Hỏi đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (kỳ 21)

07:04, 20/04/2021

(Tiếp theo kỳ trước)

Câu 49. Việc vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng được quy định như thế nào?

Người ứng cử ĐBQH trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử ĐBQH của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Người ứng cử đại biểu HĐND trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu HĐND khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử của Ủy ban bầu cử (nếu có).

Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lý trang thông tin điện tử thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc đăng tải nội dung vận động bầu cử.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc đăng tải, thông tin chương trình hành động của người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Câu 50. Trong vận động bầu cử, pháp luật cấm những hành vi nào?

Những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử gồm:

- Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác.

- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.

- Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.

- Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

- Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử không được vận động bầu cử cho những người ứng cử. Thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử nói trên không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vận động bầu cử cho những người ứng cử nhằm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng đối với những người ứng cử.

Câu 51. Ngày bầu cử được quy định như thế nào? Trong trường hợp nào thì hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định? Ai có quyền quyết định?

Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định ngày bầu cử phải là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử. Trường hợp đặc biệt cần hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định thì Ủy ban bầu cử trình Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.

Căn cứ vào quy định nói trên, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 133/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 quyết định rõ Ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là Chủ nhật, ngày 23 tháng 5 năm 2021.

(còn nữa)


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com