu dùng đã làm cho thị trường thịt lợn điêu đứng. Thời gian mới xuất hiện dịch, hầu hết các hộ buôn bán thịt lợn đều bị ế hàng, chịu "lỗ vốn". Chị Trần Thanh Bình, chủ cung cấp thịt lợn tại chợ Năng Tĩnh cho biết: Mặc dù có nhiều khách quen, chị đã cam kết về chất lượng hàng, hướng dẫn cách phân biệt, lựa chọn thịt ngon nhưng cũng chỉ thuyết phục được một số ít người. Thậm chí trung tuần tháng 5 trở lại đây, mặc dù các cơ quan chức năng và cán bộ chuyên môn đã công khai khuyến cáo người tiêu dùng không nên quay lưng với thịt lợn sạch, thị trường thịt lợn "khan hàng" và tăng giá nhưng các hộ buôn bán lẻ thịt lợn vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Chị Vũ Thị Thanh, cung cấp thịt tại chợ Diên Hồng cho biết: Do sợ tồn hàng nên các hộ buôn bán chỉ nhập về với số lượng hạn chế nên những người bán lẻ phải tranh giành mới lấy được lượng hàng mình cần. Tuy "khan hàng" nhưng sức mua không tăng nên doanh số bán hàng giảm sút. Bình quân trước khi có dịch mỗi ngày chị bán được khoảng 95kg thịt lợn các loại nhưng hiện nay mỗi ngày chị chỉ bán được khoảng 60kg. Khi người tiêu dùng quay trở lại với thịt lợn thì thị trường khan hàng nên giá tăng từ 5-7 nghìn đồng/kg thịt mỗi loại so với trước khi có dịch khiến chi tiêu của khách hàng lại đội lên "chóng mặt".

Bên cạnh đó việc đột ngột quay lưng với thịt lợn để chuyển sang sử dụng các thực phẩm gia cầm, thuỷ hải sản… đẩy giá các mặt hàng này lên cao ảnh hưởng lớn đến tài chính gia đình vốn đã eo hẹp trước tình hình giá cả thị trường liên tục biến động tăng. Hiện tại, thịt bò thăn có giá khoảng 140 nghìn đồng/kg, tăng 20 nghìn đồng/kg so với trước; thịt gà ta làm sẵn 120 nghìn đồng/kg, tăng 10 nghìn đồng/kg. Các loại cá là mặt hàng có sức mua lớn nhất cũng tăng bình quân 10 nghìn đồng/kg như cá quả lọc xương giá 120 nghìn đồng/kg; cá chép nguyên con 40 nghìn đồng/kg, cá rô phi 35 nghìn đồng/kg, cá trắm trắng 42-45 nghìn đồng/kg, tôm rảo tăng từ 110 nghìn đồng/kg lên 120 nghìn đồng/kg... Một trong những nguyên nhân là do người dân chưa nhận thức đầy đủ về tình hình dịch bệnh tai xanh. Nhiều người chỉ nghe truyền miệng, không có căn cứ như: dịch bệnh tai xanh đã lan tràn khắp các huyện trong tỉnh; hoặc các thông tin ăn thịt lợn có nhiều nguy cơ lây dịch sang người, tất cả các đối tượng lợn đều có thể mắc dịch tai xanh nếu đã mắc bệnh liên cầu lợn... Trong khi đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng chức năng trong những ngày có dịch không ráo riết, quyết liệt khiến người tiêu dùng lo sợ khả năng "lọt" lưới lợn bệnh ra chợ. Vì vậy để điều chỉnh nhận thức, thái độ người tiêu dùng giúp bình ổn thị trường thực phẩm, tránh gây thiệt hại kinh tế cho các hộ buôn bán, chăn nuôi và người tiêu dùng, cần tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người dân đều có thể tiếp cận, nắm bắt được thông tin chính xác. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh ta chỉ có duy nhất huyện Trực Ninh có xuất hiện đàn lợn mắc dịch tai xanh tại 5 xã: Trực Hùng, Trực Mỹ, Trực Đại, Trực Thắng, Trực Phú. Công tác dập dịch, phòng chống lây lan được các ngành chức năng triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Với biện pháp tăng cường tuyên truyền, vận động và sớm đưa ra mức giá hỗ trợ hợp lý cho các hộ có đàn lợn mắc bệnh (18 nghìn đồng/kg) nên ngay khi phát hiện dịch bệnh, người dân đã chủ động trình báo để được sớm hỗ trợ tiêu huỷ, hỗ trợ vốn. Ở một số địa phương thuộc các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng nhiều người chăn nuôi ngay khi thấy lợn có dấu hiệu ốm mệt, bỏ bữa đã chủ động khai báo, đăng ký kiểm dịch nhưng sau kiểm tra, xét nghiệm đã cho kết quả âm tính với dịch bệnh. Công tác tiêu huỷ cũng được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình. Ngoài ra, tại các địa phương có dịch hoặc giáp ranh với vùng dịch, chính quyền và các đơn vị chức năng tăng cường thực hiện tốt Pháp lệnh Thú y: Lập chốt kiểm dịch, nghiêm cấm các hoạt động buôn bán, giết mổ, vận chuyển các sản phẩm từ lợn tại địa bàn trong thời gian có dịch... Tỉnh ta được Cục Thú y Trung ương đánh giá là một trong số ít địa phương thực hiện nghiêm quy định, đúng quy trình phòng chống dịch, phát hiện dấu hiệu dịch là báo cáo ngay và công tác dập dịch, phòng chống lây lan được thực hiện quyết liệt. Về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng, ngày 27-5 vừa qua, Bộ Y tế chính thức bác bỏ thông tin bệnh liên cầu lợn xuất hiện sau khi có bệnh tai xanh và có nguy cơ lây sang người vì bệnh liên cầu lợn là bệnh thường xuyên tiềm ẩn xuất hiện trên đàn lợn. Bộ Y tế còn chính thức xác nhận thông tin vi-rút bệnh tai xanh ở lợn không có cơ chế lây nhiễm sang người như cúm gia cầm. Người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm khi chọn mua thịt lợn tươi khoẻ; chỉ cần nấu chín kỹ, không ăn tiết canh, nem chạo./.
Nguyễn Thanh Thuý


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com