Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

08:05, 28/05/2019

Trường Chính trị Trường Chinh có chức năng, nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, hành chính; nghiệp vụ về công tác xây dựng Ðảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức quản lý Nhà nước cho đội ngũ cán bộ của tỉnh. Trong những năm qua, nhà trường đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Ban Giám đốc, Công đoàn Trường Chính trị Trường Chinh trao đổi kế hoạch giảng dạy theo kế hoạch của tỉnh.
Ban Giám đốc, Công đoàn Trường Chính trị Trường Chinh trao đổi kế hoạch giảng dạy theo kế hoạch của tỉnh.

Tiến sĩ Hoàng Ðình Trung, Giám đốc Trường Chính trị Trường Chinh cho biết: Nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn, năm 2016, Ðảng ủy nhà trường đã ban hành Nghị quyết số 06 về tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy. Theo đó, nhà trường đã tập trung chỉ đạo, đưa ra nhiều giải pháp hướng đến nâng cao chất lượng dạy và học, trước hết về xây dựng đội ngũ. Ðến nay, nhà trường có đội ngũ giảng viên tương đối đủ về số lượng, được đào tạo cơ bản. Trong số 39 giảng viên có 16 đồng chí là giảng viên chính, 3 đồng chí có trình độ tiến sĩ, 28 thạc sĩ. Giảng viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị hiện là 26 đồng chí. Nhà trường đang tiến tới đạt chuẩn trên 90% giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Các đồng chí được bổ nhiệm trưởng, phó khoa chuyên môn đều là những người có kinh nghiệm công tác lâu năm, có trình độ thạc sĩ trở lên và trình độ cao cấp lý luận chính trị. Quan tâm, nâng cao chất lượng đội ngũ, hàng năm nhà trường cử 5-6 giảng viên đi học thạc sĩ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ sở đào tạo khác; cử 3-5 đồng chí học cao cấp, trung cấp lý luận chính trị. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho giảng viên học tập nâng cao trình độ, công tác đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên cũng được nhà trường thực hiện thường xuyên, nghiêm túc thông qua các hoạt động hội giảng; qua lấy phiếu đánh giá của người học; qua kiểm tra thường xuyên và đột xuất tại các lớp đặt ở các huyện. Qua đó, rút kinh nghiệm đối với những giảng viên, những bài giảng còn hạn chế. Về chất lượng giảng dạy, phần lớn giảng viên đã bám sát nội dung chương trình theo quy định, gắn giữa lý luận với thực tiễn trong các bài giảng; chú trọng áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, sử dụng có hiệu quả các phương tiện giảng dạy hiện đại. Việc phân công bài giảng của các khoa được thực hiện bảo đảm mỗi bài giảng có ít nhất 2 giảng viên soạn giảng, nhiều bài giảng có 3 hoặc 4 giảng viên soạn giảng. 100% giáo án của giảng viên mới và giảng viên trẻ được Hội đồng Khoa học của nhà trường thông qua. Một số khoa và giảng viên đã chú ý xây dựng chi tiết nội dung hướng dẫn và kiểm tra việc tự học của học viên. Từ năm 2016, Ban Giám đốc đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các khoa chuyên môn biên soạn giáo án mẫu. Ðến năm 2017 đã có 8 giáo án mẫu của 2 khoa được biên soạn, thông qua và đưa vào giảng dạy. Hoạt động thao giảng, dự giờ cấp khoa được tổ chức hàng năm, phương thức được đổi mới bao gồm thao giảng trực tiếp trên lớp học và thao giảng giả định. Trên cơ sở thực tiễn của nhà trường, hoạt động thao giảng cấp trường được tổ chức 2 năm một lần. Trên cơ sở kết quả thao giảng và tham mưu của lãnh đạo các khoa, nhà trường lựa chọn giảng viên tham gia thao giảng cấp trường để lựa chọn giảng viên tham gia dự thi hội giảng giảng viên giỏi cấp Học viện. Cùng với hoạt động thao giảng cấp khoa, cấp trường, hoạt động dự giờ đối với giảng viên được tăng cường, từ đó chất lượng giờ dạy được nâng lên rõ rệt. Hoạt động thanh tra, kiểm tra lớp học được đổi mới bảo đảm tính nền nếp, khoa học và đạt hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng. Hàng năm, lịch kiểm tra lớp học được xây dựng ngay từ đầu năm và thực hiện nghiêm túc. Bình quân mỗi tháng đều có từ 1 đến 2 buổi kiểm tra đột xuất của Ban Giám đốc. Các hoạt động chuyên môn của các khoa, phòng như hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học, thông qua bài mới đối với giảng viên đều có sự tham gia của đại diện Ban Giám đốc, Hội đồng khoa học nhà trường. Hoạt động kiểm tra đột xuất được tăng cường. Từ đầu năm 2018 đến nay, nhà trường đã thực hiện 6 đợt kiểm tra đột xuất tại các huyện Xuân Trường, Hải Hậu, Trực Ninh, Thành phố Nam Ðịnh và trường Công đoàn. Thông qua các đợt kiểm tra, Ban Giám đốc nhà trường đã trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học viên và các đơn vị mở lớp về chất lượng đội ngũ, cơ chế phối hợp để có điều chỉnh kịp thời.

Cùng với hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế của giảng viên đã có những đổi mới góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Từ năm 2016 đến nay, nhà trường đã có tổng cộng 20 đề tài khoa học, tổ chức 33 hội thảo khoa học, đóng góp 55 sáng kiến kinh nghiệm vào quá trình nâng cao chất lượng giảng dạy. Hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Nội dung nghiên cứu thực tế được xác định trọng tâm, cụ thể gắn với bài giảng, do đó tình trạng dàn trải, thiếu thực tế ở giảng viên diễn ra nhiều năm từng bước được khắc phục. Những năm qua, giảng viên nhà trường được nghiên cứu thực tế tại các tỉnh miền Trung như Ðà Nẵng, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, các tỉnh miền núi phía Bắc như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lai Châu, các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng như Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ… Qua đó, chất lượng bài giảng từng bước nâng cao, bảo đảm gắn lý luận với thực tiễn.

Như vậy có thể thấy, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06 về tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy; phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt, quản lý và phục vụ tốt" chất lượng đào tạo, bồi dưỡng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường được nâng cao. Từ tháng 10 năm 2016 đến nay, nhà trường đã phối hợp tổ chức, quản lý, phục vụ 4 lớp Cao cấp Lý luận chính trị với 360 học viên. Ðào tạo chương trình Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính với 24 lớp với 1.684 học viên. Chương trình Trung cấp Pháp luật gồm 2 lớp với 120 học viên. Chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính gồm 24 lớp với 2.302 học viên. Bồi dưỡng đại biểu HÐND cấp huyện, xã 47 lớp cho 6.339 đại biểu. Quản lý, phục vụ 4 lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý cho 470 học viên. Thời gian tới, nhà trường bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, sự hướng dẫn về chuyên môn của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, phát huy tinh thần chủ động và nêu cao trách nhiệm quản lý chuyên môn của các khoa, phòng trong đổi mới nâng cao chất lượng giảng dạy và quản lý giảng dạy nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở./.

Bài và ảnh: Xuân Thu

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com