Quy định về phân cấp thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Nam Định

12:12, 18/12/2020

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 57/2020/NQ-HĐND
ngày 08 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh  

1. Nghị quyết này quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Nam Định theo quy định tại khoản 6 Điều 7 và Điều 19 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

2. Những nội dung khác không quy định trong Nghị quyết này thì thực hiện theo Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, Thông tư số 57/2018/TT-BTC ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Phân cấp thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với:

a) Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm; bất động sản vô chủ; bất động sản không có người thừa kế; tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là di tích lịch sử -văn hóa; tài sản của các vụ việc xử lý quy định tại khoản này bao gồm cả bất động sản hoặc di tích lịch sử - văn hóa và động sản.

b) Tài sản do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương (trừ tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) gồm:

- Tài sản chuyển giao về địa phương nhưng không xác định cụ thể cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận, quản lý, sử dụng.

- Tài sản chuyển giao đã xác định cụ thể cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiếp nhận, quản lý, sử dụng là bất động sản, xe ô tô các loại hoặc tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản.

c) Tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động.

d) Tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giải thể.

đ) Tài sản chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án đối tác công tư do cơ quan cấp tỉnh ký hợp đồng dự án.

2. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh theo phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam chuyển giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương (trừ tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) không thuộc tài sản quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện theo phạm vi quản lý của địa phương quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với:

a) Tài sản do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam chuyển giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương (trừ tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) không thuộc tài sản quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

b) Tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giải thể theo ủy quyền.

c) Tài sản chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án đối tác công tư do cơ quan cấp huyện ký hợp đồng dự án.

Điều 4. Phân cấp thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân

1. Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản là bất động sản, xe ô tô các loại hoặc các tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản.

b) Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh quyết định phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản khác (trừ bất động sản, xe ô tô các loại hoặc các loại tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản), cụ thể:

- Giám đốc Sở Tài chính quyết định phê duyệt phương án giao hoặc điều chuyển tài sản do cơ quan, người có thẩm quyền thuộc cấp tỉnh quyết định tịch thu giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh; giữa cấp tỉnh với cấp huyện, giữa cấp huyện với cấp huyện.  

- Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh và cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh quyết định phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản do cơ quan, người có thẩm quyền thuộc cấp tỉnh quyết định tịch thu thuộc phạm vi quản lý.

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản khác (trừ bất động sản, xe ô tô các loại hoặc các loại tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản) do cơ quan, người có thẩm quyền thuộc cấp huyện hoặc cấp xã quyết định tịch thu.

2. Đối với tài sản là vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu:

a) Đối với tài sản là vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu đã có quyết định thi hành án của cơ quan có thẩm quyền (trừ tài sản là vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, cổ vật, bảo vật quốc gia):

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản là bất động sản, xe ô tô các loại hoặc tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản.

- Giám đốc Sở Tài chính quyết định phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản khác (trừ bất động sản, xe ô tô các loại hoặc các loại tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản) do cơ quan thi hành án cấp tỉnh chuyển giao.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản do cơ quan thi hành án cấp huyện chuyển giao (trừ tài sản là bất động sản, xe ô tô các loại hoặc tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản).

b) Đối với tài sản do cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân ra quyết định tịch thu (trừ tài sản là vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, cổ vật, bảo vật quốc gia):

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản là bất động sản, xe ô tô các loại hoặc tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản.

- Giám đốc Sở Tài chính quyết định phê duyệt phương án giao hoặc điều chuyển tài sản (trừ bất động sản, xe ô tô các loại hoặc các loại tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản) cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã do cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh quyết định tịch thu.

- Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản khác (trừ bất động sản, xe ô tô các loại hoặc các loại tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản) do cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh quyết định tịch thu thuộc phạm vi quản lý của ngành.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản khác (trừ bất động sản, xe ô tô các loại hoặc các loại tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản) do cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện ra quyết định tịch thu.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm; bất động sản vô chủ; bất động sản không có người thừa kế; tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là di tích lịch sử - văn hóa; tài sản của các vụ việc xử lý quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này bao gồm cả bất động sản hoặc di tích lịch sử - văn hóa và động sản.

4. Tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện bị giải thể:

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản đối với tài sản được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này.

- Giám đốc Sở Tài chính quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản đối với tài sản được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị quyết này.

5. Tài sản do các tổ chức cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho nhà nước

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản đối với tài sản được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này.    

- Giám đốc Sở Tài chính quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản đối với tài sản được người có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản theo quy định tại khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 3 Nghị quyết này.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyền giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động.

7. Đối với tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án, người có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản quy định tại điểm đ khoản 1 và điểm c khoản 3 Điều 3 Nghị quyết này quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản.

CHỦ TỊCH
Lê Quốc Chỉnh

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com