Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn

08:08, 14/08/2018

Ngày 13-8, trong khuôn khổ phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội theo chương trình công tác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn tại phiên họp thứ 26. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến kiến nghị của cử tri và dư luận xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn đối với hai nhóm vấn đề.

Nhóm vấn đề thứ nhất là: Việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (GD và ĐT, y tế…), hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhóm vấn đề thứ hai là: Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế; tội phạm về chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy. Công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề; các bộ trưởng trả lời rõ các vấn đề đã được chất vấn, xác định trách nhiệm, nêu giải pháp, lộ trình khắc phục những điểm còn hạn chế. Trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan sẽ tham gia giải trình những vấn đề được quan tâm.

Ngay sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã đăng đàn trả lời các nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực ngành quản lý. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; các Bộ trưởng KH và ĐT; Tài chính; NN và PTNT; GTVT; GD và ĐT; Y tế; LĐ-TB và XH; VH, TT và DL cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn buổi sáng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến giải pháp để khắc phục sự chồng chéo trong chính sách dân tộc thiểu số thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu câu hỏi: Thời gian qua đã có nhiều văn bản pháp luật liên quan chính sách dân tộc thiểu số song theo Bộ trưởng là chưa hoàn thiện. Vậy Bộ trưởng cho biết sẽ tổ chức thế nào, giải pháp gì để thực hiện chính sách dân tộc thời gian tới?

Về nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết: Về tổng thể chính sách bao phủ hầu hết các mặt từ y tế, văn hóa giáo dục, hạ tầng, sinh kế... nhưng chưa đạt hiệu quả vì các nguyên nhân: Chính sách khung, chưa xác định rõ nguồn lực; có chính sách chưa cân đối hoặc cân đối thấp; chính sách kéo dài tương ứng nhiệm kỳ nên giữa hai nhiệm kỳ thì chính sách chưa được triển khai liên tục; đồng bào sinh sống ở nơi khó khăn về địa lý, khí hậu, thiếu đất... Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ dân cũng khiến dẫn đến sự dựa dẫm, thậm chí không muốn ra khỏi hộ nghèo. Tới đây, Ủy ban Dân tộc sẽ đề nghị Quốc hội, Chính phủ, địa phương ủng hộ nghiên cứu tích hợp chính sách thành Chương trình mục tiêu quốc gia 10 năm; hướng tới cơ chế tăng vay ưu đãi, giảm cho không - Bộ trưởng nêu.

Cùng sự quan tâm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu thực tế: Qua giám sát và khảo sát cho thấy các chương trình, dự án đầu tư cho khu vực dân tộc miền núi có nhiều nội dung chồng chéo, thiếu tập trung, nhiều đầu mối quản lý, dẫn đến phân tán nguồn lực, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Ví dụ, hỗ trợ sản xuất có 4 chính sách, nước sinh hoạt có 3 chính sách. Một số chính sách không phù hợp với đặc điểm vùng, khu vực, dân tộc. Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc, cũng như quan điểm, giải pháp cho vấn đề nêu trên?

Trả lời chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết, hiện theo quy định tại Nghị định 05/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc có 13 nhóm chính sách, phân công cho 14 bộ chủ trì. Chính sách về nguồn lực do Bộ KH và ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các địa phương triển khai. Chính sách phát triển bền vững do Bộ KH và ĐT, Bộ LĐ-TB và XH, Bộ NN và PTNT chủ trì. Chính sách về giáo dục, đào tạo do Bộ GD và ĐT, Bộ LĐ-TB và XH chủ trì. Chính sách bảo tồn, phát triển văn hóa, thể thao, du lịch do Bộ VH, TT và DL chủ trì...

Các chính sách hiện do nhiều bộ chủ trì triển khai nhưng chưa hiệu quả vì đồng bào sinh sống phân tán ở 51 tỉnh, thành phố, nên các bộ không có đủ nguồn lực, nhân lực để quản lý thực hiện toàn bộ những chính sách nêu trên.

Thừa nhận có chính sách mấy bộ đề xuất, nhưng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định đã đến kiểm tra và không thấy có nơi nào tồn tại hai công trình như nhau. Các xã có khoảng 15 chương trình, nên nếu chương trình này đầu tư vào thôn này, sẽ không đầu tư ở thôn khác. Việc lồng ghép các chương trình cũng diễn ra ở địa phương là chủ yếu.

Về các giải pháp, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho rằng cần có nghiên cứu tầm quốc gia để hỗ trợ 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống tốt hơn, bởi đây là vùng có vị trí chiến lược, nếu không nói là nhạy cảm về sinh thái, môi trường, an ninh, quốc phòng... Nếu tích hợp các chương trình thành một chương trình quốc gia và có ban điều hành, theo dõi, đôn đốc sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều.

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, ngay đầu giờ chiều đã có 32 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng về các vấn đề: Việc cấp hơn 500 biển số xe 80A, 80B cho doanh nghiệp, hiện nay Bộ đã thu hồi hết chưa; giải pháp ngăn chặn, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em; giải pháp ngăn chặn tội phạm cướp giật tại các thành phố lớn, tội phạm giết người; giải pháp để ngăn chặn tình trạng Vũ “nhôm” không xuất hiện trong thời gian tới; đấu tranh, xử lý các vụ gian lận thi cử; tội phạm tín dụng đen…

Về cấp biển số 80A cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã thu hồi gần như toàn bộ số biển số xe trên. Hiện còn khoảng 20 biển chưa thu hồi được vì đơn vị được cấp biển xe đã giải tán hay xe đó hết thời hạn lưu hành, Bộ đang tiếp tục truy tìm để thu hồi. Chúng tôi có tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc này. Hiện nay việc đăng ký sử dụng biển số đi vào nền nếp theo đúng quy định.

Bộ trưởng cho biết, tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em diễn biến rất phức tạp, 80% nạn nhân là các cháu gái, đối tượng phạm tội đa số là người quen, thân..., nguyên nhân chung là do công tác tuyên truyền hiệu quả chưa cao; nhiều gia đình thiếu quan tâm trong việc chăm sóc con cái; công tác giáo dục giới tính, kỹ năng phòng chống xâm hại của trẻ còn hạn chế; việc tố cáo, tiếp nhận tin báo xâm hại trẻ em còn chưa kịp thời, gặp nhiều khó khăn... Để ngăn chặn loại tội phạm này, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, Bộ sẽ tổ chức lực lượng chuyên trách, đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh phòng chống, điều tra để xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội.

Về giải pháp ngăn chặn tội phạm cướp, cướp giật, Bộ trưởng cho biết, loại tội phạm này thường xảy ra ở các thành phố lớn. Chỉ tính riêng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã chiếm khoảng 20% số vụ án cướp giật trên toàn quốc. Để ngăn chặn loại tội phạm này, bên cạnh việc phát động các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự, quản lý chặt các đối tượng cộm cán, Bộ sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, mật phục, xác lập các chuyên án để đấu tranh với các đối tượng, băng nhóm phạm tội...

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết: Cử tri bức xúc trước một số vụ phạm tội có tổ chức liên quan đến một số sĩ quan công an thời gian qua. Trong đó, vụ Vũ “nhôm” là vụ điển hình thể hiện sự lợi dụng chức vụ để phạm tội, trục lợi. Đại biểu đặt câu hỏi, sau vụ việc này, Bộ có rà soát và còn kiểu Vũ “nhôm” hay không, giải pháp nào để tránh tình trạng kiểu Vũ “nhôm” thời gian tới?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, liên quan đến vụ Vũ “nhôm”, Bộ đã điều tra, khởi tố 5 vụ án, đã đưa ra xét xử vụ thứ nhất liên quan đến tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; đồng thời xử lý tướng lĩnh công an, xử lý nguyên lãnh đạo Bộ Công an có vi phạm.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm đây là bài học lớn về công tác quản lý cán bộ, quản lý nghiệp vụ, bị lợi dụng hình thành tổ chức bình phong.

“Chúng tôi đã rà soát, chấn chỉnh và chắc chắn sẽ không còn tình trạng lợi dụng để có hoạt động tội phạm như vậy, cương quyết không để xảy ra vụ việc tương tự Vũ “nhôm””, Bộ trưởng khẳng định.

Trả lời đại biểu về việc điều tra gian lận thi cử, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết ngành đã khởi tối 3 vụ án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với những người có chức trách quản lý bài thi của thí sinh.

“Đây là những thủ đoạn mới được phát hiện ra trong năm 2018 này, các thủ đoạn rất tinh vi. Tuy nhiên, hành vi gian lận thi cử thì không phải là mới và không phải đến 2018 này mới có mà có thể đã diễn ra từ thời gian trước. Chúng tôi có khảo sát một số cháu đỗ đại học với điểm số rất cao nhưng quá trình học thì không theo được chương trình”, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết.

Để phòng chống những thủ đoạn này thì cần tiếp tục có sự phối hợp với Bộ GD và ĐT để quản lý việc ra đề, chấm thi, công bố điểm… sao cho thành khâu khép kín để không thể can thiệp được, nhất là bằng các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại. Đây cũng là thách thức rất lớn với các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian tới.

Đối với tội phạm tín dụng đen, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ xác định hoạt động của tín dụng đen là một trong những nguyên nhân đẩy tình hình tội phạm tăng cao vừa qua. Tội phạm này vừa là loại tội phạm hình sự, nhưng cũng là Cty, nhóm có hoạt động liên quan kinh tế, ranh giới rất khó phân biệt. 

Theo Bộ trưởng, tội phạm tín dụng đen còn đất sống là do tiền nhàn rỗi trong dân rất lớn, nhu cầu của người dân cũng lớn, trong khi tổ chức tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến tín dụng đen có đất phát triển. Phần lớn đối tượng cầm đầu đều là đối tượng cộm cán, lập băng nhóm tiến hành hoạt động này; siết nợ, đòi nợ thuê, truy sát con nợ dẫn đến chết người, gây thương tích. Nhiều nơi ngang nhiên như đi cướp ngày khi đòi nợ, gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều tổ chức lợi dụng, núp bóng doanh nghiệp để thực hiện hành vi phạm tội. Công an xác định, với tổ chức cho vay tín dụng đen mà xác định được đối tượng hình sự cầm đầu thì cần tập trung đấu tranh. Bộ Công an cũng đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ, với cơ quan ngân hàng huy động tiền nhàn rỗi trong dân, giải quyết tiếp cận vốn của người dân.

Bên cạnh đó, theo chương trình phiên họp, chiều 13-8, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn nhóm vấn đề: Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế; tội phạm về chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy. Công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Trong quá trình Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ TT và TT tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.  

Cuối phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Tô Lâm và các bộ trưởng, trưởng ngành… Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc toàn bộ phiên chất vấn và trả lời chất vấn./.

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com