Chuyển động từ một Nghị quyết

08:02, 03/02/2020

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cán bộ phường Thống Nhất (thành phố Nam Định) hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính.
Cán bộ phường Thống Nhất (thành phố Nam Định) hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính.

Ngay sau khi Nghị quyết Trung ương 4 được ban hành, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức quán triệt, học tập và nhanh chóng xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết phù hợp với tình hình thực tiễn của chi bộ, đảng bộ cơ sở và nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, các cấp ủy đảng đã nghiêm túc tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nhận diện rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đơn vị. Trong đó, nhận rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo những tập thể, cá nhân liên quan nghiêm túc báo cáo, giải trình rõ những nội dung được gợi ý kiểm điểm; đồng thời đề ra các biện pháp để xử lý, giáo dục cán bộ, đảng viên vi phạm; xây dựng kế hoạch cam kết khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm; chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm đã được cấp có thẩm quyền kết luận hoặc chỉ ra khi kiểm điểm tự phê bình và phê bình; kiên quyết đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng theo đúng tinh thần Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Từ năm 2016 đến tháng 6-2019, toàn tỉnh đã phát hiện và có biện pháp giáo dục, giúp đỡ đối với 25 đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, không thực hiện nhiệm vụ đảng viên; 41 đảng viên thiếu gương mẫu, uy tín trong nhân dân thấp; phát hiện 1.591 đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; trong đó có 1.219 trường hợp đã được chi bộ chỉ đạo, uốn nắn và xây dựng kế hoạch khắc phục; đưa 554 đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Cùng với kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nhiều cấp ủy, người đứng đầu địa phương, đơn vị thể hiện vai trò nêu gương, quyết tâm chính trị cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới phương pháp, cách làm, có sự chủ động, sáng tạo, đề ra giải pháp trọng tâm, đột phá để tổ chức thực hiện; nhiều nơi có những mô hình hay, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp với hai tiêu chí: Đối với tập thể: “Giữ vững kỷ cương, tập trung dân chủ; nâng cao nghiệp vụ, đổi mới chuyên sâu; chỉ đạo sát sao, tham mưu đúng trúng; chung sức đồng lòng, xây dựng cơ quan”; đối với cá nhân “Biết rộng, hiểu sâu, vận dụng sáng tạo; rèn luyện viết nói, nền nếp, tác phong; tư tưởng vững vàng, phát ngôn đúng trúng; nêu gương đạo đức, tận tụy việc công”. Công an tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện chuyên đề công tác trọng tâm trong toàn ngành về “Tăng cường trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu đơn vị; siết chặt kỷ cương, kỷ luật; xây dựng lực lượng Công an Nam Định bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”. Ngành Y tế thực hiện 12 điều y đức của Bác Hồ, xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”. Ngành Thuế xây dựng chuẩn mực đạo đức “Công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới”. Huyện Hải Hậu sáng tạo đề ra các tiêu chí xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển như “Đường có điện có hoa, nhà có tên, sông không rác, cán bộ chuyên cần, nhân dân đồng thuận”… Hay đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan Nhà nước luôn có tinh thần cầu thị, thái độ ân cần, tạo sự gần gũi, an tâm, tin tưởng của người dân đến phản ánh, kiến nghị; đồng thời chỉ đạo, phối hợp xử lý các vụ việc đúng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực thi nhiệm vụ, công vụ đã tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. Nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công, không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh. Qua đó đã tạo lòng tin của nhân dân và doanh nghiệp với Nhà nước.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, HĐND, UBND các cấp thể chế hóa các nội dung nghị quyết của cấp ủy, của cấp trên vào trong các nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát của HĐND các cấp đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan về quản lý ngân sách Nhà nước, các dự án đầu tư, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên. Tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tích cực thực hiện cải cách hành chính, thu hút đầu tư. Chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các dự án, công trình trọng điểm. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thực hiện tốt các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt là giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; thông qua đó phát huy vai trò, trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở các địa phương, đơn vị; chăm lo củng cố tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp đoàn viên, hội viên, tập trung hướng về cơ sở; vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng; tham gia góp ý, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên…

Với nhiều giải pháp quyết liệt trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh; đồng thời tạo nền tảng quan trọng để tỉnh ta hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, kinh tế của tỉnh tiếp tục ổn định và có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm ở mức khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên; cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng được quan tâm xây dựng. Năm 2019, tỉnh ta được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, sớm hơn một năm rưỡi so với mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trở thành điểm sáng, được Trung ương đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu toàn quốc về chất lượng; quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com