Dự thảo Báo cáo chính trị cần nêu bật những giải pháp về "nêu gương" của cán bộ, đảng viên

07:08, 26/08/2020

Qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XX (nhiệm kỳ 2020-2025) tôi thấy Dự thảo Báo cáo chính trị được chuẩn bị công phu, bố cục từng phần khoa học, chặt chẽ có tính khái quát cao. Dự thảo Báo cáo chính trị đã đánh giá khách quan, toàn diện kết quả của nhiệm kỳ qua cũng như đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp khả thi trong nhiệm kỳ tới. Nhiều vấn đề báo cáo đã tập trung nêu bật như: chương trình xây dựng nông thôn mới đã về đích trước một năm rưỡi so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, trở thành một trong hai tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Kinh tế - xã hội của tỉnh có sự tăng trưởng ổn định, quy mô nền kinh tế được mở rộng; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, phát triển… Dự thảo Báo cáo chính trị cũng đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá cho nhiệm kỳ tới. Tôi xin đóng góp thêm một số ý kiến như sau:

Theo Dự thảo Báo cáo, “Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về nêu gương đạt được nhiều kết quả tích cực”. Qua theo dõi thường xuyên trên Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, tôi thấy từ việc học và làm theo Bác, nhiều tập thể, cá nhân trong tỉnh đã chú trọng xây dựng kế hoạch thực hiện, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, gắn với giải quyết kịp thời những vấn đề trọng tâm, nổi cộm cũng như việc khắc phục, sửa chữa các hạn chế, khuyết điểm, nhất là những việc cần làm ngay; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên. Tuy nhiên, Dự thảo Báo cáo chính trị cần nêu bật những giải pháp cụ thể về thực hiện “nêu gương” của cán bộ, đảng viên để qua đó làm tốt công tác lựa chọn và sàng lọc đội ngũ cán bộ, đấu tranh chống tham nhũng, lợi ích nhóm, phù hợp vấn đề “nóng” hiện nay mà Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện góp phần làm trong sạch bộ máy.

Thứ hai, trong Dự thảo nêu “Phấn đấu đến năm 2030, thành phố Nam Định trở thành thành phố thông minh, là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng với các chức năng trung tâm được hình thành rõ nét trong các lĩnh vực công nghiệp, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ”. Theo ý kiến cá nhân tôi, thời gian từ nay đến năm 2030 khá dài nên Dự thảo cần bổ sung cụ thể những mục tiêu, những việc cần thực hiện từ nay đến năm 2025, từ năm 2025 đến năm 2030 để cán bộ, đảng viên, nhân dân biết, cùng nhau cố gắng quyết tâm hoàn thành.

Thứ ba, là một lão thành cách mạng trong số 800 lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa trong tỉnh còn sống, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện tốt chế độ chính sách đối với những người có công như lão thành cách mạng, thương binh, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…; duy trì việc thường xuyên thăm hỏi, tặng quà nhân các dịp kỷ niệm lớn của đất nước. Theo Dự thảo Báo cáo chính trị “đến nay 100% hộ gia đình đối tượng người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân ở địa phương” tôi thấy là hợp lý. Tuy nhiên, để tiếp tục giúp đối tượng chính sách, Báo cáo chính trị cần nhấn mạnh việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa; chăm sóc người có công để động viên các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng tham gia phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống./.

Cụ Nguyễn Hữu Thược
(Cán bộ lão thành cách mạng,
trú tại số nhà 6/83 đường Cù Chính Lan,
thành phố Nam Định)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com