Những hoạt động lý luận của Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn tìm đường cứu nước

06:06, 02/06/2021

Trên hành trình tìm đường cứu nước, cùng với những hoạt động thực tiễn phong phú, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này), đã chủ động, độc lập, tích cực học tập và nghiên cứu lý luận.

Hoạt động học tập lý luận của Người tập trung chủ yếu từ khi đến Anh (năm 1913). Qua những tài liệu đã được công bố cho thấy, trong thời gian sống ở Anh, Nguyễn Tất Thành vừa lao động, vừa tự học tập không ngừng nghỉ. Cùng với vốn tiếng Anh học được, “những năm tháng sống ở nước Anh, Nguyễn Tất Thành đã tích lũy thêm được vốn hiểu biết về chính trị của xã hội tư sản, về đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa chính quốc và thuộc địa của một nước tư bản chủ nghĩa sớm phát triển”.

Tác giả John Callow trong bài viết của mình, suy đoán rằng: “Có thể chính trong thời gian ở Luân Đôn, lần đầu tiên Hồ Chí Minh đã đọc các tác phẩm của C.Mác và Ph.Ăngghen. Các tác phẩm này được Twentieth Century Press - cơ quan xuất bản của Đảng Dân chủ xã hội Anh, đặt trụ sở tại tòa nhà Clerkenwell Grenn ở Luân Đôn - xuất bản thành những cuốn sách giá rẻ. Ngày nay, tòa nhà này trở thành Thư viện tưởng niệm C.Mác và có một bức chân dung của Hồ Chí Minh được treo ở hành lang bên ngoài căn phòng nơi V.I.Lênin từng ngồi làm việc vào những năm 1902-1903. Tấm chân dung ấy của Hồ Chí Minh là bằng chứng về mối liên hệ giữa nhà xuất bản và vị khách nổi tiếng của mình”.

Những tri thức lý luận tiếp thu được trong quá trình bôn ba qua nhiều nước và thời gian ở Anh, cho phép Nguyễn Tất Thành có những nhận thức đúng đắn để phân tích tình hình thế giới lúc bấy giờ. Người thanh niên yêu nước ấy đã có những nhận định chính xác về Chiến tranh thế giới thứ nhất, ở cả châu Âu và châu Á khi viết thư gửi Phan Chu Trinh: “Cháu bỗng nhớ cách đây vài tháng, cháu đã nói với bác về cơn giông sấm động. Số mệnh sẽ còn dành cho chúng ta nhiều bất ngờ và không thể nói trước được ai sẽ thắng. Các nước trung lập còn đang lưỡng lự và các nước tham chiến không thể đoán biết được ý đồ của họ. Tình hình diễn ra là ai thò mũi vào thì chỉ có thể đứng về phe của địch thủ bên này hoặc địch thủ bên kia. Người Nhật Bản hình như có ý định nhúng tay vào. Cháu nghĩ trong ba hoặc bốn tháng tình hình châu Á sẽ có chuyển biến và sẽ có nhiều chuyển biến”.

Hoạt động lý luận của Nguyễn Ái Quốc có sự phát triển rõ rệt khi Người trở lại Pháp vào khoảng cuối năm 1917 và gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Trong thời gian này, bằng vốn hiểu biết của mình, Người không chỉ đơn thuần học tập lý luận mà đã tích cực, chủ động viết báo, tham gia các buổi diễn thuyết ở Paris. Trong thời gian sống ở Pháp, tri thức lý luận của Nguyễn Ái Quốc ngày càng được mở rộng. Người hiểu hơn về cuộc chiến tranh thế giới lúc bấy giờ, hiểu được nỗi đau khổ của nhân dân chính quốc và thuộc địa khi phải hy sinh xương máu trên chiến trường vì lợi ích của bọn cá mập tư sản thực dân. Cùng với việc trau dồi vốn tiếng Pháp, Người đã tích cực tới thư viện để nghiên cứu những vấn đề mà mình quan tâm. Ở đây, Người được đọc trực tiếp các tác phẩm của các nhà tư tưởng tiến bộ Pháp cũng như phương Tây, nhất là thời kỳ khai sáng, cận đại.

Cùng với việc học tập lý luận, Nguyễn Ái Quốc đã bước đầu tiến hành tổng kết những kinh nghiệm, hiểu biết đã tích lũy trong thời gian trước đó, nhất là về vấn đề chủ nghĩa thực dân và vấn đề thuộc địa. Điều này được thể hiện rõ qua nhiều bài báo mà Người đã viết: “Tâm địa thực dân”, “Vấn đề dân bản xứ”, “Đông Dương và Triều Tiên”, “Thư gửi ông Utơrây”, “Chính sách thuộc địa”... Qua đó đã thể hiện cái nhìn sâu sắc của Nguyễn Ái Quốc về nhiều vấn đề của cách mạng, mặc dù chưa nghiên cứu sâu về Chủ nghĩa Mác-Lênin. Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy, thời đại mới chính là “thời đại mà ý muốn của nhân dân là nắm quyền tự quyết”, “Xét về nguyên tắc, tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế; và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường”. Tuy nhiên, thực dân Pháp lại duy trì một nền bạo chính ở các thuộc địa của mình. Điều đó khiến nó tạo ra một sự đối nghịch sâu sắc giữa người bản xứ và bọn thực dân, cả về tâm lý, hành chính, pháp lý, về kinh tế và văn hóa: “Người Âu hưởng mọi tự do và ngự trị như người chủ tuyệt đối; còn người bản xứ thì bị bịt mõm và bị buộc dây dắt đi, chỉ có quyền phải phục tùng, không được kêu ca”.

Với sự từng trải và những ngày tháng miệt mài nghiên cứu, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy: “Từ lâu, chủ nghĩa tư bản phương Tây như con rắn nhiều đầu, thấy châu Âu là nơi quá chật hẹp để bóc lột và máu của vô sản châu Âu không đủ dồi dào để thỏa mãn thèm khát, nó bèn vươn những cái vòi khủng khiếp của nó tới khắp nơi của quả đất. Bọn tư bản Anh, Đức hoặc Pháp, tất cả đều tương xứng nhau”. Và vì vậy, nếu không có những vệ tinh thì chủ nghĩa tư bản không thể tồn tại. Cho nên “Ngày nay không còn là lúc phải đặt vấn đề Đảng có cần hay không cần một chính sách thuộc địa, bởi ngày nay không thể có sự tách biệt giữa thuộc địa và chính quốc, giữa vô sản ở nơi này và vô sản ở nơi kia”.

Một hoạt động lý luận rất quan trọng của Nguyễn Ái Quốc là soạn thảo (nội dung ý kiến do Người đề ra, luật sư Phan Văn Trường viết), sau đó thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Versailles bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”. Nó như một đúc kết mong muốn trước mắt của những người yêu nước Việt Nam lúc bấy giờ. Mặc dù không được chấp nhận nhưng nó như là một tuyên bố chính trị của nhân dân Việt Nam trước thế giới, mở đầu cho việc đòi những quyền dân tộc cơ bản, đồng thời phơi bày bản chất, dã tâm lừa bịp của bọn thực dân, đế quốc với nhân dân các thuộc địa, mở ra một giai đoạn mới trong phong trào giải phóng dân tộc. Qua hoạt động này, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy sự cần thiết phải thay đổi trong cách tiếp cận, trong hành động để giải phóng dân tộc: “Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”. Vì vậy, không thể tin những lời tuyên bố tự do đầy đường mật của các nhà chính trị tư bản trong chiến tranh mà cần phải tìm kiếm một lý luận, một phương pháp khác...

Những hoạt động lý luận của Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn tìm đường cứu nước không chỉ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc Người tìm thấy con đường cứu nước mà còn định hình cho những hoạt động lý luận sau này của Hồ Chí Minh. Những hoạt động lý luận của Người trong giai đoạn sau chính là sự phát triển, hoàn thiện những nội dung, phương thức hoạt động lý luận của giai đoạn trước đó. Điều này cũng có sức gợi mở rất lớn để vận dụng phương pháp, cách thức của Người nhằm nâng cao chất lượng trong tiến hành các hoạt động lý luận hiện nay./.

Theo Báo QĐND



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com