Báo Nam Định đồng hành với sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ tỉnh

05:06, 19/06/2020

Báo Nam Định là cơ quan của Đảng bộ tỉnh, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Báo Nam Định luôn là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Trong đó đã tích cực tuyên truyền, đưa Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; thông tin, cổ vũ phong trào hành động cách mạng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; đặc biệt những thành tựu trong gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; tham gia vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực và những hành vi tiêu cực, phản văn hóa; đấu tranh chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch…

Đồng chí Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải Búa liềm vàng tỉnh và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tặng hoa và Giấy chứng nhận cho các tác giả có tác phẩm tham dự Giải Búa liềm vàng lần thứ IV năm 2019. Ảnh: Việt Thắng
Đồng chí Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải Búa liềm vàng tỉnh và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tặng hoa và Giấy chứng nhận cho các tác giả có tác phẩm tham dự Giải Búa liềm vàng lần thứ IV năm 2019. Ảnh: Việt Thắng

I. Từ những tờ báo tiền thân

Ở Nam Định, trong quá trình vận động thành lập Đảng, từ mùa hè năm 1928, đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) đã sáng lập ra tờ báo Dân Cày, in li-tô được 19 số ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng. Sau khi đồng chí Đặng Xuân Khu

chuyển công tác về Hà Nội rồi Hải Phòng, tờ báo do các đồng chí: Đặng Xuân Quyền, Nguyễn Văn Kiêm, Nguyễn Ngọc Thuế, Mai Văn Nhiếp đảm nhiệm. Báo tồn tại đến ngày 1-5-1931. Vào tháng 2-1931, sau Hội nghị Thôn bộ (các chi bộ ở nông thôn) do Tỉnh ủy Nam Định tổ chức để nghe truyền đạt luận cương chính trị, bàn kế hoạch củng cố tổ chức, nghiên cứu Điều lệ, thông báo đổi tên Đảng, kiểm điểm công tác cũ và đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh chống thực dân phong kiến, bên cạnh tờ Tiền Phong, Đảng bộ Nam Định còn xuất bản tờ Nông Dân (sau đổi tên là Hưởng ứng) cho địa bàn nông thôn nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức về đường lối cách mạng cho đảng viên và quần chúng nhân dân. Nhờ đó, phong trào đấu tranh của nông dân trong tỉnh phát triển không ngừng. Có thể nói, thông qua các tờ báo Dân Cày, Tiền Phong của địa phương đã nâng cao nhận thức cho đảng viên về chủ nghĩa cộng sản, tinh thần quốc tế vô sản và đường lối cách mạng của Đảng bộ tỉnh trong đấu tranh giành thắng lợi trong cao trào cách mạng 1930-1931.

Trong hoàn cảnh báo chí công khai đang ngày càng bị cấm đoán, đầu năm 1939, Tỉnh ủy Nam Định quyết định ra tờ báo bí mật lấy tên là Tiến lên làm phương tiện tuyên truyền, giáo dục đảng viên, quần chúng, đồng thời lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Báo in li-tô, mỗi tháng ra từ 1 đến 2 số. Trong điều kiện địch tăng cường lùng sục, khủng bố, tờ Tiến lên vẫn được phát hành rộng rãi ở 4 tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình. Ngày 21-1-1946, tờ Nam Định kháng chiến ra mắt bạn đọc 2 ngày một số, 2 trang, khổ 40cmx28cm. Đến năm 1947, báo ra hàng ngày (trừ chủ nhật và ngày lễ) phát hành sang cả các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình. Hòa bình lập lại cho đến năm 1957, tỉnh Nam Định xuất bản tờ Tin Nam Định cho đến năm 1960 thì chính thức có tờ báo của Đảng bộ tỉnh lấy tên là Sông Đào. Đến giữa năm 1963, khi Bác Hồ chỉ thị cho báo các Đảng bộ tỉnh phải lấy tên tỉnh làm tên báo, Báo Sông Đào đổi thành Báo Nam Định.

Sau khi hợp nhất tỉnh Nam Định và Hà Nam, báo hai tỉnh sáp nhập thành Báo Nam Hà ra số đầu tiên vào năm 1964. Năm 1976, sau khi sáp nhập hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình, Tỉnh ủy Hà Nam Ninh ra quyết định xuất bản Báo Hà Nam Ninh. Năm 1992, tỉnh Hà Nam Ninh tách ra thành tỉnh Nam Hà và Ninh Bình, Báo Nam Hà đã tăng số lượng phát hành từ 4.000 tờ/kỳ lên 8.000 tờ/kỳ. Năm 1997, sau khi tách tỉnh Nam Hà thành tỉnh Nam Định và Hà Nam, Báo Nam Định tăng số lượng phát hành từ 5.000 tờ/kỳ lên gần 7.000 tờ/kỳ.

Hiện nay Báo Nam Định xuất bản 6 kỳ trong tuần vào các ngày: Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Sáu và số Cuối tuần với số lượng phát hành gần 8.000 tờ/kỳ. Ngoài ra, Báo Nam Định Điện tử ra mắt bạn đọc từ ngày 21-6-2010, số lượng truy cập trên 1 vạn người/ngày. Đặc biệt, từ 1-1-2020, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc cung cấp Báo Nam Định cho đảng viên từ 55 tuổi Đảng trở lên, số lượng phát hành báo sẽ tăng lên 1,3 vạn tờ/kỳ.

II. Báo Nam Định đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền về xây dựng Đảng

Là tờ báo của Đảng bộ tỉnh, Ban Biên tập Báo Nam Định luôn xác định công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng là linh hồn của tờ báo và chiếm dung lượng lớn trên các số báo. Cùng với việc đưa thông tin thời sự trong nước, trong tỉnh, thông tin về hoạt động của các đồng chí lãnh đạo tỉnh để phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Báo Nam Định luôn chú trọng đổi mới cách thức tuyên truyền, đưa các chỉ thị của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh vào cuộc sống; thúc đẩy việc thực hiện các nghị quyết, nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và nhân dân; nhân rộng các điển hình tiên tiến, tôn vinh những giá trị văn hóa, những tấm gương mẫu mực của cán bộ, đảng viên; đấu tranh chống lại sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên… Để thông tin, tuyên truyền bài bản, hiệu quả, Báo Nam Định đã xây dựng kế hoạch, mở trang chuyên, chuyên mục, tổ chức các bài viết chuyên đề có chiều sâu viết về công tác xây dựng Đảng trên các phương diện: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong đó, Báo Nam Định kịp thời phản ánh những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng; nêu những biện  pháp có hiệu quả trong việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; phát hiện, phản ánh những tấm gương tiêu biểu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp có bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Qua công tác tuyên truyền, Báo Nam Định đã góp phần tạo được niềm tin, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và nhân dân; cổ vũ động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thi đua thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.

Trong quá trình chỉ đạo thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền về xây dựng Đảng, Báo Nam Định đã rút ra được một số kinh nghiệm:

1. Ban Biên tập trực tiếp chỉ đạo mở chuyên mục tuyên truyền về xây dựng Đảng trong các số báo; trong đó có một số chuyên mục duy trì nhiều năm như: “Đưa Nghị quyết đại hội Đảng vào cuộc sống”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Tác phẩm dự thi Giải báo chí Búa liềm vàng…”… Đối với các bài viết dài kỳ, Ban Biên tập trực tiếp làm việc với phóng viên; chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn từ lập đề cương, cách khai thác tư liệu, cách thể hiện tác phẩm, góp ý cụ thể từng kỳ, sửa chữa biên tập để hoàn thiện tác phẩm.

Báo Nam Định đã thành lập Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính và Phòng Báo Nam Định Điện tử. Đây là hai đơn vị chủ công trong tuyên truyền về xây dựng Đảng và làm nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Ban Biên tập trong phát hiện đề tài, phân công thể hiện tác phẩm.

2. Xây dựng tác phẩm báo chí mang tính chuyên sâu: Ngoài việc phóng viên phát hiện các điển hình tiêu biểu trên các phương diện: Chính trị, tư tưởng, tổ chức trong công tác xây dựng Đảng, qua quá trình đi thực tế ở cơ sở, Ban Biên tập còn gợi ý các đề tài chuyên sâu, có tính tổng kết để phóng viên thể hiện. Đối với Báo Nam Định Điện tử, việc chọn đề tài, cách tiếp cận thông tin, thể hiện tác phẩm được Ban Biên tập bàn bạc, lựa chọn kỹ; từ vấn đề cần phản ánh, nội dung cần đề cập và hình thức thể hiện theo hướng đa phương tiện, gồm bài viết và chùm ảnh hoặc thể hiện phóng sự truyền trên internet… đã tạo sự phong phú, đa dạng, hấp dẫn hơn, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của bạn đọc. Đây là hướng sáng tạo tác phẩm mới, đủ sức cạnh tranh thông tin trong xu thế làm báo hiện nay.

3. Tập huấn, trang bị kiến thức xây dựng Đảng cho phóng viên: Báo Nam Định thường xuyên cử cán bộ, phóng viên tham gia các lớp tập huấn do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức để nâng cao nghiệp vụ tác nghiệp báo chí, kỹ năng khai thác tài liệu, xử lý thông tin. Ban Biên tập cũng giao Chi hội Nhà báo Báo Nam Định tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm phát hiện đề tài, cách thu thập thông tin, sáng tạo tác phẩm và nâng cao chất lượng tác phẩm viết về đề tài xây dựng Đảng.

Để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền về xây dựng Đảng, thời gian tới Ban Biên tập Báo Nam Định tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Nhận thức đúng về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tờ báo Đảng địa phương, đối tượng bạn đọc chính của báo, từ đó xác định nhiệm vụ tuyên truyền về xây dựng Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của tờ báo.

2. Bám sát nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh cũng như thực hiện cuộc sống để có kế hoạch tuyên truyền sát với yêu cầu của từng thời điểm.

3. Xây dựng các trang chuyên, chuyên mục phù hợp với đối tượng bạn đọc. Coi trọng thông tin đa chiều, bảo đảm chính xác, tính định hướng dư luận xã hội.

4. Xây dựng đội ngũ làm báo Đảng bảo đảm giỏi về nghiệp vụ, vững về chính trị tư tưởng, đẹp về nhân cách, lối sống, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao./.

Trần Đức Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com