Văn học song hành cùng lịch sử

08:01, 31/01/2020

Tính ĐẢNG là mệnh đề triết học có trào lưu tư tưởng khoa học của chủ nghĩa nhân văn vừa rộng lớn, vừa cao đẹp - khoảng rộng là bao la, độ cao là vời vợi, độ sáng là mênh mông.

Cảm hứng về tính Đảng đã mở ra hướng thẩm mỹ cho văn học là làm lành những vết thương tinh thần, là hoán cải xấu thành tốt, vị kỷ thành vị nhân, gian dối lọc lừa thành hồn nhiên chân thực. Văn học từ xưa đến nay là không gian tinh thần rộng lớn hợp lưu với trời cao đất rộng bên ngoài và tâm trí bên trong để làm nên những tác phẩm văn học bất hủ. Văn học là tinh hoa của tam tài phát tiết ra ở những kẻ sĩ minh tâm kiến tính. Văn học là khí thiêng của hình thế núi sông:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên/ Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền (Bác Hồ - 1948) và: Không có gì quý hơn độc lập tự do (Bác Hồ - 1967).

Trước đó: Nam quốc sơn hà nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư (Lý Thường Kiệt - Thế kỷ XI).

Và đây nữa:  Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy trí nhân để thay cường bạo (Nguyễn Trãi - Thế kỷ XV).

Đó còn là: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà (Nguyễn Đình Chiểu - Thế kỷ thứ XIX). Những tác phẩm văn học như thế là đài ngọc trong rừng, là châm vàng dưới đất, là ngọc trai biển cả, là quốc hồn của Việt Nam. Những cây đại bút viết lên những tác phẩm văn học đó chính là bảo vật quý hiếm của quốc gia.

Từ hơn trăm năm trước, tinh hoa trí tuệ Việt Nam đã tỏa sáng ở bán đảo Biển Đông địa cầu. Ở đó, tư tưởng Hồ Chí Minh là một cá tính triết học hiện đại, một độc đáo của tư duy mang bề dày của lịch sử nghìn năm phong kiến, mang bề rộng của không gian toàn cầu, mang tầm cao tri thức của nhân loại đã hấp dẫn cuốn hút nhiều triết gia danh tiếng, nhiều lãnh tụ các quốc gia giàu mạnh. Hồ Chí Minh - tính Đảng là tinh hoa của  CHÂN - THIỆN - MỸ. Kết tinh trong các tác phẩm văn học của Người và của các cây bút lớn quốc gia đậm sắc thái nghệ thuật phương Đông. Tâm trí Hồ Chí Minh và những cây bút lớn ở không gian nào, thời gian nào cũng uyển chuyển như nước mà uốn nắn những sai lệch; sạch trong như nước mà tẩy rửa những nhớp nhơ. Nếu không có dân thì làm quan với ai? Nhiều người làm quan nhưng không nghĩ đến dân, không hiểu dân. Bác hiểu rất rõ, rất sâu, dân là người mở đất, giữ đất. Dân lầm lũi như đất nhưng cũng quật cường như đất: Má thét lớn: Tụi bay đồ chó/ Cướp nước tao, cắt cổ dân tao/ Tao già không sức cầm dao/ Giết bay có các con tao trăm vùng/ Con tao gan dạ anh hùng/ Như rừng đước mặn như rừng tràm thơm (Bà má Hậu Giang - Tố Hữu). Dân khô cằn như đất nhưng cũng phì nhiêu như đất, dân chai sần như đất nhưng cũng mỡ màu như đất. Dân làm cho tấc đất trở thành tấc vàng, nhiều tấc vàng. Nhờ dân, do dân là như thế đó: Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa (Ca dao).

Tư tưởng Hồ Chí Minh, TÍNH ĐẢNG là tinh hoa của CHÂN - THIỆN - MỸ kết tinh trong văn học. Chân là nguyên bản hiện thực của tự nhiên. Thiện là bản tính đích thực của con người. Mỹ là hàm chứa cả chân và thiện. Nội hàm của mỹ rộng lớn vô cùng. Thơ văn của Bác và của những cây đại bút bao giờ cũng mênh mông rộng, vời vợi cao, thăm thẳm sâu giá trị chân, thiện, mỹ. Văn học luôn đồng hành cùng lịch sử, cùng thời gian. Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí trong Bộ Chính trị thường xuyên đọc các tác phẩm văn học của Bác và của những cây đại bút, luôn luôn học và làm theo lời dạy của Bác để soi sáng vào tư duy và hành động của mình để đất nước Việt Nam ta có được niềm tin yêu và nể trọng của nhiều quốc gia trên thế giới, để dân trong nước được bình an, thịnh vượng.

Điều người ta lo ngại là không nhìn thấy phía sau. Nhiều cán bộ kể cả thấp và cao chỉ mải mê nhìn phía trước nhưng lại nhìn sai lệch do ham muốn quyền lực, của cải vật chất để thỏa mãn khát vọng làm cho mắt mờ, tai điếc. Đọc những tác phẩm thơ văn của Bác và của những cây bút lớn khiến ta hứng khởi, khiến ta biết quan sát lắng nghe, khiến ta biết chung sức chung lòng vừa nhìn rõ phía trước, vừa nhìn đúng phía sau. Nhận thức là một quá trình vô cùng tận, không có chân lý cuối cùng. Văn học từ xưa tới nay vẫn bền bỉ giải quyết hai mâu thuẫn lớn đó là: sự tranh giành của con người với tự nhiên. Con người chỉ muốn lợi dụng tự nhiên theo kiểu kém hiểu biết vì thế lợi thì ít mà hại thì nhiều, lợi cho cá thể mà hại cho cộng đồng. Đó là sự tranh giành giữa con người với con người theo kiểu nước lớn bắt nạt nước nhỏ, người khỏe bắt nạt người yếu. Cái trì trệ đói nghèo của nghìn năm phong kiến là do dân trí thấp, cái sa cơ lỡ vận của trăm năm Pháp thuộc cũng là do dân trí chưa cao. Năm 1930 Đảng Cộng sản do Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã dần dần từng bước khai trí cho Đảng, cho dân. Chúng ta hiểu Pháp để thắng Pháp - hai lần thắng Pháp. Chúng ta học Mỹ, hiểu Mỹ để thắng Mỹ và bây giờ là bạn tốt của nhau. Không minh tân thì con chữ nó ngu ngơ, không kiến tính thì con chữ nó lầm lạc. Chúng ta đã nghe và vẫn đang được nghe Bác kính yêu đánh thức tiềm năng của nhân dân, của đất nước trong bài NGUYÊN TIÊU (1948), TINH THẦN YÊU NƯỚC CỦA DÂN TA (1960) và lời tuyên ngôn bất hủ KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO (1967). Ngắm bức tranh NGUYÊN TIÊU bằng thơ của Bác. Qua ngôn ngữ mà ngắm hình trang Nguyệt chính viên, Nguyệt mãn thuyền. Qua ngôn ngữ thơ mà ngắm xuân trên sông (Xuân giang) Xuân ở không gian do hơi nước ngưng đọng (xuân thủy) nối với xuân trời (tiếp xuân thiên). Chỉ một dòng thơ 7 âm tiết mà chúng ta được ngắm 3 bức tranh xuân cùng trong một thời khắc. Qua trí tưởng tượng ta còn được nhìn ngắm những nhà lãnh đạo đang ngồi trên thuyền cùng với Bác ở một khúc sông mờ ảo trong làn khói song bàn việc nước việc quân. Thơ Nguyên Tiêu của Bác tái hiện đêm rằm tháng giêng 1948. Bàn xong công việc lớn của quốc gia khi thuyền về Bác đã tự chuốc thơ cho mình cho những người cùng ngồi trên thuyền với Bác. Bài thơ Nguyên Tiêu đêm ấy được lan truyền trong lòng người đọc không chỉ trong nước mà còn lan truyền khắp năm châu bốn biển. Hình ảnh đẹp nhất của bức tranh Nguyên Tiêu là Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền. Đồng chí Xuân Thủy đã dịch câu này tài hoa nhất; trong đó không chỉ dịch được ý nghĩa cao đẹp của câu thơ mà ông còn dịch được cả tâm trí của Bác đang rung ngân trong đêm Nguyên tiêu lịch sử này. Đây là một sáng tạo nghệ thuật kỳ tài của Bác. Gió đêm từ lòng sông thức dậy, ánh trăng đêm rằm tháng Giêng từ trời cao chảy xuống đầy thuyền. Nguyên tiêu đã lưu giữ được sự hòa đồng minh triết giữa trời đất với con người. Nguyên tiêu đã đi vào lịch sử đồng hành cùng lịch sử.

Văn học luôn song hành cùng thời gian, cùng lịch sử. Văn học là khí thiêng của hình thế núi sông. Văn học là tinh hoa của tam tài phát tiết ra ở những cây đại bút mà Bác Hồ kính yêu là minh chứng cao đẹp./.

Nhà giáo Ưu tú Hoàng Trung Hiếu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com