Đổi mới công tác học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng

08:12, 14/12/2018

Những năm qua, việc triển khai học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng luôn được các cấp ủy Đảng trong toàn tỉnh chỉ đạo sâu sát theo tinh thần đổi mới, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Các đại biểu tham gia thảo luận Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII).
Các đại biểu tham gia thảo luận Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII).

Ngay sau khi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị trên địa bàn tỉnh. Đồng thời ban hành hướng dẫn việc thực hiện nghị quyết trong toàn Đảng bộ; phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan tham mưu tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng đến đội ngũ cán bộ chủ chốt. Căn cứ vào tính chất, tầm quan trọng của từng nghị quyết, chỉ thị, Ban Tuyên giáo các cấp đã tham mưu giúp cấp ủy lựa chọn hình thức tổ chức học tập, thành phần và báo cáo viên truyền đạt đạt hiệu quả, chất lượng cao. Đối với các nghị quyết, chỉ thị, kết luận quan trọng, phức tạp, có tính chất nhạy cảm, tỉnh tổ chức học tập theo hình thức truyền thống: Báo cáo viên truyền đạt nghị quyết trực tiếp tại hội nghị. Để đảm bảo nội dung truyền đạt thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng 2 loại đề cương quán triệt nghị quyết: một đề cương dành cho cấp huyện và một đề cương cho cấp cơ sở. Thực hiện chủ trương của Trung ương và của tỉnh về việc phát huy vai trò của thường trực cấp ủy trực tiếp truyền đạt nội dung nghị quyết, chỉ thị, để giúp đỡ thường trực cấp ủy thuận lợi trong quá trình quán triệt, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã gửi đề cương chuyên đề, thường trực cấp ủy các xã, phường, thị trấn nghiên cứu trước, sau đó tổ chức tập huấn về phương pháp, kỹ năng truyền đạt nghị quyết cho bí thư, phó bí thư của 229/229 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Sau khi được trang bị đề cương và nội dung, phương pháp truyền đạt ở nhiều địa phương, đơn vị, các đồng chí bí thư, thường trực cấp ủy đã trực tiếp quán triệt nghị quyết. Việc tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận... theo hình thức truyền thống đáp ứng được yêu cầu của từng đối tượng khác nhau. Chẳng hạn với đội ngũ cán bộ chủ chốt, nội dung học tập thường đi sâu vào những nội dung cơ bản và mới, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của các quan điểm, định hướng, giải pháp thực hiện; từ đó, liên hệ thực tiễn và vận dụng sáng tạo vào công tác; tham gia đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Đối với đảng viên ở cơ sở, nội dung học tập cụ thể, ngắn gọn gắn với tình hình thực tiễn của từng lĩnh vực, của từng ngành giúp người học nắm vững các luận điểm cơ bản “cốt lõi” và vận dụng vào thực tế công tác. Đối với một số nghị quyết, chỉ thị, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu cho tỉnh tổ chức học tập theo hình thức truyền hình trực tiếp hoặc lồng ghép tại hội nghị Ban Chấp hành hoặc hội nghị sơ, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị có nội dung liên quan. Qua việc tổ chức học tập, cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện đã kịp thời nắm bắt được nội dung nghị quyết để triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Sau hội nghị triển khai học tập, quán triệt nghị quyết, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận đó. Chương trình, kế hoạch hành động được xây dựng, triển khai đúng quy trình, gửi xin ý kiến Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và được thảo luận công khai, dân chủ tại hội nghị. Công tác tuyên truyền thực hiện các nghị quyết, chỉ thị được quan tâm chú trọng và triển khai sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Hằng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị báo cáo viên, hội nghị giao ban báo chí để định hướng công tác tuyên truyền, nhấn mạnh những nội dung cần quan tâm. Theo đó, tại mỗi hội nghị, bên cạnh việc các đồng chí báo cáo viên của tỉnh cung cấp thông tin về tình hình thời sự, chính trị, các chuyên đề, văn bản mới… của Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy còn mời các đồng chí lãnh đạo các ngành chức năng đến để kịp thời cung cấp thông tin về tiến độ, tình hình, kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận… Do đó, đội ngũ báo cáo viên, các cơ quan liên quan và cơ quan thông tấn báo chí có được nguồn thông tin chính thống, kịp thời để tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng chỉ đạo đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội phải nắm bắt nhanh, kịp thời, chính xác tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về các vấn đề, hiện tượng, sự kiện có tính thời sự, được nhiều người quan tâm để phản ánh kịp thời, trung thực và đầy đủ những nét cơ bản nhất của đời sống xã hội, góp phần phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, công tác điều hành của chính quyền. Đồng thời, phân công cán bộ theo dõi việc triển khai học tập nghị quyết, chỉ thị; theo dõi việc tổ chức các hội nghị học tập; kịp thời tổng hợp báo cáo kết quả triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị ở các cấp, các ngành; tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức kiểm tra, giám sát, khảo sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị theo đúng hướng dẫn của Trung ương. Trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, cấp ủy các cấp đều xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức kiểm tra, giám sát, khảo sát việc thực hiện trên toàn tỉnh để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo Trung ương. 

Qua đánh giá cho thấy tỷ lệ đảng viên tham gia học tập nghị quyết, chỉ thị ở cấp tỉnh đạt 98%, cấp huyện đạt 90%-95%; cấp cơ sở đạt 80%-85%. Nhiều chỉ thị, nghị quyết sau khi ban hành đã nhanh chóng đi vào cuộc sống góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển; an ninh quốc phòng được giữ vững; chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực; là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com