Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

07:04, 06/04/2020

Ngày 24-3-2020, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Nội dung Chỉ thị như sau:

Những năm gần đây, tình hình thiên tai ở nước ta diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan, bất thường. Các vùng, miền trong cả nước đã phải hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai (trừ sóng thần), gây tổn thất nặng nề về người và tài sản (khoảng 1-1,5% GDP/năm), ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống, sản xuất của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương lãnh đạo và tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt phòng ngừa, ứng phó; khắc phục hậu quả thiên tai, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từng bước được hoàn thiện; tổ chức bộ máy bước đầu được kiện toàn; chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai được cải thiện; vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân và các tầng lớp nhân dân ngày càng được phát huy, góp phần giảm thiểu thiệt hại, từng bước xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai còn nhiều hạn chế, yếu kém. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn chưa kịp thời, toàn diện, thiếu tầm nhìn chiến lược, trách nhiệm chưa rõ ràng. Hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đầy đủ, còn bất cập; nguồn lực đầu tư còn thấp so với yêu cầu. Công tác dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát, cơ sở dữ liệu, trang thiết bị và công cụ hỗ trợ, khả năng chống chịu của công trình phòng, chống thiên tai còn nhiều bất cập. Sự chủ động thích ứng của người dân còn hạn chế; ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức của người dân, năng lực cộng đồng chưa được chú trọng đúng mức.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Sự lãnh đạo, chỉ đạo có lúc, có nơi chưa kịp thời, kiên quyết; một số nơi cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền chưa nhận thức được tầm quan trọng, tính phức tạp, khẩn cấp của thiên tai, có lúc còn chủ quan, lơ là. Hiệu lực quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế. Thiếu nguồn lực để thực thi các chương trình, dự án, đề án; nhiều quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa quan tâm đến yêu cầu phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Công tác quản lý, phương thức tiếp cận, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai còn hạn chế; vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân và cộng đồng dân cư chưa được phát huy đầy đủ.

Trước xu thế biến đổi khí hậu, nước biển dâng diễn ra nhanh và phức tạp, thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường, cực đoan, gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng, đặt ra yêu cầu công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới phải có sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm giảm nhẹ thiệt hại, phát triển bền vững đất nước. Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Tăng cưòng sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

- Các cấp uỷ, tổ chức đảng cần xác định công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Quán triệt sâu sắc quan điểm chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp, tôn trọng quy luật tự nhiên, thay đổi tư duy phát triển, bảo đảm phát triển bền vững.

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) gắn với xây dựng cộng đồng an toàn.

- Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tạo sự thống nhất trong các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và toàn xã hội cả về nhận thức và hành động trước tình hình và tác động tiêu cực ngày càng phức tạp của thiên tai. Nâng cao kiến thức, năng lực cho lãnh đạo, cán bộ, đảng viên các cấp, nhất là ở cơ sở có trách nhiệm thông tin, hướng dẫn kỹ năng nhận biết và cách thức ứng phó thiên tai cho cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương.

2. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

- Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan theo hướng khắc phục các chồng chéo, xung đột, bổ sung các quy định mới bảo đảm sự thống nhất, phù hợp, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Hoàn thiện cơ chế, thể chế để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, chỉ huy, điều hành phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; có chính sách đặc thù cho lực lượng làm công tác này. Hoàn thiện cơ chế vận hành Quỹ phòng, chống thiên tai quốc gia, bảo hiểm rủi ro thiên tai, dịch vụ dự báo, theo dõi, giám sát, đánh giá tác động rủi ro thiên tai.

- Phải đặt yêu cầu phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ở vị trí quan trọng trong quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Điều chỉnh, lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của các ngành, địa phương theo hướng kết hợp đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm của từng vùng, miền, nhất là vùng ven biển, các lưu vực sông liên tỉnh, xuyên biên giới, khu vực đông dân cư và xu hướng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

3. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy

- Chú trọng ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu cơ bản về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thuỷ văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng chuẩn hoá và hiện đại. Tăng cường rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước, nhất là đối với các sông xuyên biên giới.

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai, điều kiện từng vùng, miền.

4. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

- Đa dạng hoá việc huy động nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực theo phân cấp, đúng thẩm quyền. Bố trí nguồn chi ngân sách thích đáng, kết hợp xã hội hoá các nguồn lực hợp pháp trong và ngoài nước để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai như bão mạnh, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn. Phát huy vai trò, trách nhiệm của bộ máy quản lý chuyên ngành trong việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực. Kết hợp sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước và ODA để thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình tổng thể, dự án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Hàng năm, ưu tiên bố trí ngân sách tập trung xử lý dứt điểm các trọng điểm đê điều, nhất là các tuyến đê xung yếu từ cấp III đến cấp đặc biệt, sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực trọng yếu. Khẩn cấp di dời dân cư vùng thiên tai gắn với sinh kế bền vững. Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ quan tham mưu phục vụ chỉ đạo điều hành ứng phó với thiên tai các cấp, nhất là cơ quan chỉ đạo điều hành ở cấp quốc gia, cấp vùng theo hướng hiện đại ngang tầm với các nước trong khu vực. Ưu tiên bố trí nguồn lực phục vụ cho công tác điều tra cơ bản và triển khai các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước về ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, từng bước đầu tư xây dựng, nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của hệ thống kết cấu hạ tầng.

Đối với khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, bảo đảm an toàn nơi ở cho đồng bào, tăng cường quản lý, kiểm soát, không để người dân làm nhà lấn chiếm lòng sông, suối, khu vực rủi ro thiên tai, giảm nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

Đối với vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, bảo đảm an toàn đê điều, hồ chứa.

Đối với vùng duyên hải miền Bắc, miền Trung, nâng cao năng lực ứng phó với lũ lớn, bão mạnh và siêu bão, sạt lở bờ biển.

Đối với vùng Tây Nguyên, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Đối với vùng Nam Bộ, chủ động ứng phó, thích ứng với lũ lớn, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất.

5. Nâng cao vai trò, năng lực quản lý Nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ Trung ương đến cơ sở

- Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về công tác này theo hướng tập trung, thống nhất, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, khắc phục tình trạng phân tán, chồng chéo. Nâng tầm hoạt động của cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên trách, trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiện có, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có năng lực, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng cứu hộ, cứu nạn ở Trung ương và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở.

- Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng hiện có đang hoạt động tại các cấp để củng cố, kiện toàn, bổ sung nguồn lực, trang thiết bị thiết yếu. Từng bước nâng cao năng lực, kỹ năng và các điều kiện bảo đảm để thực thi kịp thời, xử lý linh hoạt các tình huống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp với các lĩnh vực của bộ, ngành, vùng, miền và từng địa phương.

- Phân công trách nhiệm rõ ràng và xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chuyên trách, quân đội, công an, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng để phối hợp xây dựng các kế hoạch, phương án, kịch bản phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm tính khả thi, thiết thực, sát thực tiễn.

- Các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bảo đảm nguồn lực và các điều kiện hoạt động cho cơ quan và lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cùng cấp, đặc biệt là lực lượng xung kích ở cơ sở.

6. Phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

- Xác định phát triển khoa học công nghệ là nhiệm vụ, giải pháp then chốt và hiệu quả trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Ưu tiên cho nghiên cứu, sản xuất, trang bị công nghệ quan trắc, theo dõi, giám sát, chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai. Tập trung ứng dụng công nghệ viễn thám, tin học, tự động hoá, vật liệu mới trong quản lý, khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ chỉ đạo điều hành. Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu đầu tư cho khoa học công nghệ, hợp tác công - tư; có bộ phận nghiên cứu chuyên sâu, mô phỏng, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, nhất là với các nước thượng nguồn sông Hồng, sông Mê Công và các quốc gia trong khu vực. Phối hợp với các tổ chức quốc tế trong hoàn thiện khung khổ pháp lý và phát triển cơ sở dữ liệu về rủi ro thiên tai. Nâng cao hiệu quả về hỗ trợ quốc tế, thực thi có hiệu quả các cam kết quốc tế về phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai mà Việt Nam tham gia.

7. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và nhân dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân phát huy vai trò tập hợp lực lượng, đặc biệt là lực lượng xung kích tại cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục cập nhật kiến thức, kỹ năng, nâng cao nhận thức, năng lực, tính chủ động cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Xây dựng kế hoạch, phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong tổ chức của mình. Huy động và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ. Phối hợp với các cơ quan truyền thông giới thiệu, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, gương điển hình trong công tác này.

8. Tổ chức thực hiện

- Các cấp uỷ đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị tới cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị. Tổ chức kiểm tra, giám sát, khen thưởng, biểu dương đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên để xảy ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; bổ sung chi ngân sách cho lĩnh vực phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị; chỉ đạo hoàn thiện tổ chức bộ máy, thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triến nông thôn chỉ đạo việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền địa phương đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân đẩy mạnh công tác vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và giám sát việc thực hiện Chỉ thị.

- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền việc triển khai thực hiện Chỉ thị.

- Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hàng năm báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện Chỉ thị này.

Chỉ thị này phổ biến đến các chi bộ./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com