Tạo động lực mới từ việc học và làm theo Bác (kỳ 3)

05:05, 25/05/2021

[links()]

(Tiếp theo kỳ trước)

III - Lan tỏa các mô hình mới, cách làm hay 

Thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã tích cực phát động, tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, qua đó xuất hiện ngày càng nhiều mô hình mới, cách làm hay, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong việc học tập và làm theo Bác.

Cán bộ UBND thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: Văn Trọng

Cán bộ UBND thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính.

Ảnh: Văn Trọng

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh” được nhân dân hưởng ứng và có chuyển biến tích cực. Phong trào “Nhà sạch, vườn sạch, đường sạch, sông không rác” gắn với mô hình trồng cây bóng mát, trồng hoa ven đường đã phát huy hiệu quả trong cộng đồng dân cư, hướng tới mục tiêu “Miền quê đáng sống”. Trong các quy định trong hương ước, quy ước ở nhiều địa phương đều có đề cao đạo đức, nét đẹp văn hóa truyền thống trong xây dựng con người mới, xây dựng NTM và trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 3.167/3.634 hương ước, quy ước làng, thôn, xóm, tổ dân phố được phê duyệt, đạt 87%. Việc xây dựng gia đình văn hóa, làng, thôn, xóm, tổ dân phố văn hóa được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có trên 93% làng (thôn, xóm, tổ dân phố) đạt danh hiệu văn hóa; 83% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; 80% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá… Thông qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, thôn, xóm, tổ dân phố văn hóa đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, hạnh phúc. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã được đưa vào quy ước, hương ước làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hóa, trở thành một tiêu chí trong bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa. Công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn về văn hóa trong xây dựng NTM. Thành phố Nam Định tiếp tục giữ vững là đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp; huyện Hải Hậu liên tục 40 năm đạt danh hiệu điển hình văn hóa - thông tin cấp huyện của cả nước, 4 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong vận động, tập hợp, đoàn kết và động viên hội viên, đoàn viên tham gia hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. MTTQ các cấp trong tỉnh đã khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã vận động, quyên góp hỗ trợ xây mới và sửa chữa trên 1.000 nhà đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. MTTQ tỉnh còn vận động ủng hộ trên 6,3 tỷ đồng tiền mặt và nhu yếu phẩm, vật tư y tế trị giá trên 3,5 tỷ đồng phục vụ công tác phòng, chống đại dịch COVID-19; tiếp nhận và chuyển số tiền ủng hộ 15 tỷ đồng cho 12 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của lũ lụt. Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã đẩy mạnh phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng gần 400 mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng NTM”; hỗ trợ gần 501 nghìn hộ được tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng, góp phần giúp đỡ 12.655 phụ nữ thoát nghèo; duy trì các mô hình tuyến đường “xanh - sạch - đẹp” với  2.575km đường hoa do phụ nữ đảm nhận; thành lập trên 1.500 nhóm “Phụ nữ tiết kiệm mua BHYT - Vì sức khỏe gia đình”; riêng năm 2020 vận động hội viên và nhân dân tham gia mua gần 79 nghìn thẻ BHYT thông qua kênh của Hội. Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu”; huy động hiệu quả các tiềm lực về vốn, lao động, đất đai cho phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp cho hàng nghìn hộ nông dân vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Toàn tỉnh đã hình thành trên 30 mô hình mới trong liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình “cánh đồng lớn” cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2020 có 258.366 hộ đăng ký, 156.216 hộ đạt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Phong trào “Nông dân thi đua xây dựng NTM” đã vận động 1.085 hộ góp hơn 2.000ha đất, 1.204 tỷ đồng xây dựng NTM; đã xây dựng được 135 mô hình Hội Nông dân cơ sở tham gia bảo vệ môi trường nông thôn. Đoàn Thanh niên tỉnh với phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, tổ chức khám bệnh, phát thuốc cho 12.609 người có công, người nghèo; hiến tặng 37.902 đơn vị máu; toàn tỉnh có 146 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế, 31 HTX thanh niên... Các cấp bộ Đoàn trong tỉnh trao tặng 14 nghìn suất quà cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, thương, bệnh binh, cựu thanh niên xung phong, hộ nghèo, ngư dân có hoàn cảnh khó khăn dịp lễ, tết với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng; trồng mới hơn 120 nghìn cây xanh, làm sạch 60km bờ biển, khơi thông gần 60,5km kênh mương; phát miễn phí 7 vạn khẩu trang và 5,5 vạn chai nước sát khuẩn phòng, chống dịch COVID-19... Hội Cựu chiến binh tỉnh hỗ trợ sửa chữa, xây mới 289 nhà tình nghĩa cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 7,172 tỷ đồng từ nguồn Quỹ “Vòng tay đồng đội”; vận động cán bộ, hội viên hiến trên 23 nghìn m2 đất, trên 15 tỷ đồng, trên 2 vạn ngày công ủng hộ xây dựng NTM. Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức hiệu quả phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”; tăng cường kiểm tra, giám sát liên ngành việc thực hiện Luật BHXH, quy chế dân chủ ở cơ sở và ký kết thỏa ước lao động tập thể tại nơi làm việc; phối hợp với các ngành tham mưu lãnh đạo tỉnh tổ chức thăm hỏi, gặp mặt, đối thoại với công nhân trong các khu, cụm công nghiệp... Các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp cũng đã triển khai đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia lao động sản xuất, quyên góp, ủng hộ các Quỹ vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, khuyến học, khuyến tài, ủng hộ đồng bào lũ lụt…

Ngoài ra, ở khắp các địa phương, đơn vị trong tỉnh đều xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tiêu biểu như Bộ CHQS tỉnh triển khai các phong trào “Đồng hành cùng em đến trường”; “Sáng kiến cải tiến mô hình học cụ”, “Vì môi trường biển quê hương”; mô hình quân dân y kết hợp và hoạt động khám, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách. Hội CCB các huyện Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Hải Hậu và thành phố Nam Định triển khai phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”,“Việc gì khó có CCB”. Huyện Ý Yên với phong trào hiến đất xây dựng NTM. Công an tỉnh phát động, duy trì 46 mô hình phong trào tiêu biểu “Ba an toàn” về an ninh, trật tự, “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, “Hai tự quản, ba chủ động”... Ngành GD và ĐT đẩy mạnh các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Xây dựng trường, lớp xanh - sạch - đẹp - an toàn”... gắn với các cuộc vận động: “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Tất cả vì một mái trường bình yên - vì học sinh thân yêu”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”…, góp phần để tỉnh ta giữ vững thành tích 25 năm liên tục trong tốp dẫn đầu của cả nước về chất lượng giáo dục. Trong 5 năm qua, các kỳ thi THPT quốc gia, có 4 năm số điểm trung bình của tỉnh đứng đầu toàn quốc, 1 năm đứng thứ nhì toàn quốc. Các trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT A Hải Hậu (đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới); THCS Trần Đăng Ninh, THCS Nguyễn Hiền; Tiểu học Chu Văn An, Tiểu học Giao Xuân; Mầm non Thống Nhất, Mầm non Hải Châu… là những đơn vị duy trì và giữ vững thành tích tiêu biểu, xuất sắc thuộc các cấp học, bậc học trong giai đoạn vừa qua. Đặc biệt, thời gian qua, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã đẩy mạnh thi đua chung tay phòng, chống dịch; đạt nhiều thành tích quan trọng, nhất là trong các công tác truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực về phòng, chống dịch bệnh, giám sát dịch, xét nghiệm, xử lý môi trường… Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị cũng đã xuất hiện những cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực; nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể gương mẫu đi đầu trong giải quyết những việc khó khăn, phức tạp; dám nghĩ, dám làm, tạo sự lan tỏa trong xã hội và các tầng lớp nhân dân.

Để nhân rộng các điển hình học tập, làm theo Bác, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã có gần 2.000 tin, bài, phóng sự phản ánh, tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, góp phần đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng sâu rộng, đều khắp, hiệu quả hơn. Qua đó đã đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. 

(còn nữa)
Văn Trọng Lam Hồng
 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com