Chuyện về những đảng viên "Truyền cảm hứng"

08:02, 03/02/2020

Là những đảng viên có đạo, gương mẫu, sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực vận động giáo dân, bà con, phật tử đoàn kết, tham gia tích cực các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.

Ông Vũ Quang Tỉnh (người đứng) được UBND huyện Hải Hậu khen thưởng về thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ông Vũ Quang Tỉnh (người đứng) được UBND huyện Hải Hậu khen thưởng về thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

“Tốt đời, đẹp đạo”

Chân tình, cởi mở(!). Đó là ấn tượng của chúng tôi khi trò chuyện với ông Vũ Quang Tỉnh, đảng viên Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo huyện Hải Hậu về phong trào Người Công giáo Hải Hậu sống “tốt đời, đẹp đạo”. Năm 2016, ông Vũ Quang Tỉnh được UBND huyện Hải Hậu tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

 Ông Vũ Quang Tỉnh chia sẻ: “Là một công dân, vinh dự được đứng trong đội ngũ của Đảng, tôi luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Đoàn kết là sức mạnh”; “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Thực tế đã chứng minh, mọi thành quả cách mạng trong các cuộc kháng chiến cứu nước và trong sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo luôn gắn liền với khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương - giáo. Với nhận thức đó, là Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo huyện, tôi luôn nghiên cứu, vận dụng, nâng cao tinh thần trách nhiệm cá nhân trong tổ chức thực hiện; cùng với Ban Đoàn kết Công giáo huyện xây dựng chương trình hành động cụ thể, sát với tình hình và điều kiện cụ thể của địa phương về làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và chương trình xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển trên địa bàn”.

Huyện Hải Hậu hiện có 13 vạn người theo đạo Công giáo. Theo tâm sự của ông Vũ Quang Tỉnh: Để triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt hiệu quả và có sức lan toả, tác động tích cực sâu rộng vào đời sống đồng bào Công giáo, trên cương vị công tác của mình, ông cùng với Ban Đoàn kết Công giáo huyện phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc các cấp thường xuyên tuyên truyền triển khai, thực hiện chương trình hành động gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh các giáo xứ, giáo họ, các chức sắc, chức việc và bà con giáo dân, động viên mọi ngư­ời đoàn kết, kết hợp hài hoà việc đạo với việc đời, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu n­­ước ở địa phương.

Với đường hướng “Kính Chúa - Yêu nước”, sống “tốt đời, đẹp đạo”, người Công giáo Hải Hậu đã tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước mà Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc phát động. Đặc biệt là các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển”, “Giúp nhau phát triển sản xuất, giảm nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Từ thiện nhân đạo”, cụ thể hoá các phong trào bằng các cuộc vận động “Xây dựng xứ, họ tiên tiến - Gia đình Công giáo gương mẫu”, “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng” do Uỷ ban Đoàn kết Công giáo tỉnh phát động. Đến nay, toàn huyện có trên 27 nghìn hộ gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình Công giáo gương mẫu”; 107 lượt giáo xứ, giáo họ đạt tiêu chuẩn “Xứ, họ tiên tiến”; 128 khu dân cư có đông đồng bào Công giáo được công nhận “Làng văn hóa”; 129/143 xứ, họ không có người nghiện ma tuý. Tình đoàn kết lương - giáo, thương yêu, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong từng thôn xóm, từng xứ, họ ngày càng củng cố và phát triển. Bên cạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, bà con Công giáo còn tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hiện nay toàn huyện có trên 1.200 đảng viên là người Công giáo; 17 ông trùm tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, 208 con em người Công giáo tham gia HĐND các cấp.

Về Hải Hậu hôm nay, đến thăm các vùng quê xứ đạo, từ các xã miền biển Hải Đông qua Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều… đến các xã nội đồng Hải Phương, Hải Sơn, Hải Long, Hải Xuân là những miền quê có đông đồng bào Công giáo, chúng tôi ấn tượng trước sự khởi sắc của những “miền quê đáng sống”. Đường đi lối lại trong các xứ, họ, khu dân cư được mở rộng, đổ nhựa, đổ bê tông, trồng hoa, cây bóng mát ven các trục đường và có hệ thống điện thắp sáng, tạo cảnh quan “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Các công trình tôn giáo hầu hết đều được tôn tạo, nâng cấp, sửa sang khang trang sạch đẹp.

Khi chia tay chúng tôi, ông Vũ Quang Tỉnh, đảng viên Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Trưởng Ban Đoàn kết công giáo Hải Hậu bày tỏ tâm nguyện: “Việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trên mọi cương vị công tác của mình; cùng với Ban Đoàn kết Công giáo huyện vận động đồng bào Công giáo các xứ, họ thực hiện cuộc vận động xây dựng “Xứ họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”. Đẩy mạnh các phong trào khuyến học, khuyến tài, nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa và phong trào đoàn kết xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển, theo tinh thần “Kính chúa - Yêu nước”, “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, xây dựng quê hương Hải Hậu giàu mạnh, văn minh.

“Phật pháp bất ly thế gian pháp”

Thầy Thích Thanh Toàn, Chùa Vạn Điểm (tên thật là Trần Văn Hùng) là đảng viên sinh hoạt tại chi bộ 7, đảng bộ thị trấn Lâm (Ý Yên). Với tác phong khiêm nhường của một tu sĩ, thầy Thích Thanh Toàn chia sẻ: Nam Định là quê hương của các v­ương triều Trần, trong đó có Phật hoàng Trần Nhân Tông - một vị vua anh minh xuất chúng, một thiền s­ư lỗi lạc - Người đã sáng lập ra thiền phái Trúc lâm Yên Tử với t­­ư t­­ưởng “Hoà quang đồng trần”, một thiền phái mang đặc thù bản sắc dân tộc của Phật giáo Việt Nam, gắn liền đạo pháp với dân tộc. Là một công dân, đảng viên và là một tu sĩ đang trên bước đường tu nhân học Phật, tự hào và tiếp nối truyền thống của quê h­­ương, tôi luôn ý thức về tinh thần nhập thế của đạo Phật mà các bậc tiền bối, tổ sư đã dày công vun đắp bằng chính công sức và máu xư­ơng của mình. Đó là hình ảnh các bậc cao tăng, theo tiếng gọi thiêng liêng của Bác Hồ, của Tổ quốc, cởi áo cà sa khoác chiến bào với lời thề nguyện: “Nghe theo tiếng gọi của non sông. Cà sa gửi lại chốn trai phòng. Xông ra biên ải trừ hung bạo. Thực hiện từ bi phải lực hùng”. Năm 1947, thực hiện “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch, tại Chùa Cổ lễ (Trực Ninh), 27 tăng, ni đã làm lễ phát nguyện “Cởi áo cà sa ra trận”. Trong những trận giao chiến với quân Pháp, bảo vệ thành phố Nam Định, cố thủ cao điểm Non Nước (Ninh Bình), đơn vị “Nghĩa sĩ phật tử” chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc và 12 vị đã anh dũng hy sinh. Đó là tấm gương “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của các liệt sĩ pháp danh: Thanh Tịnh, Đức Hiền, Thiện Nhân, Chân Tâm, Quang Đại, Huyền Cơ, Trí Trung…; là sự tiếp nối cao đẹp chữ “Tâm” của Phật giáo Việt Nam được khởi nguồn từ Phật hoàng Trần Nhân Tông: “Tâm cứu độ chúng sinh, tâm giải phóng dân tộc, tâm hoà nhập cộng đồng”. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Giáo hội Phật giáo và cộng đồng Phật tử luôn ủng hộ đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và có những hoạt động cụ thể đóng góp cho cách mạng. Nhiều chùa chiền là cơ sở che giấu những nhà cách mạng. Đông đảo phật tử, kể cả tại gia, tham gia tích cực sự nghiệp kháng chiến giành độc lập, thống nhất nước nhà đi đến thắng lợi cuối cùng.

Thầy Thích Thanh Toàn nêu quan điểm: “Với phư­ơng châm “vì lợi ích cho chúng sinh, vì an lạc và hạnh phúc cho mọi người”; là một đảng viên, làm theo lời dạy của Đức Phật và tư­­ t­ưởng đạo đức Hồ Chí Minh, tôi luôn cố gắng là công dân mẫu mực, không ngừng tu dưỡng đạo đức và trí tuệ, nêu cao tinh thần hoà hợp của Phật giáo, giữ gìn khối đoàn kết toàn dân, đem đạo vào đời vận động tín đồ Phật tử xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, xây dựng chùa tinh tiến”.

Thầy Thích Thanh Toàn cho biết: Ở nước ta hiện nay, các tổ chức tôn giáo đều được bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lợi dụng chính sách “Tự do tín ng­ưỡng”, “Tự do tôn giáo”, một số kẻ xấu đã có những hoạt động vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích của dân tộc và của nhân dân như­: Lợi dụng tín ngư­­ỡng tôn giáo để hoạt động chống đối, kích động tín đồ gây mất an ninh trật tự, tiếp tay cho các thế lực thù địch, chia rẽ tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Vì lẽ đó, phát huy truyền thống “hộ quốc an dân” trong thời kỳ mới, ngoài việc vận động tín đồ và nhân dân chống lại các tệ nạn xã hội, các loại hình tín ng­­ưỡng không hợp pháp, các tăng, ni trong Giáo hội Phật giáo tỉnh đã tạo điều kiện để tín đồ phật tử học hỏi giáo lý, giúp họ tự ý thức đ­­ược đâu là mê tín, đâu là tín ng­ưỡng để đi đến tự tín và chính tín./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com