Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ các trường học (kỳ 2)

18:59, 24/10/2022

(Tiếp theo và hết)

Kỳ II.  Những vấn đề cần quan tâm

Với nhận thức tổ chức cơ sở đảng là tế bào nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trường học sẽ góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, trong những năm qua, cấp ủy các địa phương đã chỉ đạo các chi bộ trường học quán triệt thực hiện nghiêm túc Kết luận số 18-KL/TW, ngày 22-9-2017 của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X) “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” trong tình hình mới và Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 6-7-2018 của Ban Tổ chức Trung ương về “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Cấp ủy các chi bộ trường học đã duy trì sinh hoạt thường xuyên, nền nếp theo định kỳ hàng tháng, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Đồng thời, bám sát các chỉ đạo của ngành GD và ĐT và Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy các xã, phường, thị trấn để chủ động sáng tạo trong điều kiện của đơn vị, chọn vấn đề, chọn công việc để tập trung chỉ đạo trong các buổi sinh hoạt chi bộ. Trong sinh hoạt chi bộ, Ban Chi ủy các nhà trường luôn chú trọng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, khích lệ tính tích cực, tinh thần dân chủ của đảng viên. Việc chọn nội dung trong sinh hoạt chi bộ có trọng tâm, thiết thực, hình thức phù hợp để nâng cao chất lượng điều hành sinh hoạt.

Một giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Rạng Đông.

Đơn cử như tại Chi bộ Trường THPT Nam Trực, để triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học và làm theo Bác, Ban Chi ủy đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, giáo viên (CBGV) về việc đăng ký nội dung học tập và làm theo Bác phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn; trong đó trọng tâm là đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức nhà giáo. Để tạo chuyển biến trong nhận thức cho mỗi CBGV, Ban Chi ủy và Ban giám hiệu nhà trường đã đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền thông qua các hội nghị, sinh hoạt chuyên đề; đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào nội dung sinh hoạt định kỳ và chuyên đề của chi bộ, do vậy việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong nhà trường ngày càng lan tỏa, đi vào chiều sâu... Bên cạnh đó, qua các buổi sinh hoạt chi bộ, cán bộ, giáo viên, đảng viên được trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến những chủ đề thiết thực như: Làm thế nào để thực hiện tốt phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Đổi mới phương pháp dạy học nâng cao chất lượng đào tạo”... từ đó tháo gỡ khó khăn vướng mắc; cùng nhau rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn. Qua sinh hoạt, đảng viên trong chi bộ đã được nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đoàn kết nội bộ qua sinh hoạt chi bộ. Nâng cao chất lượng công tác điều hành trong sinh hoạt chi bộ theo hướng thiết thực, trọng tâm, trọng điểm, kịp thời thông tin phổ biến, quán triệt chủ trương, nghị quyết, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình thời sự trong nước và ngoài nước; dành thời gian thỏa đáng cho phần thảo luận, có những gợi mở để các đảng viên tham gia thảo luận tập trung. Nâng cao ý thức và tính Đảng của mỗi đảng viên trong sinh hoạt chi bộ; mọi đảng viên dự họp phải tham gia ý kiến đóng góp, thể hiện rõ chính kiến của mình, tham gia biểu quyết, xây dựng nghị quyết và quyết định những vấn đề quan trọng của chi bộ. Cấp ủy phải lắng nghe và giải quyết nguyện vọng chính đáng của đảng viên, kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng nhân rộng tấm gương đảng viên tiêu biểu, đồng thời phê bình, xử lý đảng viên vi phạm theo đúng quy định, Điều lệ Đảng.

Từ việc thực hiện những giải pháp đó, nền nếp sinh hoạt của chi bộ được duy trì thường xuyên, nội dung sinh hoạt thiết thực, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của nhà trường, đồng thời bám sát đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng các cấp về công tác giáo dục. Các đồng chí cấp ủy lắng nghe, chia sẻ, chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng và diễn biến tư tưởng của đảng viên, quần chúng để có biện pháp lãnh đạo, uốn nắn kịp thời. Bên cạnh đó, chi bộ thường xuyên nắm bắt các chỉ thị của ngành GD và ĐT để qua các buổi sinh hoạt, chỉ đạo kịp thời đối với nhà trường; đặc biệt, tập trung chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ năm học trên tinh thần phát huy tối đa trí tuệ của cá nhân, tập thể để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường. Đề cao phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ, nhất là khi thảo luận, quyết định những vấn đề liên quan đến trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của đảng viên; tạo không khí cởi mở, chân thành để mọi đảng viên thể hiện chính kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình; nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật, tinh thần tự phê bình và phê bình; việc tham gia góp ý cho nhau đảm bảo nguyên tắc góp ý, phê bình việc chứ không phê bình người, tránh nâng cao quan điểm, mang tính xây dựng, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau về lối sống, tác phong, cách ứng xử với học sinh, cha mẹ học sinh.

Đại hội Chi đội lớp 5, năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Rạng Đông (Nghĩa Hưng).

Qua nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, cán bộ cấp ủy cũng như từng đảng viên được rèn luyện, học tập các kỹ năng tổ chức điều hành, lựa chọn nội dung, vấn đề đưa ra bàn bạc, thảo luận phù hợp với thực tế tại chi bộ trong từng giai đoạn cụ thể. Chất lượng ý kiến tham mưu, hiến kế của từng đồng chí đảng viên trong chi bộ được phát huy tốt trên tinh thần dân chủ. Bên cạnh đó, cũng khắc phục từng bước những hạn chế trong chuẩn bị nội dung, tổ chức sinh hoạt chưa sát với chức năng, nhiệm vụ của chi bộ trường học. Chi bộ không còn tình trạng báo cáo đánh giá chung chung mà đã chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và đánh giá đúng tình hình tư tưởng của đảng viên. Từ đó nâng cao nhận thức về Đảng cho đảng viên và quần chúng trong nhà trường, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển đảng viên.

Bên cạnh đó, trong nhiệm vụ nâng cao chất lượng sinh hoạt các chi bộ trường học cho thấy vẫn còn những hạn chế: Một số đảng viên chưa thực hiện tốt công tác phê bình và tự phê bình, ngại phát biểu trong các cuộc họp chi bộ; việc nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng của quần chúng có lúc chưa kịp thời. Một số bản đăng ký nội dung học tập và làm theo Bác của đảng viên và giáo viên còn chung chung, thiếu tính thực tiễn, cá biệt có nội dung đăng ký còn giống nhau...

Từ thực tiễn nhiệm vụ nâng cao chất lượng sinh hoạt ở các chi bộ trường học cho thấy vai trò của Bí thư chi bộ rất quan trọng. Hiện tại với chủ trương nhất thể hóa vị trí người đứng đầu cấp ủy (Bí thư chi bộ) với thủ trưởng đơn vị (Hiệu trưởng) là một thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Đó là những người nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp trên, cũng như nắm rõ tình hình đơn vị, nguồn lực để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ. Bí thư cấp ủy phải nắm vững những nguyên tắc và những quy định của Đảng, vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong quá trình tổ chức sinh hoạt chi bộ, biết khích lệ tính tích cực, tinh thần dân chủ của đảng viên trong sinh hoạt Đảng. Bí thư chi bộ và các đồng chí trong Ban chi ủy phải nêu gương, không ngừng rèn luyện để giữ vững phẩm chất chính trị vững vàng, có ý thức chấp hành kỷ luật Đảng, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, giữ vai trò trung tâm đoàn kết trong chi ủy và chi bộ. Bên cạnh đó, việc chọn nội dung trong sinh hoạt chi bộ có trọng tâm, thiết thực, hình thức phù hợp, nâng cao chất lượng điều hành sinh hoạt để bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu và thời gian dành cho mỗi buổi sinh hoạt, thời điểm tổ chức sinh hoạt chi bộ phải hợp lý, thích hợp với nội dung đã chọn và duy trì nền nếp sinh hoạt chi bộ. Cùng với việc lựa chọn nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ, cần xác định thời gian để thực hiện được nội dung đó, đặc biệt với những nội dung cần bàn bạc, thảo luận ngay, nếu để chậm sẽ hạn chế tác dụng, thậm chí không còn tác dụng nữa. Trong sinh hoạt chi bộ phải thật sự mở rộng và phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm đảng viên trong thảo luận, tranh luận, quyết định những vấn đề quan trọng thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, tạo điều kiện để mỗi cán bộ, đảng viên bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình, qua đó tìm biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, giúp tổ chức và mỗi người tiến bộ.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, chất lượng sinh hoạt chi bộ tại các trường học sẽ tiếp tục được nâng lên, góp phần quan trọng xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, phục vụ công tác lãnh đạo chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy học của các nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo của địa phương, của tỉnh./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com