Kinh nghiệm triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở Nghĩa Hưng

08:08, 06/08/2021

Những năm qua, việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Nghĩa Hưng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Qua đó, đã tạo sự đồng thuận; khơi dậy tiềm năng sáng tạo của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Nông thôn mới xã Nghĩa Lâm.
Nông thôn mới xã Nghĩa Lâm.

Cùng với việc tổ chức tuyên truyền, quán triệt thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về QCDC ở cơ sở đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Hưng phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu địa phương, đơn vị trong việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Trong đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo, đưa việc thực hiện QCDC vào chương trình công tác hàng năm, gắn kết quả thực hiện QCDC với việc xét thi đua của tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo về thực hiện đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá công tác dân vận đối với các phòng ban. HĐND, UBND huyện đã ban hành Quy chế hoạt động của HĐND, UBND huyện; Quy chế chi tiêu nội bộ; Quy chế hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa”. Các nội quy, quy chế, quy định được duy trì và thực hiện hiệu quả. Các cơ quan Nhà nước tổ chức triển khai thực hiện QCDC gắn với thực hiện Nghị định số 04/2015/NĐ-CP. Xây dựng, ban hành các quy chế, quy định trong việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức nhằm phát huy dân chủ trong cơ quan, đơn vị như: Quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế hoạt động của cơ quan, quy chế thi đua khen thưởng... MTTQ  huyện chỉ đạo các tổ chức thành viên thực hiện hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của người dân; thực hiện việc tiếp công dân theo định kỳ hoặc đột xuất, tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Tham mưu cho cấp ủy các cấp có giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Tổ chức cho đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp; phối hợp với HĐND, Uỷ ban bầu cử các cấp tổ chức thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC được cấp uỷ các cấp quan tâm chỉ đạo. Hàng năm, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, các cơ quan, đơn vị đều xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC. Giai đoạn 2016-2020, cấp ủy và Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở huyện Nghĩa Hưng đã tổ chức kiểm tra, giám sát 6 cuộc tại 37 đảng bộ, chi bộ trực thuộc về việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và thực hiện QCDC ở cơ sở; đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở các loại hình. Sau các đợt kiểm tra, giám sát, cấp ủy, Ban chỉ đạo thực hiện QCDC đều đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại hạn chế và yêu cầu khắc phục để tiếp tục thực hiện tốt QCDC ở các địa phương, đơn vị. Cùng với công tác kiểm tra, giám sát, các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tổ chức thực hiện tốt QCDC ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Toàn bộ nội dung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; các dự án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chương trình, dự án, mức huy động và các khoản đóng góp của nhân dân; các quy trình, thủ tục hành chính... đều được công khai, dân chủ thông qua các cuộc họp, các buổi tiếp xúc cử tri, họp thôn, xóm, tổ dân phố và qua phương tiện thông tin đại chúng, qua niêm yết tại các trụ sở làm việc để công khai cho nhân dân biết và giám sát việc thực hiện. Mặt khác, các cấp chính quyền huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính trong các cơ quan, đơn vị theo quy định. Hiện tại, huyện đã cung cấp 239 dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn ở các cơ quan, ngành và UBND các cấp đạt 99,38%. Qua đánh giá chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện và UBND các xã, thị trấn năm 2020 đạt tốt chiếm 88%. Công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền duy trì lịch tiếp công dân định kỳ và đột xuất, giải quyết kịp thời từ cơ sở các vụ việc gây mâu thuẫn trong nhân dân, không để bức xúc trở thành điểm nóng, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài vượt cấp. UBND các xã, thị trấn thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, Ban công tác Mặt trận, tổ hoà giải ở cơ sở. Từ năm 2016 đến nay, Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng tổ chức giám sát 588 công trình, dự án đầu tư xây dựng từ các nguồn vốn do nhân dân đóng góp, vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm và một số công trình 100% vốn Nhà nước đầu tư. Ngoài ra, các tổ hoà giải ở 342 khu dân cư đã giải quyết hàng trăm ý kiến, kiến nghị của nhân dân và hàng nghìn vụ việc tại địa bàn, góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa phương... Với việc thực hiện các giải pháp đồng bộ, việc thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của huyện đạt 9,78% trở lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 60 triệu đồng, bằng 181% so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn 0,53%; tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn huyện đạt  90,1%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đồng chí Phạm Tiến Trường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghĩa Hưng cho biết: Kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở là các cấp ủy, chính quyền nắm vững các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của huyện vận dụng sáng tạo vào thực tiễn; coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở. Quan tâm chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện QCDC gắn với việc thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, các loại phí, lệ phí và các quy định của pháp luật. Tăng cường sự phối hợp hoạt động giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị về chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và đánh giá kết quả việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở các ngành, các cấp; nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các đoàn thể nhân dân trong xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện QCDC ở cơ sở./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com