Thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững

07:04, 26/04/2022

Nam Định được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Từ năm 2010 đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ đã ban hành 16 nghị quyết chuyên đề toàn khóa liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các chỉ thị, kết luận tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững. Các nghị quyết đều xác định rõ quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đó là cơ sở để các cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế -  xã hội nói chung và nhiệm vụ xây dựng nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Miseong TN, xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) đào tạo nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động.  Ảnh: Viết Dư

Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Miseong TN, xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) đào tạo nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Ảnh: Viết Dư

Nghĩa Hưng là đơn vị thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu gắn với công tác giảm nghèo bền vững; năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 61,8 triệu đồng vượt chỉ tiêu so với kế hoạch; toàn huyện giảm còn 317 hộ nghèo (tỷ lệ 0,52%), 1.216 hộ cận nghèo (tỷ lệ 2,70%). Đồng chí Sái Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hưng cho biết: Ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, với mục tiêu “xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng; nông dân giàu có; nông thôn văn minh, hiện đại”, Huyện ủy đã ban hành chương trình công tác trọng tâm toàn khóa gồm 7 nhóm nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt trong nhiệm kỳ này, Huyện ủy tập trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để tạo bước đột phá nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển, tạo việc làm và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Trong đó, tập trung phối hợp với các ngành triển khai lập các quy hoạch quan trọng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển mạnh kinh tế biển. Tại huyện Vụ Bản, nhằm tạo đột phá trong phát triển “Tam nông”, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất; triển khai xây dựng Cụm công nghiệp Thanh Côi, diện tích 50ha. Khu công nghiệp Bảo Minh trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu của tỉnh, tạo việc làm cho trên 14 nghìn lao động. Huyện đã chỉ đạo tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động các cụm công nghiệp tập trung tại các xã Quang Trung, Trung Thành và các điểm công nghiệp tại các xã Hiển Khánh, Minh Tân, Thành Lợi và thị trấn Gôi… Khai thác mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tạo điều kiện tối đa cho việc xúc tiến và thu hút đầu tư; nhất là thu hút phát triển công nghiệp để tạo thêm nhiều việc làm. 

Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu gắn với chương trình mục tiêu quôc gia về giảm nghèo bền vững, kinh tế nông nghiệp, nông thôn tỉnh ta có bước phát triển mới, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn. Quý I năm 2022, tỉnh ta đã dẫn đầu cả nước về chương trình xây dựng NTM nâng cao với 106 xã, thị trấn (bằng 52% tổng số xã, thị trấn) đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu tại các địa phương trong tỉnh hướng tới mục tiêu: tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, lấy đó làm thước đo cao nhất. Theo thống kê của Sở LĐ-TB và XH, năm 2016, tỉnh ta có 33.864 hộ nghèo, chiếm 5,7%; 36.474 hộ cận nghèo, chiếm 6,13%; đến tháng 4-2022, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh còn 4.414 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo 0,69% (giảm 4,38%); có 26.777 hộ cận nghèo, tỷ lệ 4,21% (giảm 1,92%). Các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo đã được triển khai thực hiện tốt, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thành phố quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch số 11 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về công tác tín dụng chính sách xã hội, thúc đẩy đưa vốn đến cho người nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, Sở LĐ-TB và XH thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát, bổ sung và xác nhận đúng đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo làm cơ sở thực hiện chính sách tín dụng đúng mục tiêu, đúng đối tượng. Các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo đã được triển khai thực hiện tốt, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2016-2020, đã có 12.786 lượt hộ nghèo, 29.429 lượt hộ cận nghèo, 13.843 hộ mới thoát nghèo và 75.329 các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp 10.179 hộ thoát nghèo, 9.255 hộ thoát cận nghèo; giải quyết việc làm cho 5.683 lao động. Năm 2021 và quý I năm 2022, Sở LĐ-TB và XH phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, đảm bảo vốn vay tín dụng ưu đãi cho 252 hộ nghèo; 5.417 hộ cận nghèo; 4.488 hộ mới thoát nghèo và 63 học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được vay vốn; 22 hộ nghèo được xây mới nhà ở; 16 hộ nghèo được sửa chữa nhà ở. 100% số hộ nghèo, hộ có đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hỗ trợ tiền điện sinh hoạt hàng tháng.

Bên cạnh đó, tỉnh ta được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956; thực hiện có hiệu quả các mô hình liên kết giữa các trường đào tạo nghề với doanh nghiệp; gắn đào tạo nghề với yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn. Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn được đặc biệt coi trọng, thông qua các hoạt động thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp kết hợp với đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề tăng từ 31,5% (năm 2010) lên 74% (tính đến tháng 4-2022). Năm 2021, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho hơn 34 nghìn lượt người lao động (vượt 107,6% kế hoạch). Tư vấn việc làm và giới thiệu học nghề cho 54.098 lượt người; giới thiệu việc làm cho 3.648 lao động, trong đó giới thiệu việc làm trong nước cho 3.319 người, giới thiệu việc làm ngoài nước cho 329 người.

Bằng các giải pháp đồng bộ, công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực, đáng kể, đạt được mục tiêu cải thiện, nâng cao đời sống tạo kế ổn định, lâu dài cho người dân./.

Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com