Đột phá trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị ở Mỹ Lộc

08:03, 18/03/2019

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Huyện ủy Mỹ Lộc đã lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 để làm khâu đột phá. Những kết quả trong tổ chức thực hiện, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Mỹ Lộc kiểm tra vệ sinh môi trường tại xã Mỹ Tiến. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Các đồng chí lãnh đạo huyện Mỹ Lộc kiểm tra vệ sinh môi trường tại xã Mỹ Tiến. Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Để tạo chuyển biến rõ nét trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định 3 nội dung đột phá để tập trung thực hiện gồm: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với xây dựng nông thôn mới và huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở nội dung đột phá của Ban Thường vụ Huyện ủy, các cấp, các ngành trong huyện đã nghiêm túc triển khai thực hiện. UBND và các cơ quan, đơn vị trong huyện đẩy mạnh rà soát, thực hiện các văn bản về chính sách, quy định của Nhà nước; có cơ chế, chính sách thông thoáng, thủ tục nhanh gọn và tạo điều kiện tốt nhất để thu hút các doanh nghiệp đầu tư thực hiện dự án sản xuất, thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện như: Cấp giấy phép kinh doanh, thủ tục về đất đai, hoạt động ngân hàng, cung cấp dịch vụ điện; xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả Cổng thông tin điện tử của huyện và nối mạng internet với cơ sở. Huyện chú trọng công tác xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch về sử dụng đất đai và giải phóng mặt bằng. Huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang thi công trên địa bàn huyện như đầu tư xây dựng, nâng cấp các trục đường giao thông tuyến huyện, xã, giao thông nông thôn và thủy lợi nội đồng; xây dựng, tu sửa trụ sở làm việc các cơ quan Nhà nước, di tích lịch sử - văn hoá, bệnh viện, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá thôn, xóm... Đến nay, trên địa bàn huyện đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và đang thi công các tuyến đường: từ Quốc lộ 21A vào Đền Trần Quang Khải đến xã Lộc Hòa; đường trục trung tâm huyện (từ cầu Giáng - cầu Lê); đường Thịnh - Thắng; đoạn đường 63 từ dốc Lốc đến dốc Sắc. Các xã, thị trấn cải tạo, nâng cấp đường trục xã 10,89km, đường trục thôn 21,64km, đường trục chính nội đồng 10,17km. Công trình cải tạo, nâng cấp nhà đoàn thể huyện và 18 trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non. Tiếp tục xây dựng, triển khai các dự án cụm công nghiệp xã Mỹ Thắng, khu dân cư tập trung xã Mỹ Thịnh, Khu đô thị Thị trấn Mỹ Lộc... Đặc biệt, thực hiện nội dung đột phá trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới đã thu hút sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả. Do xuất phát điểm thấp hơn so với các địa phương khác trong tỉnh nên khi triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc huy động nguồn lực để hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng giao thông, trường học… Song với quyết tâm hoàn thành mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới trong quý I-2019, các cấp, các ngành, đoàn thể trong huyện đã tập trung quyết liệt chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ hoàn thành và xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện để tiếp tục hoàn thành các tiêu chí còn lại, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đánh giá từng tiêu chí; hoàn thiện hồ sơ chứng minh các tiêu chí đạt; lập kế hoạch xây dựng các tiêu chí chưa đạt đối với các xã... Các đồng chí Thường trực Huyện ủy, ngoài việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới còn tranh thủ ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ đến dự sinh hoạt chi bộ ở địa bàn dân cư; xuống từng đường làng, ngõ xóm để đôn đốc công tác vệ sinh môi trường; gặp gỡ các gia đình vận động, tuyên truyền giải phóng mặt bằng… Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, khơi dậy sức mạnh của nhân dân trong việc chung tay cùng cấp ủy Đảng, chính quyền ở cơ sở xây dựng nông thôn mới. Trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình, điển hình trong xây dựng nông thôn mới như: Mô hình vận động nhân dân hiến đất làm đường bê tông, kênh mương nội đồng tại các xã Mỹ Thành, Mỹ Trung, Mỹ Thịnh, Mỹ Tiến, Mỹ Phúc; mô hình khuyến học, khuyến tài và tự quản về an ninh trật tự ở xã Mỹ Thuận, xã Mỹ Tân; mô hình “Tuyến đường tự quản” tại xã Mỹ Hưng; mô hình “5 không, 3 sạch” ở Thị trấn Mỹ Lộc; mô hình “dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn” ở xã Mỹ Hà. Các điển hình tiêu biểu như: Gia đình bà Trần Thị Mỳ, xóm Mỹ, xã Mỹ Thắng, ủng hộ cải tạo công trình nghĩa trang liệt sĩ xã 650 triệu đồng, công đức xây dựng chùa làng Mỹ 2,5 tỷ đồng, công đức xây dựng cổng Đình làng Sắc 1 tỷ đồng, ủng hộ đường vào Đền Trần Quang Khải 100 triệu đồng; vận động nhân dân trong xã tặng quà các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các cháu tật nguyền trong xã và ủng hộ người dân các tỉnh bị thiên tai 1,5 tấn gạo và nhiều hiện vật khác. Sư Thầy Thích Đàm Tâm, Chùa Sắc tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội góp phần xây dựng nông thôn mới; đồng chí Bí thư Chi bộ xóm 7 xã Mỹ Thành dân vận khéo trong “công tác giải phóng mặt bằng”... Từ năm 2016 đến nay, nhân dân trong huyện tự nguyện đóng góp 30,664 tỷ đồng; 10.540 ngày công lao động và hiến 61.804m2 đất làm đường giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng và xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2018, huyện Mỹ Lộc đã có 11/11 xã, thị trấn về đích nông thôn mới; 4 xã thực hiện xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, bền vững; huyện đã hoàn thành 9 tiêu chí huyện nông thôn mới, đang chờ các cơ quan chức năng thẩm định, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Việc lựa chọn những vấn đề trọng tâm, đột phá để tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn huyện. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của huyện đạt 11,6%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng: Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đạt 83%; tỷ trọng nông, lâm, thủy sản giảm còn 17%; thu nhập bình quân đầu đạt 44 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,86%./.

Trần Văn Trọng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com