Nhớ đồng chí Hoàng Ngân

08:07, 17/07/2022

Đồng chí Hoàng Ngân (1921-1949), quê gốc tại xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực (Nam Định). Sinh ra trong gia đình trung lưu và là con gái duy nhất nhưng đồng chí đã cương quyết thoát ly đời sống êm ấm, chọn cho mình con đường gian lao, nguy hiểm của người chiến sĩ cách mạng để rèn luyện và trưởng thành dưới ánh sáng và niềm tin của Đảng, luôn luôn phấn đấu hoàn thành nhiều trọng trách được giao: Bí thư Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc Việt Nam đầu tiên, người sáng lập và phụ trách đầu tiên của Báo Phụ nữ Việt Nam.

Đồng chí Hoàng Ngân. Ảnh: Tư liệu

Đồng chí Hoàng Ngân.

Ảnh: Tư liệu

1. Nữ lãnh đạo đầy bản lĩnh, tầm nhìn 

Nhà báo Lý Thị Trung phụ trách đầu tiên báo Phụ nữ Thủ đô năm nay đã ngoài 90 tuổi - một trong 3 nữ học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm xưa, vẫn nhớ như in những kỷ niệm về đồng chí Hoàng Ngân - Bí thư Phụ nữ Cứu quốc Trung ương, một người lãnh đạo đầy bản lĩnh, quyết đoán nhưng cũng rất thân tình, quan tâm, động viên chia sẻ với hội viên của mình. Chính đồng chí Hoàng Ngân đã có công văn cử nhà báo Lý Thị Trung đi học lớp viết báo đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1949. 

Nhà báo Lý Thị Trung cho biết: “Trước khi được cử đi học tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, tôi có làm báo viết tay, viết lên thếp giấy, gồm 24 trang, gọi là tờ Tia sáng của Đội Tuyên truyền liên tỉnh phụ nữ Cứu quốc Hải Hưng do đồng chí Hoàng Ngân, lúc đó là Bí thư Phụ nữ Cứu quốc Liên khu III thành lập”. Trong các bài viết của bà Trung trên tờ Tia sáng, bài “Chú tiểu Bình” (nói về em bé bố mất sớm, mẹ không nuôi nổi phải gửi vào chùa) được đồng chí Hoàng Ngân đặc biệt ấn tượng và khen ngợi. Đội tuyên truyền của bà Trung gồm 12 người đảm nhiệm việc diễn thuyết, vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến, dạy văn hóa, giúp đỡ các gia đình tản cư...

Đồng chí Hoàng Ngân sau đó làm Bí thư Phụ nữ Cứu quốc Trung ương. Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, cần thiết có cơ quan tuyên truyền vận động đoàn kết chị em phụ nữ toàn quốc để góp phần vào công cuộc kháng chiến, đồng chí Hoàng Ngân được giao sáng lập và phụ trách tờ báo Phụ Nữ Việt Nam. Trong một lần đi công tác, đồng chí Hoàng Ngân có gặp nhà báo Xuân Thủy khi đó là Ủy viên Thường trực Tổng bộ Việt Minh và được biết Tổng bộ sẽ mở lớp đào tạo cán bộ viết báo vào khoảng đầu năm 1949. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để cho đồng nghiệp của mình học tập và phát triển cho tờ báo về sau, đồng chí Hoàng Ngân, dù chưa từng gặp nhà báo Lý Thị Trung bao giờ, đã nhớ ra trong đoàn tuyên truyền có một người phụ nữ viết báo rất hay nên đã có công văn cử bà Lý Thị Trung đi học.

Trong công văn của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Phụ nữ Cứu quốc Việt Nam ngày 21-6-1949 do đồng chí Hoàng Ngân tự tay viết gửi tới nữ học viên Lý Thị Trung, khi đó đang theo học tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng bằng những lời lẽ rất chân tình. Có thể nói đây giống như bức tâm thư mà đồng chí Hoàng Ngân dành cho một nữ nhà báo trẻ trong tương lai. Nội dung bức công văn như sau:

Công văn gửi nhà báo Lý Thị Trung ngày 21-6-1949 có bút tích của đồng chí Hoàng Ngân. Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Công văn gửi nhà báo Lý Thị Trung ngày 21-6-1949 có bút tích của đồng chí Hoàng Ngân.

Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam

“Kính gửi: Chị Chung, cán bộ Phụ nữ Hưng Yên dự lớp viết báo của T.B.V.M (Tổng Bộ Việt Minh).

Theo sự quyết định của Tổng Bộ thì các chị em theo dự lớp học này đều ở lại giúp việc cho báo CQ T.Ư (Cứu Quốc Trung ương). Nhưng vì hiện nay tờ báo P.N.V.N (Phụ nữ Việt Nam) rất thiếu người (tòa soạn và phóng viên) nên chúng tôi đã thỏa thuận với anh Xuân Thủy để chị về công tác trong tờ báo P.N.V.N.

Vậy sau khi lớp học tan, chị Chung sẽ theo đường giây về Ban Giao Thông T.Ư (tức Trạm Thống Nhất) sẽ có người dẫn về cơ quan Phụ nữ Trung ương.

Trước khi về, Chung nên cùng các anh em học sinh - nhất là hỏi các giảng viên về kinh nghiệm tổ chức tờ báo thật chu đáo để khi về cơ quan sẽ giúp được nhiều cho tờ báo của chúng ta.

Mong gặp Chung.
Thân ái.
Ký tên: Hoàng Ngân”.

2. Tiếng thơm còn mãi

Hình ảnh đồng chí Hoàng Ngân trong tâm thức của những đồng nghiệp hiện lên thật đẹp nhưng cũng rất kiên cường, đầy bản lĩnh và đặc biệt là tinh thần tự học, tự rèn luyện bản thân. Cũng như phần đông chị em phụ nữ lúc bấy giờ, đồng chí Hoàng Ngân của chúng ta không có điều kiện được học hành nhiều khi còn ở gia đình. Nhưng chị đã bổ khuyết cho nhược điểm ấy bằng sự cố gắng rèn luyện và tự học, chăm chỉ trong công tác bồi dưỡng lý luận cách mạng. Nhờ quá trình rèn luyện không ngừng, chị trở thành một nữ cán bộ có nhiều năng lực, được Đoàn Phụ nữ Cứu quốc tín nhiệm bầu làm Bí thư Ban Chấp hành Trung ương.

Giữa lúc tuổi đời còn đang phơi phới nhiệt huyết cách mạng thì hỡi ôi! Một cơn sốt rét ác tính đã cướp đi của chúng ta một nữ lãnh đạo tài năng, xuất chúng, một nữ chiến sĩ kiên cường đã từng nén đau, biến căm thù thành hành động để hoàn thành mọi sứ mệnh mà Đảng giao phó (đồng chí là vợ của nhà cách mạng nổi tiếng Hoàng Văn Thụ, từng đau đớn đến chết đi sống lại khi chứng kiến khoảnh khắc chồng mình bị đưa đi xử bắn tại nhà tù Hỏa Lò) - Đồng chí Hoàng Ngân mất tại Chiến khu Việt Bắc ngày 17-7-1949 khi mới tròn 29 tuổi. 

Trong cuốn Nhật ký Những năm kháng chiến của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, ông cho biết: “Ngày 17-7-1949, Hoàng Ngân, Bí thư Phụ nữ Cứu quốc chết vì acces pernicieux (cơn ác tính). Chết giữa rừng, chưa kịp đưa đến bệnh viện. Hai người phụ nữ khiêng. Sáng hôm sau, kiến mối đã ăn hết mặt. Trương Thị Mỹ lúc đưa đám khóc: Ối Ngân ơi! Bao nhiêu năm hoạt động... Rồi ngất đi”.

Tin đồng chí Hoàng Ngân từ giã cõi trần lan khắp Chiến khu Việt Bắc, ai nấy cũng đều xót thương cho một nữ lãnh đạo nhiệt huyết, tài năng, quyết đoán nhưng yểu mệnh. Báo Sự Thật, cơ quan tuyên truyền kháng chiến của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Các Mác Đông Dương, số 117, ra ngày 19-8-1949 có bài viết: Tiếc thương đồng chí Hoàng Ngân của tác giả Nhân Chính. Qua bài viết thấy được cuộc đời cách mạng của đồng chí Hoàng Ngân đầy gian nan, thử thách nhưng rất đỗi tự hào. Đồng chí ra đi khi vừa tròn 29 tuổi xuân, giữa lúc tài năng và trí tuệ đã được rèn rũa trong hơn 10 năm chiến đấu gian khổ, đang trên đà phát triển để cống hiến cho công cuộc kháng chiến của dân tộc, cho phong trào phụ nữ Việt Nam, giữa lúc sự nghiệp của đồng chí còn rất nhiều hứa hẹn ở tương lai. Tác giả Nhân Chính cho biết: “Hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi, chị có nhiều đức tính quý báu của người cán bộ gương mẫu: Luôn luôn tha thiết với sự nghiệp cách mạng, hy sinh tất cả cho sự nghiệp cách mạng, gần gũi và giúp đỡ nhân dân, chăm chỉ học tập để tiến bộ. Đầu năm 1941, khi cánh cửa sắt đen sì và rùng rợn của nhà lao Hải Phòng mở ra để trả lại tự do cho chị, chị Hoàng Ngân, người thiếu nữ mảnh dẻ ấy còn hét vào mặt đế quốc trước khi ra về khẩu hiệu: “Tinh thần chiến đấu của người chiến sĩ cộng sản Việt Nam muôn năm”. Trong khi làm công tác cách mạng, chị không quên những công việc riêng của người phụ nữ Việt Nam. Sống lẫn với gia đình của người dân, chị vui vẻ nhanh nhẹn giúp cả công việc may vá, nấu nướng, tắm rửa cho trẻ, dọn dẹp nhà cửa... Vì thế, mỗi lần cấp trên điều động chị đi công tác nơi khác, những gia đình chị ở đều tỏ vẻ quyến luyến. Có cụ bà khóc nức nở như có người con sắp đi xa...”.

Đồng chí Hoàng Ngân là một nữ chiến sĩ cách mạng kiên cường, đã có nhiều đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng nói chung và hoạt động của đoàn thể phụ nữ nói riêng. Trong công tác báo chí, đồng chí Hoàng Ngân cũng thể hiện rõ vai trò của một người sáng lập, phụ trách chung, biết nhìn người và sắp xếp, tổ chức bước đầu cho một tờ báo đại diện cho nữ giới đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp - Báo Phụ nữ Việt Nam./.

Thành Nam

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com