Các doanh nghiệp dệt may thiếu lao động

09:06, 29/06/2010

 

Dây chuyền sản xuất hàng may mặc xuất khẩu ở Cty TNHH Youngone.  Ảnh: Xuân Thu
Dây chuyền sản xuất hàng may mặc xuất khẩu ở Cty TNHH Youngone. Ảnh: Xuân Thu
Tại buổi khai trương sàn giao dịch việc làm của tỉnh vào giữa tháng 3-2010, có 11 doanh nghiệp thuộc KCN Hòa Xá đăng ký tuyển dụng lao động, trong đó có 7 doanh nghiệp dệt may với nhu cầu tuyển 5508 lao động. Cụ thể, Cty TNHH Youngone Nam Định cần tuyển 3054 người, Cty cổ phần may Nam Định cần tuyển 980 người, Cty TNHH Tây Nam 700 người, Cty cổ phần Arksun Việt Nam 640 người, Cty cổ phần Thúy Đạt 70 người… Không chỉ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại sàn giao dịch, tại KCN Hòa Xá hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may khác cũng treo băng rôn, biển thông báo tuyển lao động như nhà máy may thời trang cao cấp Trường Xuân 2 (Tập đoàn Exim InternationalUK Vương quốc Anh) cần tuyển 300 lao động; Cty TNHH dệt may Hoàng Dũng cần tuyển 40 lao động; Cty TNHH Sài Gòn Vĩnh Lộc cần tuyển 350 lao động… Số lao động cần tuyển ở nhiều vị trí như quản đốc, kế toán, bảo vệ nhưng nhiều nhất là lao động phổ thông (chiếm trên 90%). Đối tượng, tiêu chuẩn tuyển dụng khá đơn giản như nam, nữ có tuổi từ 18, tốt nghiệp THCS trở lên, có sức khỏe bảo đảm làm việc lâu dài. Để cạnh tranh, thu hút nguồn lao động, tùy theo điều kiện, mỗi Cty đều đưa ra những chính sách khuyến khích như: bố trí nhà ở, đào tạo nghề miễn phí, có mức phụ cấp (bình quân 30 nghìn đồng/ngày) hỗ trợ cho lao động trong thời gian học nghề, cam kết làm việc 8 giờ/ngày, ưu tiên những lao động đã biết nghề, lao động có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm, lương từ 900 nghìn đến 2,5 triệu đồng/người/tháng… Mặc dù tiêu chuẩn và thủ tục tuyển lao động khá đơn giản, có không ít các ưu đãi nhưng số lao động nộp đơn dự tuyển vẫn ít so với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Đồng chí Trần Thanh Nhượng, cán bộ phòng quản lý doanh nghiệp và lao động (Ban quản lý các KCN) cho biết, đến thời điểm này, có 27 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành dệt may tại KCN Hòa Xá, chiếm gần 1/3 số doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút khoảng 16 nghìn lao động. Trong đó, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gần 13 nghìn người, số còn lại làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước. Thu nhập bình quân của lao động ngành dệt may đạt 1,4-1,5 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn so với thu nhập của lao động làm việc trong các nhóm ngành hàng khác như cơ khí, chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ. Theo thống kê, thời điểm cuối quý 1-2010, các doanh nghiệp dệt may tại KCN Hòa Xá thiếu trên 6000 lao động và có xu hướng tăng trong quý 2. Tất cả các doanh nghiệp dệt may đều đang có nhu cầu tuyển thêm lao động với số lượng từ vài chục đến vài nghìn lao động.

Không chỉ ở thành phố Nam Định, nhiều doanh nghiệp dệt may ở các huyện cũng có nhu cầu tuyển lao động với số lượng lớn như Cty TNHH may Vĩnh Oanh, xã Yên Trị (Ý Yên) cần tuyển 300 lao động, Cty TNHH Hoàng Vân (Nam Trực) cần tuyển trên 100 lao động… Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải lo đối mặt với tình trạng công nhân bỏ việc hoặc đi làm không đều vào thời điểm mùa vụ. Để thu hút và cạnh tranh nguồn lao động, một số doanh nghiệp ngoài việc thông báo đăng ký tuyển dụng lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng còn trực tiếp đến các xã, huyện lân cận và các tỉnh khác để mong tìm được lao động; đồng thời có chính sách hỗ trợ người lao động.

 

Nguyên nhân dẫn đến việc các doanh nghiệp dệt may rơi vào tình trạng thiếu lao động như hiện nay là do sau thời gian bị ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế, đơn hàng của các doanh nghiệp đã khá dồi dào và ổn định trở lại. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục mở rộng thị trường, đầu tư vốn xây dựng thêm nhà xưởng, lắp đặt máy móc, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh khiến nhu cầu sử dụng lao động tăng mạnh. Một nguyên nhân quan trọng khác là thu nhập của công nhân còn thấp trong khi cường độ làm việc khá cao. Nhiều Cty công nhân phải làm việc tới 28 ngày/tháng, thời gian làm việc một ngày nhiều hơn 8 tiếng nhưng mức phụ cấp và tiền lương, thưởng làm thêm giờ không cao, trong khi giá cả nhiều loại hàng hóa tăng khiến nhiều người phải chuyển sang chọn nghề khác. Ngoại trừ một số doanh nghiệp có chỗ ở cho công nhân (song cũng chỉ đáp ứng một phần rất ít so với nhu cầu thực tế), còn lại các công nhân ở xa làm việc tại thành phố Nam Định vẫn phải "gánh" thêm tiền thuê nhà, điện, nước hàng tháng và nhiều khoản chi phí khác. Đời sống tinh thần của công nhân còn nghèo nàn, đơn điệu. Vì thế, người lao động không có ý định gắn bó lâu dài với công việc, thường xuyên có sự luân chuyển lao động giữa các doanh nghiệp. Thêm vào đó, tâm lý thích đi làm xa tìm kiếm cơ hội tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh… của một bộ phận lao động trẻ tuổi cũng khiến các địa phương bị thiếu hụt nguồn lao động.

 

Việc thiếu lao động trong các doanh nghiệp dệt may như hiện nay đang khiến cho cả doanh nghiệp và người lao động rơi vào tình trạng "quá tải", ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất, kinh doanh. Có những doanh nghiệp do không đủ lao động nên không dám nhận thêm nhiều đơn hàng vì lo không bảo đảm đúng thời gian giao hàng. Thời điểm cuối năm 2009, Cty TNHH Youngone Nam Định đã phải chuyển đơn hàng trị giá 7 - 8 triệu USD cho đơn vị khác thực hiện. Không ít doanh nghiệp đã phải chọn giải pháp tăng giờ làm, giảm thời gian nghỉ giữa ca… để bảo đảm hoàn thành đúng thời gian giao hàng khiến cường độ làm việc luôn căng thẳng, mệt mỏi, gây nhiều áp lực cho người lao động. Vì vậy, để thu hút được lao động, các doanh nghiệp dệt may cần quan tâm hơn nữa tới đời sống, thời gian, điều kiện làm việc và điều chỉnh kịp thời các chế độ tiền lương, tiền thưởng thỏa đáng cho người lao động. Trên cơ sở nhu cầu của mình, mỗi doanh nghiệp cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với các trung tâm, các trường dạy nghề trong và ngoài tỉnh, có chế độ ưu đãi để thu hút được nguồn lao động đã qua đào tạo. Về lâu dài, cần có các quy định cụ thể gắn trách nhiệm với quyền lợi của người lao động để họ yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh./.

Thanh Thủy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com