Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy nội lực, tinh thần đoàn kết, xây dựng quê hương Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh

06:09, 06/09/2020

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Thi đua, khen thưởng là động lực quan trọng cho sự phát triển. Nhân dịp Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Nam Định lần thứ V (2020-2025), đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã trả lời phỏng vấn Báo Nam Định về kết quả phong trào thi đua yêu nước của tỉnh trong 5 năm qua.

PV: Thi đua, khen thưởng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Xin đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với công tác này trong những năm qua?

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh: Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 19-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch 5 năm (2016-2020) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo cả hệ thống chính trị thực hiện có hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng. Để phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng đi vào chiều sâu, có sức lan toả và phát huy hiệu quả thiết thực, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng gắn với triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 1-7-2016 về việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch 5 năm (2016-2020) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra; đồng thời cụ thể hóa các phong trào thi đua “Nam Định chung sức xây dựng NTM”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Doanh nghiệp Nam Định hội nhập và phát triển”; “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Nam Định thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025; tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc - Ngày truyền thống thi đua yêu nước (11-6). UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo kiện toàn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp; chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động phát động các phong trào thi đua; sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; xây dựng bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao; đồng thời xét chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước đề nghị các cấp có thẩm quyền khen thưởng, từ đó tạo động lực cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững.

PV: Từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, xin đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá kết quả nhân rộng các mô hình hay, gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh: Qua việc triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các mô hình hay, gương điển hình tiên tiến đã phát triển sâu rộng ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực với nhiều nội dung thi đua thiết thực, hiệu quả.

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế; các phong trào nổi bật trong sản xuất nông nghiệp là: “Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”; “Thi đua nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ mới vào sản xuất và đời sống”; “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, xây dựng cánh đồng lớn” gắn với Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 2,7%/năm. Giá trị sản phẩm thu được trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 đạt 172 triệu đồng/ha (tăng 43 triệu đồng/ha so với năm 2015)... Thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng NTM", UBND tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Nam Định chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016-2020 gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020. Phong trào “Nhà sạch, vườn sạch, đường sạch, sông không rác” gắn với mô hình trồng cây bóng mát, trồng hoa ven đường đã phát huy hiệu quả, lan tỏa, rộng khắp trong cộng đồng dân cư, hướng tới mục tiêu “Miền quê đáng sống”. Phong trào xây dựng NTM được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong quá trình xây dựng, đổi mới và phát triển. Tháng 9-2019, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với tổng kết đánh giá triển khai thực hiện phong trào thi đua xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2020. Tháng 10-2019, tỉnh Nam Định được chọn tổ chức Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2011-2020 và Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 với sự tham gia của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành Trung ương. Tỉnh Nam Định là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 (hoàn thành sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX) và vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các phong trào thi đua được tập trung đẩy mạnh như: “Doanh nghiệp Nam Định hội nhập và phát triển”; “Lao động hiệu quả - Phát triển bền vững - Hội nhập thành công”; “Doanh nghiệp thân thiện với môi trường” gắn với triển khai “Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn” và cuộc vận động “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam”... Kết quả, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp bình quân 5 năm 2015-2020 đạt 13,7%/năm. Toàn tỉnh hiện có trên 9.400 doanh nghiệp đăng ký hoạt động (tăng 58% so với năm 2015) với số vốn đăng ký trên 72 nghìn tỷ đồng (tăng 67% so với năm 2015). Trong 5 năm qua, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, đô thị được tập trung đầu tư xây dựng; đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm của tỉnh như: Tuyến đường bộ mới nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 21 và cầu Tân Phong vượt sông Đào; đường dẫn và cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ; tỉnh lộ 487, 488, 489C; nâng cấp một số hạng mục quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh. Đang tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm như: Tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Tuyến đường bộ ven biển đoạn đi qua tỉnh Nam Định; Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông; Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần; Khu đô thị mới phía nam sông Đào… 

Trên lĩnh vực phát triển văn hóa - xã hội; ngành Giáo dục - Đào tạo tập trung triển khai sâu rộng các phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”; “Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia”; “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với các cuộc vận động ”Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, ”Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”… 25 năm liên tục tỉnh ta giữ vững vị trí trong top dẫn đầu toàn quốc về phong trào và chất lượng giáo dục, đào tạo; 5 năm qua, trong các kỳ thi THPT quốc gia, có 4 năm số điểm trung bình của tỉnh Nam Định đứng đầu, 1 năm đứng thứ nhì toàn quốc. Trong 5 năm qua, tỉnh Nam Định luôn duy trì vị trí top đầu toàn quốc về tỷ lệ học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; có 375/430 học sinh tham gia đạt giải, đạt tỷ lệ 87,2%, trong đó có 14 giải Nhất, 114 giải Nhì, 135 giải Ba và 112 giải Khuyến khích. Thi khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng. Thi Olympic quốc tế đạt 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và 5 Huy chương Đồng. Trong lĩnh vực y tế, các phong trào thi đua: "Thầy thuốc như mẹ hiền"; "Thực hiện 12 điều y đức"; "Nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân"; xây dựng cơ sở y tế "Sáng - xanh - sạch - đẹp";  “Ngành Y tế chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19”… đã được đẩy mạnh và triển khai tổ chức sâu rộng. Đoàn thể thao của tỉnh tham gia thi đấu các giải thể thao thành tích cao trong nước và quốc tế đã đạt kết quả tốt, giành được 389 Huy chương các loại (gồm 145 Huy chương Vàng, 102 Huy chương Bạc và 142 Huy chương Đồng). Các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình đẩy mạnh các phong trào thi đua, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phản ánh toàn diện các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh diễn ra trên địa bàn tỉnh. 

Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục được duy trì nhằm góp phần xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước đang góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo sức lan tỏa sâu rộng, thiết thực; động viên nhân dân nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết chí, đồng lòng xây dựng tỉnh ta ngày càng phát triển.

PV: Xin đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết những định hướng quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh thời gian tới?

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh: Nhìn lại 5 năm qua, có thể thấy phong trào thi đua yêu nước của tỉnh đã phát triển rộng khắp trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều tấm gương điển hình tiên tiến đã xuất hiện, trở thành ”những bông hoa đẹp” trong vườn hoa ”nghìn việc tốt”, góp phần làm cho bản lĩnh, trí tuệ và truyền thống văn hiến, anh hùng của đất và người Nam Định tỏa sáng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế; một số nơi phong trào thi đua yêu nước còn mang tính hình thức; xây dựng nội dung, chỉ tiêu thi đua chưa sát với thực tiễn; chưa quan tâm đúng mức đến công tác thi đua, khen thưởng, nhất là khen thưởng cho công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động... Vì vậy, trong thời gian tới, công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là: Tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Càng khó khăn càng phải thi đua”… Phát động các phong trào thi đua sâu rộng, thiết thực ở các cấp, các ngành, trên các lĩnh vực quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Hai là: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng NTM”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” với mục tiêu cụ thể, thiết thực gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và điều kiện thực tiễn của tỉnh.

Ba là: Phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các cụm, khối thi đua trong việc đổi mới phương thức hoạt động. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố cần cụ thể hóa những nội dung, tiêu chí thi đua cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng và tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả cao nhất. 

Bốn là: Quan tâm đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua nhằm cổ vũ, động viên phong trào, tạo hiệu quả thiết thực. Công tác khen thưởng phải kịp thời, đúng người, đúng việc, đúng thành tích đạt được; thực hiện công khai dân chủ bình xét từ cơ sở, tăng tỷ lệ khen thưởng đối với người lao động trực tiếp. Chú trọng nhân rộng cách làm hay, mô hình hay, các gương điển hình tiên tiến để tạo sức lan tỏa trong xã hội.

Năm là: Thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng từ tỉnh đến cơ sở; lựa chọn những cán bộ có kiến thức, nhiệt huyết; chú trọng tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức công tác thi đua, khen thưởng. Làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng ở mỗi địa phương, đơn vị để công tác thi đua, khen thưởng thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giai đoạn hiện nay.

Thực hiện chủ đề hành động chính trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2025 là: “Đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, đổi mới, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thi đua phát triển kinh tế nhanh và bền vững, xây dựng tỉnh Nam Định giàu đẹp, văn minh”; với tinh thần "đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm", các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh khắc phục khó khăn, phát huy những thành quả đã đạt được, quyết tâm xây dựng quê hương Nam Định ngày càng “Vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, đẹp về nếp sống văn hoá”, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!

Xuân Thu (thực hiện)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com