Thực hiện Quy chế dân chủ trong cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập

07:12, 29/12/2020

Năm 2020, cấp ủy Đảng, chính quyền ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Trong đó, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp với tổ chức Công đoàn xây dựng Quy chế thực hiện dân chủ, các quy chế, quy định trong hoạt động của cơ quan gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Đảng ủy, UBND xã Yên Khang (Ý Yên) triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đến các bộ phận chuyên môn trực thuộc.
Đảng ủy, UBND xã Yên Khang (Ý Yên) triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đến các bộ phận chuyên môn trực thuộc.

Cùng với việc phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện dân chủ cho từng cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện các nội quy, quy chế theo quy định như: Quy chế chi tiêu nội bộ; quy chế công khai sử dụng tài sản công; quy chế tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức; quy chế đề bạt, bổ nhiệm, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật, nhận xét, đánh giá cán bộ; quy chế tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo... Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm túc việc thông báo, công khai những nội dung được quy định tại Điều 7, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ; quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan theo quy chế làm việc đã được xây dựng. Việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức được người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với BCH Công đoàn cơ sở tổ chức đảm bảo thời gian, nội dung, quy trình, chất lượng. Năm 2020, có 1.422/1.427 (đạt 99,6%) cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; có 100% đơn vị thuộc khối giáo dục tổ chức hội nghị theo năm học. Tại các hội nghị, đã có 2.789 ý kiến, kiến nghị đưa ra và được giải đáp trực tiếp. Qua đó, cán bộ, công chức, viên chức được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp trong công tác, trong thực hiện các chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình. Thông qua hội nghị dân chủ, đã có 1.377/1.427 cơ quan, đơn vị tiến hành bầu mới hoặc kiện toàn Ban Thanh tra nhân dân (đạt 96,49%); đối với một số phòng, ban cấp huyện và một số Công đoàn cơ sở có dưới 7 đoàn viên đều chỉ định 1 đồng chí phụ trách công tác Thanh tra nhân dân. Các cơ quan, đơn vị đã phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân trong việc tổ chức giám sát thực hiện nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; nội quy cơ quan; các quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý và sử dụng tài sản công; các chế độ, chính sách về chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nâng bậc ngạch lương; đánh giá, xếp loại công chức, viên chức; khen thưởng, kỷ luật... đảm bảo các hoạt động công khai, minh bạch, dân chủ.

Thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với tiến hành đại hội chi bộ, đảng bộ cơ quan đơn vị theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW, 100% các cơ quan, đơn vị đã tổ chức thành công đại hội chi bộ, đảng bộ cơ quan, đơn vị. Cùng với việc hoàn thành rà soát, bổ sung quy hoạch giai đoạn 2015-2020 và 2020-2025, cấp ủy các cấp đã tập trung rà soát đội ngũ đương nhiệm cấp tỉnh, huyện, xác định số tái cử, nghỉ hưu, không đủ tuổi tái cử để có phương án kiện toàn BCH, Ban Thường vụ, các chức danh lãnh đạo chủ chốt; thực hiện điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, sắp xếp đội ngũ cán bộ, thực hiện tốt công tác nhân sự đại hội các cấp. Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”; Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, tỉnh ta đã sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp xã là xã Hải Toàn vào xã Hải An (Hải Hậu), xã Nghĩa Phúc vào xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng), xã Yên Xá vào thị trấn Lâm (Ý Yên); sáp nhập Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh thành Đảng ủy Khối Các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh. Việc bố trí các chức danh chủ chốt của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, các phòng ban được sắp xếp theo vị trí việc làm của cán bộ, công chức, bảo đảm đúng nguyên tắc, dân chủ, công khai, minh bạch. Hiện nay, các đơn vị được sáp nhập hoạt động ổn định, thống nhất; công việc điều hành của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, các phòng ban diễn ra đúng quy định của pháp luật. UBND tỉnh hoàn thành việc phê duyệt danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm cho các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh. Các cơ quan, đơn vị đều tích cực, chủ động thực hiện tinh giản biên chế theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, sử dụng đúng theo định mức biên chế, số lượng người làm việc được cơ quan có thẩm quyền giao và đã trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt Đề án tinh giản biên chế đến năm 2021, đảm bảo giảm 10% biên chế công chức.

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm. UBND tỉnh ban hành 30 quyết định ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, công bố mới, chuẩn hóa 665 thủ tục hành chính (TTHC); trong đó, ban hành mới 119 TTHC, chuẩn hóa 392 TTHC, sửa đổi bổ sung 98 TTHC, bãi bõ 56 TTHC. 100% các TTHC sau khi được rà soát, sửa đổi, bổ sung, công bố đều được công khai đầy đủ, kịp thời trên Cổng Thông tin điện tử của các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở và công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan, đơn vị. Việc thực hiện cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” tiếp tục được duy trì nền nếp ở 17/17 sở, ngành; 10/10 huyện, thành phố và 181/226 xã, phường, thị trấn, tạo thuận lợi cho việc giải quyết TTHC của người dân và các tổ chức, đặc biệt là thông qua dịch vụ Bưu chính viễn thông. Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh hoạt động ổn định, hiệu quả. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước được đẩy mạnh. 100% cơ quan hành chính ở 3 cấp của tỉnh triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành tích hợp chữ ký số, kết nối liên thông với các đơn vị trong tỉnh và giữa tỉnh với Chính phủ. Các dịch vụ công trực tuyến được các sở, ngành, UBND cấp huyện quan tâm triển khai. Hệ thống phần mềm một cửa điện tử từng bước đi vào ổn định. Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 tiếp tục được thực hiện và cải tiến, khuyến khích mở rộng áp dụng tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 1.464.886 văn bản của 1.552 cơ quan, đơn vị được trao đổi qua mạng; đã tiếp nhận 116.876 hồ sơ, xử lý 110.801 hồ sơ, giải quyết đúng hạn đạt 99,47%. Cổng Dịch vụ công trực tuyến cung cấp 2.075 TTHC, trong đó có 832 TTHC ở mức độ 3 và 554 TTHC ở mức độ 4; có 105 cơ quan xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001.

Công tác tiếp công dân thường xuyên, định kỳ của các cấp, các ngành được duy trì nền nếp theo Luật Tiếp công dân. Trong năm, toàn tỉnh đã tiếp đã tiếp 2.940 lượt công dân (giảm 5,1% so với cùng kỳ); tiếp nhận và xử lý 2.556 đơn thư (tăng 19,3% so với cùng kỳ); trong đó, đa số là các vụ việc cũ đã được các cấp, các ngành xem xét, giải quyết nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo. Toàn tỉnh đã giải quyết 41/55 vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt 74,5%).

Với việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, năm 2020 nhiều TTHC được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý; thái độ, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên; các hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho nhân dân đã giảm hẳn. Tình hình an ninh trật tự ở cơ sở được bảo đảm. Đặc biệt tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp giảm rõ rệt. Các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com