Huyện ủy Ý Yên tập trung lãnh đạo tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế

08:10, 26/10/2020

Đồng chí Đinh Đức Tuyến, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ý Yên cho biết: Ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2020-2025), Ban Thường vụ Huyện ủy Ý Yên đã tập trung lãnh đạo, đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống. Trong đó, mục tiêu xuyên suốt về phát triển kinh tế được xác định là tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả; tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ...; phấn đấu đến năm 2025, thuộc tốp các huyện phát triển nhanh của tỉnh.

Kiểm tra chất lượng lạc nguyên liệu phục vụ các cơ sở ép tinh dầu thực vật tại xã Yên Cường.
Kiểm tra chất lượng lạc nguyên liệu phục vụ các cơ sở ép tinh dầu thực vật tại xã Yên Cường.

Với diện tích tự nhiên lớn, hơn 246km2, dân số 229 nghìn người, có tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Quốc lộ 10, Quốc lộ 38B, đường trục phát triển kinh tế của tỉnh, đường sắt xuyên Việt đi qua, huyện Ý Yên hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để thông thương và thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Hiện tại, huyện đã xây dựng được 3 cụm công nghiệp gồm: Tống Xá, La Xuyên, thị trấn Lâm với tổng diện tích hơn 28ha và 37 điểm công nghiệp tại 20 xã, tổng diện tích hơn 73ha. Trên địa bàn huyện hiện có 27 làng nghề truyền thống, trong đó có những làng nghề nổi tiếng trong nước như: Đúc đồng Vạn Điểm; Đúc kim loại Tống Xá (thị trấn Lâm); Sơn mài Cát Đằng (xã Yên Tiến); Chạm khắc gỗ Ninh Xá, La Xuyên (xã Yên Ninh). Toàn huyện hiện có 5.576 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Các doanh nghiệp hoạt động trong các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề; nhất là các cơ sở may mặc, đóng tàu, xây dựng, đúc, sản xuất gạch, đồ gỗ mỹ nghệ, mây tre đan xuất khẩu... đều xây dựng và định vị được thương hiệu trên thị trường, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và các vùng lân cận. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện Ý Yên đạt 11,5%/năm, cao hơn bình quân chung của tỉnh; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 13,1%; thu ngân sách tăng 1,8 lần so với chỉ tiêu đề ra. Trong 9 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn huyện đạt 7.246 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Huyện Ý Yên đặt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 100 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực với nông, lâm, thuỷ sản chiếm 11%; công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 89%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 2,5%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 20%/năm; giá trị các ngành dịch vụ tăng bình quân 9%/năm; tổng thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế trên địa bàn của năm cuối nhiệm kỳ đạt trên 700 tỷ đồng.

Để đạt được những kết quả trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Ý Yên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu trong đó, về nguồn lực đất đai, huyện chỉ đạo khảo sát xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Tích cực cùng nhà đầu tư tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong công tác giải tỏa, đền bù để sớm có mặt bằng sạch bàn giao cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh. Về nguồn lực tài chính, khi các cơ sở sản xuất có nhu cầu mở rộng quy mô, huyện chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính để các công ty, doanh nghiệp, tổ hợp tiếp cận nhanh với các nguồn vốn. Về nguồn nhân lực, huyện có nguồn lao động khá dồi dào, nhân dân cần cù, sáng tạo; đội ngũ cán bộ, đảng viên có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý kinh tế và xã hội. Hệ thống giáo dục, đào tạo phát triển tốt và đồng đều, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Về các nguồn lực khác, huyện thực hiện xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới, nhất là việc nâng cấp hệ thống đường giao thông để việc đi lại và vận chuyển hàng hóa được thuận tiện, đảm bảo an toàn... Việc phát triển các cụm, điểm công nghiệp và làng nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân, là động lực, nền tảng vững chắc để huyện tiếp tục phát triển bền vững.

Chủ trương của huyện trong giai đoạn 2020-2025 là tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng thêm các cụm, điểm công nghiệp mới; phối hợp triển khai Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Hồng Tiến; hoàn thiện cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp Yên Dương; lập hồ sơ dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Yên Bằng với quy mô 50ha, khu tiện ích thương mại dịch vụ tại xã Yên Hồng, quy mô 25ha; bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao; tiếp tục khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, mang dấu ấn, thương hiệu của làng nghề Ý Yên. Để tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển các cụm, điểm công nghiệp và làng nghề truyền thống, Huyện ủy Ý Yên đã đề ra nhiều giải pháp mới. Trong đó, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và quy hoạch sản xuất tại các làng nghề theo hướng tập trung. Trước mắt, ưu tiên quy hoạch quỹ đất để phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề truyền thống gồm, đúc đồng Vạn Điểm, đúc kim loại Tống xá, đồ gỗ La Xuyên, hàng thủ công mỹ nghệ Cát Đằng và may mặc ở một số xã ven sông Đáy. Bên cạnh đó huyện tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư đối với các nhà đầu tư có tiềm lực. Đến nay, huyện tiếp tục có 50 dự án đầu tư trên địa bàn trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ; bao gồm 47 dự án được UBND tỉnh chấp thuận phê duyệt chủ trương đầu tư và 3 dự án đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động với số vốn trên 200 tỷ đồng, giải quyết việc làm khoảng 3.000 lao động. Huyện tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành, UBND các xã, thị trấn tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các nhà đầu tư; mở rộng các hình thức cung cấp thông tin về đất đai, tài nguyên môi trường, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch hạ tầng giao thông, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện; đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp của địa phương, trong và ngoài nước. Chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận với các dịch vụ công; thúc đẩy các chính sách khuyến công trong cụm công nghiệp. Tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư, khai thác mọi nguồn lực của địa phương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân. Tập trung cao cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng tại các cụm công nghiệp, điểm công nghiệp, làng nghề để nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội.

Với sự lãnh đạo sâu sát, toàn diện, kịp thời của Huyện ủy; sự phối hợp, tạo điều kiện của các sở, ban, ngành của tỉnh; sự quyết liệt, tập trung trong thực hiện của cấp ủy, chính quyền huyện Ý Yên quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2020-2025) vào cuộc sống./.

Bài và ảnh: Xuân Thu


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com