Kết quả Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025

04:10, 11/10/2020

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về “Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, sau khi chỉ đạo thành công công tác tổ chức đại hội cấp cơ sở và trên cơ sở theo hướng dẫn của Trung ương và hoàn thành công tác chuẩn bị; được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ ngày 23-9 đến 25-9-2020, tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh 3-2, Đảng bộ tỉnh Nam Định đã long trọng tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Chủ đề của Đại hội là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.

Tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX có 350 đại biểu chính thức, bao gồm 51 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) là đại biểu đương nhiên và có 298 đại biểu được bầu từ Đại hội đại biểu của 15 Đảng bộ trực thuộc tỉnh, 01 đại biểu dự khuyết được thay thế. Trong đó 118 đại biểu có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, 43 đại biểu là nữ, 38 đại biểu trẻ, đại biểu cao tuổi nhất là 66 tuổi, đại biểu trẻ nhất là 31 tuổi. Đây là những đồng chí ưu tú, tiêu biểu, đại diện cho tinh thần đoàn kết, trí tuệ của hơn 10 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh. Đại hội đã được đón các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và cán bộ, chuyên viên các bộ, ban ngành Trung ương; đại diện mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ Lão thành cách mạng, cán bộ Tiền khởi nghĩa, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động; các đồng chí nguyên là Thường trực Tỉnh ủy, Thường vụ Tỉnh ủy, Lãnh đạo UBND tỉnh qua các thời kỳ trên địa bàn tỉnh... Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã về dự và trực tiếp phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Qua 03 ngày làm việc, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, phát huy dân chủ và trí tuệ, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX đã hoàn thành thắng lợi chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Cụ thể:

Thứ nhất: Đại hội đã nghe và thông qua Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, Báo cáo Kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX trình tại Đại hội. Dự thảo văn kiện được chuẩn bị công phu với tinh thần khách quan, khoa học, trách nhiệm; tiếp thu đầy đủ sự tham gia đóng góp tâm huyết, trách nhiệm từ đại hội các đảng bộ trực thuộc tỉnh, các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, sỹ quan cao cấp lực lượng vũ trang đã nghỉ hưu đang sinh sống trên địa bàn tỉnh; đại diện các tầng lớp trí thức và văn nghệ sĩ; đại diện nhân sỹ và các tầng lớp nhân dân; ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành Trung ương; các đồng chí có chức vụ từ Thứ trưởng trở lên là người Nam Định đang đương chức; đặc biệt là ý kiến kết luận của đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Nam Định về công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Tại Đại hội, đã có 25 lượt ý kiến tham gia đóng góp vào dự thảo văn kiện tại hội trường và thảo luận tại các tổ đại biểu. Với tinh thần trung thực, khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội đã đánh giá đúng mức những kết quả đạt được; đồng thời chỉ rõ những mặt còn tồn tại, yếu kém, nguyên nhân những ưu điểm, khuyết điểm và rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX trong 5 năm qua.

Về kết quả đạt được: Trong 5 năm (2015 - 2020), tỉnh đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, trong đó có những chỉ tiêu đạt cao nhất từ trước đến nay. Tổng sản phẩm GRDP theo giá so sánh năm 2010 tăng bình quân 7,9%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của nhiệm kỳ trước (6,2%/năm). Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực: Tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 17,9%; lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 82,1% (tăng 6,1% so với năm 2015). Quy mô kinh tế mở rộng so với thời kỳ 2010 - 2015: Tổng sản phẩm GRDP theo giá hiện hành gấp 1,8 lần; GRDP bình quân đầu người gấp 2 lần; Tổng giá trị sản xuất công nghiệp gấp 1,8 lần; Tổng trị giá hàng xuất khẩu gấp 2,1 lần; Vốn đầu tư toàn xã hội gấp 2,2 lần; Thu ngân sách gấp 2,1 lần; Thu hút đầu tư ước đạt 3,5 tỷ USD và trên 32.000 tỷ đồng, tăng rất cao so với các nhiệm kỳ trước; Tổng dư nợ tín dụng đến năm 2020 đạt gần 72.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2015; bình quân mỗi năm tăng 17,6%/năm; Kim ngạch xuất - nhập khẩu tăng rất nhanh, đến năm 2020 ước đạt 3,3 tỷ USD (xuất siêu 900 triệu USD). Đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở tất cả 100% xã, thị trấn, huyện, thành phố; Nam Định là một trong hai tỉnh dẫn đầu của cả nước về xây dựng nông thôn mới; hoàn thành sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, sớm hơn 11,5 năm so với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đã hoàn thành một số dự án, công trình trọng điểm tạo nền tảng tiền đề cho sự phát triển kinh tế như: Cầu Tân Phong, cầu Thịnh Long, giai đoạn I tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình; tỉnh lộ 487, 488, 489C... Đồng thời tập trung triển khai thực hiện một số dự án, công trình lớn, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, tạo động lực cho phát triển KT-XH của tỉnh như: Giai đoạn II tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Nam Định; tuyến đường bộ ven biển đoạn đi qua tỉnh… Văn hóa - xã hội đạt được nhiều thành tích mới; ngành Giáo dục - Đào tạo duy trì thành tích 25 năm liên tục trong tốp dẫn đầu cả nước, trong 6 năm tổ chức thi THPT để xét tuyển vào đại học, Nam Định có 5 năm đứng thứ nhất và 1 năm đứng thứ nhì toàn quốc. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 95%, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91% dân số, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (trừ đối tượng bảo trợ xã hội) giảm còn dưới 1%; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực: Đã có nhiều giải pháp tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và Quy định số 08 về trách nhiệm nêu gương. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII, Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị được triển khai thực hiện quyết liệt. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được coi trọng, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Công tác phòng chống tham nhũng và phòng chống các biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên tiếp tục được đẩy mạnh và tăng cường. Nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới hướng về cơ sở ngày càng thiết thực, hiệu quả. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, đoàn kết, thống nhất trong Đảng ngày một tốt hơn, niềm tin của nhân dân được củng cố, vị thế và uy tín của tỉnh ngày càng được khẳng định.

Những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục là: Kinh tế của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lịch sử của tỉnh; tỉnh chưa xúc tiến, thu hút được các nhà đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm chủ lực, có giá trị gia tăng cao và sức cạnh tranh trên thị trường; thu ngân sách còn thấp so với các địa phương trong vùng; tiến độ triển khai thực hiện một số dự án, công trình trọng điểm của tỉnh còn chậm so với dự kiến; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư một số mặt chưa đạt yêu cầu; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng và đảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

Trên cơ sở đó, Đại hội đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh trong 5 năm tới (2020 - 2025), trong đó xác định mục tiêu tổng quát là: “Tập trung xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục khơi dậy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để xây dựng tỉnh Nam Định phát triển nhanh và bền vững. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế; chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao có nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Tăng cường khai thác tiềm năng thế mạnh vùng kinh tế biển để trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh. Xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước”.

Đại hội đã biểu quyết và nhất trí thông qua các chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn 2020 - 2025. Cụ thể:

(1) Tổng sản phẩm GRDP (giá so sánh 2020) tăng bình quân 8,5-9,5%/năm. Thu nhập thực tế bình quân đầu người đến năm 2025: trên 100 triệu đồng/người/năm.

(2) Cơ cấu kinh tế đến năm 2025:

- Nông, lâm nghiệp và thủy sản:       11%.

- Công nghiệp, xây dựng, dịch vụ:    89%.

(3) Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) hàng năm tăng từ 14-14,5%/năm.

(4) Tổng giá trị hàng xuất khẩu trên địa bàn năm 2025 đạt trên 4,0 tỷ USD.

(5) Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tăng 16,5-17,5%/năm.

(6) Thu ngân sách nhà nước từ kinh tế trên địa bàn năm 2025 đạt trên 10.000 tỷ đồng.

(7) Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đến năm 2025 đạt 80%.

(8) Tỷ lệ hộ nghèo không thuộc chính sách bảo trợ xã hội đến năm 2025 giảm xuống còn dưới 0,15% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025).

(9) Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2025 trên 95% dân số.

(10) Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% (trong đó tỷ lệ được cung cấp nước sạch đạt trên 98% dân số).

(11) Phấn đấu đến năm 2025: 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện Hải Hậu được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

(12) Chỉ tiêu xây dựng Đảng và hệ thống chính trị:

- Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 80%; trong đó “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” từ 15% đến 20%.

- Tỷ lệ chính quyền cơ sở vững mạnh đạt 80% trở lên.

Đại hội đã thống nhất đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá; đồng thời thảo luận và thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra.

- 6 nhiệm vụ trọng tâm:

(1) Tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tổ chức bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên; Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

(2) Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; nhất là các nhà đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao, có nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển; sớm hình thành đô thị Rạng Đông - Thịnh Long và khu kinh tế ven biển Nghĩa Hưng thành Trung tâm sản xuất đồng bộ từ sợi, dệt, nhuộm, may mặc và thời trang lớn của Miền Bắc nước ta. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng, phát triển thành phố Nam Định theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; Phấn đấu đến năm 2030, thành phố Nam Định cơ bản đạt một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

(3) Tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với đô thị hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang, sạch đẹp. Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững.

(4) Tập trung khai thác, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày một hiện đại, theo hướng ưu tiên cho các dự án, công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, y tế, văn hóa, giáo dục; các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng thành phố Nam Định và vùng kinh tế biển.

(5) Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đất đai; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai.

(6) Tiếp tục củng cố vững chắc quốc phòng, quân sự địa phương; giữ vững an ninh chính trị, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, an ninh tuyến biển, trật tự an toàn xã hội; tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

- 3 khâu đột phá:

(1) Tập trung xây dựng và điều chỉnh các loại quy hoạch giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050; Tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh đồng bộ theo hướng hiện đại; nhất là các dự án, công trình trọng điểm có tính chiến lược phát triển về giao thông, khu, cụm công nghiệp, y tế, văn hóa, giáo dục, hạ tầng thành phố Nam Định và vùng kinh tế biển.

(2) Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác xúc tiến, thu hút đầu tư để phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp sạch, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển phía Nam của tỉnh.

(3) Thực hiện đồng bộ các giải pháp để khôi phục và phát triển thành phố Nam Định là một trong ba thành phố lớn của Miền Bắc thời kỳ Pháp thuộc và là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 109/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với 6 chức năng trung tâm vùng: Công nghiệp; Giáo dục - Đào tạo; Khoa học - Công nghệ; Y tế; Văn hóa, du lịch; Thể thao theo quy hoạch địa giới hành chính thành phố mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ hai: Đại hội đã thảo luận và thống nhất cao việc thông qua nội dung Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bao gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII. Trên cơ sở tổng hợp trên 51 nghìn lượt ý kiến tham gia đóng góp của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và các ý kiến thảo luận tại Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX hoàn chỉnh văn bản báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.

Thứ ba: Đại hội đã đề cao trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung bầu một lần đủ 53 đồng chí có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực và uy tín vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XX), đảm bảo cơ cấu, tiêu chuẩn, có tính liên tục, kế thừa. Trong đó có: 06 đồng chí nữ (= 11,32%), 03 đồng chí trẻ (= 5,66%), 39 đồng chí tái cử (= 73,58%), 14 đồng chí tham gia cấp ủy lần đầu (= 26,41%).

Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX đã thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, bầu một lần đủ số lượng 15 đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy (trong đó 10 đồng chí tái cử, 05 đồng chí tham gia lần đầu); bầu các chức danh Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy; bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 09 đồng chí và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đảm bảo đúng nguyên tắc, Điều lệ Đảng. Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khóa XIX, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục được bầu giữ chức danh Bí thư Tỉnh ủy khóa XX; đồng chí Phạm Đình Nghị đồng chí Lê Quốc Chỉnh được bầu giữ chức danh Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XX.

Với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội đã bầu Đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đảm bảo theo yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng theo quy định gồm 22 đại biểu chính thức và 02 đại biểu dự khuyết - là những đồng chí tiêu biểu, đại diện cho trí tuệ của Đảng bộ tỉnh, có khả năng đóng góp vào các quyết định và thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; có khả năng tiếp thu Nghị quyết của Đại hội để triển khai thực hiện trong các ngành, lĩnh vực được phân công.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 thành công tốt đẹp là do có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị; sự giúp đỡ các bộ, ban, ngành Trung ương và sự đoàn kết, nhất trí của các cấp ủy Đảng, của cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 là sự kiện chính trị trọng đại có ý nghĩa quan trọng đối với toàn thể Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh. Thành công của Đại hội là nguồn cổ vũ, động viên to lớn, tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tỉnh, là cơ sở vững chắc, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm tới mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra./.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com