Xuân Ninh khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội

08:10, 07/10/2020

Trong những năm qua, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương theo hướng toàn diện, bền vững.

Cơ sở sản xuất nấm của gia đình ông Bùi Minh Đỗ, xóm 8 Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh tạo việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.
Cơ sở sản xuất nấm của gia đình ông Bùi Minh Đỗ, xóm 8 Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh tạo việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.

Với lợi thế là địa phương có truyền thống thâm canh sản xuất nông nghiệp, năng suất lúa luôn đứng trong tốp đầu của huyện, ngoài sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, chăn nuôi, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) còn có nghề dệt chiếu truyền thống, thêu ren màu, móc sợi xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí đóng mới, sửa chữa phương tiện vận tải thuỷ dọc bãi sông Ninh Cơ. Từ đặc điểm và lợi thế đó, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM. Đồng chí Đỗ Văn Hữu, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Đảng ủy xã Xuân Ninh xác định sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm nên đã lãnh đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, sản xuất theo hướng cánh đồng lớn, bước đầu đã hình thành được một số mô hình tích tụ ruộng đất, liên doanh, liên kết trong sản xuất đạt giá trị kinh tế cao”. Xã huy động nguồn lực nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM. Sản xuất CN-TTCN và hoạt động dịch vụ, các ngành nghề truyền thống ở địa phương phát triển khá mạnh, tạo được nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động. Tổng thu nhập từ CN-TTCN, ngành nghề, dịch vụ đạt 430 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, xã huy động nguồn lực xã hội hóa có sự bứt phá so với những năm trước; tập trung tích tụ ruộng đất, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, thu hút các doanh nghiệp nông nghiệp về liên kết tại địa phương, trong đó Công ty TNHH Cường Tân, Công ty Cổ phần Sản xuất, Dịch vụ thương mại Xuân Trường đang canh tác với diện tích trên 208 mẫu; chuyển đổi theo quy hoạch gần 13 mẫu diện tích khu vực đồng Trung sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tiêu biểu như nhân dân xóm 25 đã tích cực thực hiện dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Trước đây mỗi hộ có từ 4-5 thửa nay chỉ còn bình quân 2 thửa/hộ. Từ năm 2012 đến nay, thông qua tổ chức Hội Nông dân, đã tuyên truyền, vận động được 78 hộ nông dân tham gia sản xuất vụ đông, mỗi năm đã đưa vào gieo cấy lúa mùa sớm từ 25-35 mẫu để trồng cây vụ đông, chủ lực là cây đậu tương, cây bí xanh, bí đỏ, dưa chuột… Các hộ dân như: Ông Trần Đình Thời, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Giang, Nguyễn Văn Quang… mỗi hộ trồng từ 5 sào đến 2 mẫu cây vụ đông. Bên cạnh đó, xã tạo điều kiện cho Công ty TNHH Thanh Phú thuê gần 19 mẫu đất bãi sông Ninh để đầu tư trang trại chăn nuôi theo công nghệ Hà Lan với quy mô 1.200 con lợn nái, hiện đã đưa vào vận hành. Các hộ dân còn duy trì phát triển nghề như chăn nuôi gia cầm, thủy cầm; tiêu biểu như hộ ông Trần Văn Tuyến mỗi năm nuôi từ 3.000-5.000 con vịt; hộ ông Nguyễn Văn Cường nuôi từ 15-20 con trâu, bò và phát triển nuôi trồng thủy sản mỗi năm thu từ 1,5-2 tấn cá. Nghề trồng nấm, mộc nhĩ được phát triển và mở rộng, tiêu biểu như hộ các ông: Nguyễn Văn Quang, Mai Văn Quý, Bùi Minh Đỗ. Ngoài ra các ngành nghề khác được duy trì và phát triển đa dạng; trong đó nghề mộc có các hộ: Ông Trần Văn Hướng, Trần Văn Vôn, Đinh Văn Chước… Xã cũng khuyến khích phát triển ngành nghề truyền thống: nghề dệt chiếu truyền thống ở thôn Xuân Dục, tiêu biểu như hộ các ông: Nguyễn Văn Tuyển, Trần Văn Tưởng xóm 29; Mai Văn Dũng, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Văn Lương, Nguyễn Văn Lý, Mai Văn Chính phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh ở xóm 8, 29, 30, 31, 32.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của xã Xuân Ninh được đầu tư, cải tạo, nâng cấp khá đồng bộ với tổng kinh phí đầu tư trên 40 tỷ đồng, đã làm thay đổi căn bản diện mạo vùng nông thôn. Lĩnh vực công nghiệp, ngành nghề thương mại dịch vụ và xây dựng phát triển mạnh mẽ đã làm thay đổi căn bản về cơ cấu lao động, kinh tế của địa phương, thu hút các công ty, doanh nghiệp về đầu tư. Nhiều tổ hợp, cơ sở sản xuất được hình thành, đầu tư mở mang tại địa phương như các tổ hợp cơ khí, may mặc, nề, mộc, các cơ sở vận tải, chế biến nông sản, thực phẩm… góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Năm 2020, ước bình quân thu nhập của người dân đạt 50 triệu đồng/người.

Thời gian tới, xã Xuân Ninh tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự chuyển biến về cơ cấu kinh tế theo hướng CN-TTCN, dịch vụ, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ngành nghề mới. Huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội phấn đấu đạt xã NTM nâng cao vào năm 2022. Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, đảm bảo an toàn lương thực và sản xuất hàng hóa. Mở rộng phát triển CN-TTCN, các ngành nghề, dịch vụ, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com