Cần những chuẩn mực để lan tỏa điều tốt đẹp

05:01, 04/01/2019

Hội Nhà báo Việt Nam vừa công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, trên cơ sở các quy định của Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, với mục đích giúp nhà báo, hội viên kiểm soát phát ngôn, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội có hiệu quả, ý nghĩa, đúng quy định, đúng pháp luật.

Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam gồm ba chương và bảy điều, được áp dụng với tất cả người làm báo Việt Nam, bao gồm hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, người đã được cấp Thẻ nhà báo, người chưa được cấp Thẻ nhà báo đang làm việc tại các cơ quan báo chí, cộng tác viên các cơ quan báo chí và người hoạt động trong lĩnh vực báo chí nói chung.

Ngày nay, mạng xã hội đang phát triển ngày càng mạnh mẽ, phổ biến là Facebook, các diễn đàn tự do, với những thông tin đa chiều giúp độc giả có cái nhìn khách quan, toàn diện. Nhiều nhà báo coi mạng xã hội như một kênh tiếp nhận thông tin, đồng thời mở rộng khả năng tương tác với bạn đọc. Khi nhà báo tham gia mạng xã hội, họ không chỉ là một thành viên của cộng đồng mạng mà còn là người dẫn dắt, định hướng dư luận, nhất là các trang Facebook của những nhà báo có lượng tương tác lên tới hàng nghìn, hàng triệu độc giả theo dõi. Có thể nói, thời gian qua, một số người làm báo đã làm tốt chức năng định hướng dư luận xã hội bằng những quan điểm đúng đắn, mang tính tích cực. Ngược lại, một số nhà báo lại đưa ra quan điểm cá nhân và những thông tin chưa được kiểm chứng, gây ảnh hưởng không tốt tới dư luận xã hội theo chiều hướng tiêu cực, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí nói chung. Nhiều nhà báo, hội viên bị chi phối bởi áp lực tin bài, thời gian, đã bỏ qua khâu rất quan trọng là kiểm chứng độ xác thực của thông tin trên mạng xã hội. Điều này gây hệ lụy không nhỏ tới sự ổn định xã hội, làm suy giảm lòng tin đối với báo chí và đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Các nhà báo tác nghiệp tại đảo Tiên Nữ thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Các nhà báo tác nghiệp tại đảo Tiên Nữ thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Với bốn điều nên làm, Quy tắc khuyến khích người làm báo tham gia mạng xã hội một cách có trách nhiệm, hướng dẫn người làm báo tham gia mạng xã hội ứng xử một cách tôn trọng lẫn nhau, có trách nhiệm với xã hội hơn; khuyến khích người làm báo thông qua mạng xã hội giới thiệu, quảng bá những bài báo hay, tác phẩm có giá trị; thúc đẩy và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của con người nói chung và trong cộng đồng mạng nói riêng. Bên cạnh đó, với tám điều không nên làm, Quy tắc là sự nhắc nhở, răn đe người làm báo tham gia một cách có trách nhiệm trên mạng xã hội, ngăn chặn những hành vi vi phạm đạo đức, để mỗi người làm báo thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò của mình khi tham gia mạng xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng có thêm công cụ để quản lý phóng viên của mình khi tham gia mạng xã hội.

Ngoài việc quy định cụ thể những việc người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia mạng xã hội, những việc người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội, Quy tắc cũng quy định rõ ràng, chi tiết trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi triển khai thực hiện Quy tắc cũng như trách nhiệm của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp các cấp trong việc xem xét khen thưởng đối với những trường hợp thực hiện nghiêm các nội dung của Quy tắc, kỷ luật theo từng mức độ đối với người làm báo vi phạm các quy định của Quy tắc này. Việc ban hành Quy tắc là cơ sở quan trọng để Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp ở các cấp căn cứ để xử lý những hành vi vi phạm đạo đức của người làm báo khi tham gia mạng xã hội.

Như vậy, có thể khẳng định việc ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam là hiện thực hóa Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, đúng Luật Báo chí hiện hành nhằm bảo vệ người làm báo, bảo vệ sự chính trực, sự nghiêm cẩn của nghề báo và người làm báo, đồng thời tạo điều kiện để người làm báo thực hiện đúng các quy định và pháp luật. Nếu thực hiện tốt Quy tắc này, nhà báo sẽ giúp lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống đến dư luận, cộng đồng xã hội.

Quy tắc này có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Để Quy tắc được triển khai hiệu quả tốt, cụ thể trong thực tế, các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí khẩn trương tổ chức quán triệt các quy định của Quy tắc tới từng nhà báo - hội viên, người làm báo trong cả nước. Đồng thời, tích cực đăng tải, phát sóng tuyên truyền các nội dung của Quy tắc tới công chúng và bạn đọc một cách nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả./.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com