Những bức ký họa của Bác Hồ

04:06, 24/06/2022

Từ những bức ký họa trên báo Le Paria

Tháng 1-1922, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc và Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Thuộc địa đã quyết định thành lập “Hội Hợp tác Người cùng khổ” và cho xuất bản tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) làm cơ quan ngôn luận của Hội.

Tranh ký họa của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trên báo Le Paria, số 5, ngày 1-8-1922.
Tranh ký họa của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trên báo Le Paria, số 5, ngày 1-8-1922.

Giải thích lý do đặt tên báo, Nguyễn Ái Quốc viết: “Người xứ Nghệ nhà choa hay chơi chữ. Nhân dân Pháp cũng thích chơi chữ. Nay ra tờ báo nhỏ ở ngay Pari tuy là tiếng nói đầu tiên của dân chúng thuộc địa, nhưng chưa có thanh thế, thì lấy tên báo là Paria là hay nhất! Paria nguyên là tiếng của Ấn Độ dùng để gọi những người đã mất hết quyền lợi về tôn giáo và xã hội. Nghĩa rộng người Pháp dùng để gọi những “Người cùng khổ”.

Ngày 1-4-1922, báo ra số đầu tiên và măng-sét được viết bằng ba ngôn ngữ: Pháp, Ả-rập và Hán. Trong đó chữ Le Paria viết bằng tiếng Pháp được thiết kế ở vị trí trung tâm, nổi bật, bên trái là dòng chữ Ả-rập được viết nhỏ, gọn gàng, bên phải là 3 chữ Hán viết chân phương: Lao Động Báo. Từ số 01 đến số 20, báo có dòng tiêu đề “Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa” (Tribune des Populasions des colonial); từ số 21 đến số 35 có tiêu đề là “Diễn đàn của vô sản thuộc địa” (Tribune des proletariat colonial); số 36, 37 có tiêu đề “Cơ quan của nhân dân bị áp bức các thuộc địa” (Organe des Peuples Oppirimes des colonies); số 38 có tiêu đề “Cơ quan của Hội Liên hiệp thuộc địa” (Organe de L” Union Intercoloniale).

Trên Le Paria, số 5, ngày 1-8-1922 có đăng nhiều bài viết của Nguyễn Ái Quốc như: “Civillisation assassine” (tạm dịch: Nền văn minh giết người); “Gouts spéciaux” (tạm dịch: Thị hiếu đặc biệt); “La Femme Annamite et la domination Francaise” (tạm dịch: Người phụ nữ An Nam và sự thống trị của Pháp). Ngoài ra, trong số báo này còn có tranh ký họa của Nguyễn Ái Quốc khắc họa cảnh bóc lột của thực dân Pháp đối với tầng lớp nhân dân lao động Việt Nam.

Bức tranh miêu tả cảnh một người kéo xe với khuôn mặt khắc khổ, thân hình gầy gò, tiều tụy, ăn mặc rách rưới, đôi chân trần đang cố lết từng bước kéo tên quan Pháp với thân hình to béo, phè phỡn, đang nằm dài trên xe, tay cầm gậy ba-toong, bắc chân chữ Ngũ. Không chỉ có vậy, tên này còn liên tục quát mắng và thúc giục người lái xe chạy thật nhanh mà không cần quan tâm đến điều gì hết. Bên dưới bức tranh có đề tên tác giả Nguyễn A.Q.

Báo Le Paria, số 6, ra tháng 6-1924, Bác có tranh ký họa cảnh bóc lột của thực dân Pháp đối với tầng lớp bị áp bức, đô hộ và sự khốc liệt do chiến tranh đem lại. Trên trang nhất của số báo này, có đăng 2 bức tranh ký họa, một bức miêu tả cảnh một người lính thực dân đang ra sức vung roi đánh tới tấp một người đàn ông ăn mặc rách rưới đang gục dưới đất. Có lẽ sức mạnh từ những trận đòn của tên lính khiến người này không thể gượng dậy nổi, đành cam chịu cắn răng chịu đựng. Xa xa là một người đang chạy. Khung cảnh hiện lên đầy vẻ ảm đạm, mịt mùng cho những thân phận bị cầm tù với những lô cốt, khoảng đất khô cằn... Phía dưới bức tranh là dòng chữ Pháp chú thích: Des coups de triques sur le champ de misère (tạm dịch: Vẽ về cuộc thi trên cánh đồng khốn khổ). Bức tranh thứ 2 khắc họa lại cảnh chết chóc trên chiến trường với những xác người nằm rải rác. Trung tâm khắc họa một người lính Pháp đang bị thương nặng nằm dưới đất với quân trang rách nát, mũ đội đầu rơi chỏng trơ, chân băng bó, khuôn mặt toát lên vẻ đau đớn và hai tay nắm chặt giơ lên như đang cầu cứu trong vô vọng. Xa xa trên bầu trời là những đàn quạ đang liệng xuống, chực chờ ăn những xác chết. Phía dưới bức tranh là dòng chú thích: Des balles sur le champ de bataille (tạm dịch: Đạn trên chiến trường). Qua đó, người đọc có thể hiểu được hàm ý của Người: Sự thất bại tất yếu và số phận bi thảm của những người lính thực dân.

Bài viết kèm ký họa “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” đăng trên báo Le Paria, số 36-37, ra tháng 9-10, năm 1925 là  bài viết mô tả sự kiện Phan Bội Châu bị bắt cóc ngày 18-6-1925 tại Trung Quốc giải về Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội và sắp bị xử án. Ta có thể thấy, trong bức ký họa, chí sĩ Phan Bội Châu cổ đeo gông đang bị giải về nhà lao, đi theo phía sau là đông đảo đồng bào Việt Nam đang biểu tình phản đối chính quyền thực dân và đòi thả tự do cho nhà chí sĩ. Tuy nhiên, bọn tay sai thực dân đã thẳng tay đàn áp và đánh đập dã man những người biểu tình.

Báo Thanh Niên, số kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ngày 7-11-1926.
Báo Thanh Niên, số kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ngày 7-11-1926.

Bằng những nét vẽ hết sức sinh động, mộc mạc lột tả được thần thái, hành vi của nhân vật, thông điệp giản dị, dễ hiểu, đôi khi người đọc không biết chữ Pháp nhưng nhìn tranh ký họa của Người vẫn có thể hiểu được nội dung, vấn đề được đề cập. Thông qua cách diễn tả sự kiện bằng tranh, Nguyễn Ái Quốc đã vạch rõ hành động bắt bớ bỉ ổi của thực dân Pháp và cổ động phong trào nhân dân Việt Nam đòi thả chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu.

Hay như bức ký họa Người vẽ khung cảnh tại Nhà tù Hỏa Lò gồm 3 người: Phan Bội Châu, Va-ren và người phiên dịch. Chí sĩ Phan Bội Châu với khuôn mặt hốc hác, cổ đeo gông, chân bị xiềng xích tại Nhà tù Hỏa Lò nhưng vẫn giữ trọn khí tiết hiên ngang, tay đưa ra từ chối “món quà” có thể là một chức vụ nào đó rất được trọng vọng và nhiều người mơ ước từ tay Va-ren (một chiếc thẻ bài danh giá!).

Va-ren khi đó mới nhậm chức Toàn quyền Đông Dương, là người hứa sẽ chăm sóc Phan Bội Châu, tù nhân của chính quyền Pháp. Sau một thời gian đặt chân đến Đông Dương nhậm chức, Varen đã đến Hà Nội gặp Phan Bội Châu trong nhà lao và dùng những lời lẽ ngon ngọt ra sức thuyết phục Phan Bội Châu hợp lực với nước Pháp. Nhưng đáp lại những trò lố và dối trá, bản chất xấu xa của Varen, kẻ đại diện cho chính quyền thực dân phản động ở Đông Dương, Phan Bội Châu chỉ im lặng “những lời nói của Va-ren hình như lọt vào tai Phan Bội Châu chẳng khác gì “nước đổ lá khoai”, và cái im lặng dửng dưng của Phan Bội Châu suốt buổi gặp gỡ hình như làm cho Va-ren sửng sốt cả người”.

Đến những ký họa, tranh cổ động trên báo Thanh Niên, Việt Nam Độc Lập

Trên Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cũng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Quảng Châu, Trung Quốc, số 68 ra ngày 7-11-1926,  số báo đặc biệt nhân kỷ niệm 9 năm Cách mạng Tháng Mười Nga được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trình bày nổi bật, giống như một bức tranh cổ động, tuyên truyền cho Chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Người từng khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.

Ký họa của Bác trên báo Việt Nam Độc Lập.
Ký họa của Bác trên báo Việt Nam Độc Lập.

Điểm nổi bật của số báo này là tranh ký họa chân dung của Lê-nin, lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga cũng như của giai cấp vô sản thế giới, đứng hiên ngang trên quả địa cầu chỉ tay về phía ngôi sao 5 cánh, chính giữa ngôi sao có hình búa liềm (đại diện cho tầng lớp công nông liên minh). Phía dưới ngôi sao là đôi câu đối viết bằng chữ Hán, ca ngợi cách mạng vô sản (mỗi câu gồm 10 chữ).

Trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Người viết:

“Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lê-nin”.

Sau nhiều năm bôn ba năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, Bác Hồ trở về nước, đến Pác Bó xây dựng căn cứ địa trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tại đây, Người cho xuất bản báo Việt Nam Độc Lập, cơ quan tuyên truyền của Việt Minh Cao Bằng. Trên số báo 103, ra tháng 8-1941 có đăng bức ký họa của Người rất sinh động, nhẹ nhàng, thanh thoát nhưng đầy tính tuyên truyền, cổ động. Đó là hình ảnh một người được cấu tạo từ cụm từ “Việt Nam Độc Lập” (được Bác trình bày rất giàu ý tưởng, hài hòa, cân đối giữa các ký tự ghép lại), đang thổi kèn mà hình ảnh chiếc kèn được Bác nối rất tinh tế từ chữ cái Đ (Độc lập), đang tiến những bước đi đầy khí thế về phía trước, trên tay cầm lá cờ đỏ sao vàng. Phía dưới bức vẽ là bài thơ minh họa:

“Việt Nam Độc Lập” thổi kèn loa
Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già
Đoàn kết vững bền như khối sắt
Để cùng nhau cứu nước Nam ta”
.

Thông qua các bài viết, ký họa trên báo Việt Nam Độc Lập, người đọc cảm nhận rõ nét về tầm nhìn lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong thời kỳ cách mạng đang hoạt động bí mật, kêu gọi quốc dân đồng bào đi theo con đường chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Mặt trận Việt Minh, gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng trên thế giới...

Trên đây là những cảm nhận bước đầu về tranh trên báo của Bác Hồ. Cần nhiều công trình nghiên cứu tiếp theo. Nó thể hiện rất rõ lòng yêu nước; tầm nhìn, tư tưởng lớn lao của Bác. Đồng thời là sự nhất quán của phong cách báo chí Hồ Chí Minh: Trực tiếp, dễ hiểu nhưng sâu sắc, nêu bật được bản chất sự kiện và có sức mạnh cổ vũ lớn lao./.

Nguyễn Ba

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com