Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (kỳ 2)

08:07, 31/07/2018

(Tiếp theo và hết)

II. Giải pháp tiếp tục phát triển đội ngũ trí thức trước yêu cầu mới

Ðánh giá chung qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW tại tỉnh ta, đội ngũ trí thức đã có bước phát triển tích cực với lực lượng đông đảo, trình độ chuyên môn sâu đã tạo được những dấu ấn quan trọng trong mỗi lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên trước yêu cầu nhiệm vụ của công cuộc CNH, HÐH, đặc biệt là mục tiêu tạo đột phá về kinh tế - xã hội, tỉnh ta đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế trong việc xây dựng và chất lượng đội ngũ trí thức.

Trí thức trẻ ngành NN và PTNT kiểm tra chất lượng rau xanh tại Cty Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh).
Trí thức trẻ ngành NN và PTNT kiểm tra chất lượng rau xanh tại Cty Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh).

Công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí sắp xếp và sử dụng cán bộ còn những điểm bất cập nên chưa thu hút được trí thức có học hàm, học vị cao, cán bộ chuyên môn sâu, chuyên gia đầu ngành về tỉnh công tác, hoạt động khoa học; khả năng nghiên cứu thực hành và đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, sử dụng công nghệ thông tin của một bộ phận trí thức chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; kinh nghiệm hoạt động trong môi trường kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế; sự tham gia của đội ngũ trí thức trong công tác nghiên cứu, triển khai ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất chưa thực sự hiệu quả; cơ cấu đội ngũ trí thức không đồng đều về độ tuổi, giới tính, trình độ, ngành nghề, phần lớn trí thức tập trung trong lĩnh vực GD và ÐT... Việc hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách có tính khuyến khích tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức phát triển tuy đã được tỉnh quan tâm, tích cực triển khai nhưng vẫn còn ở mức thấp so với nhiều địa phương trong vùng cũng như trên toàn quốc như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ðà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... Do đó mới chỉ phù hợp giữ chân đội ngũ cán bộ, công chức đang công tác mà không thu hút được các trí thức trẻ, cán bộ kỹ thuật đầu ngành về công tác hay làm khoa học tại địa phương. Có mô hình rèn luyện phát triển đội ngũ trí thức ở cơ sở đạt kết quả thực tiễn rất tốt nhưng việc phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng mô hình… lại chưa được quan tâm. Chẳng hạn phong trào thi đua “Mỗi cán bộ kỹ thuật một mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật” ở Nghĩa Hưng. Triển khai từ năm 2012, đến nay, mô hình không chỉ giúp Nghĩa Hưng xây dựng được đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp giỏi cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn kỹ năng tổ chức vận động, thuyết phục quần chúng và đặc biệt là tinh thần lao động cần mẫn, gắn bó với nông dân mà còn góp phần quan trọng vào việc thay đổi tư duy nhận thức của người dân khi tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới. Ðây cũng là tiền đề quan trọng giúp Nghĩa Hưng trở thành “địa chỉ” tin cậy để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến hợp tác triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới. Nhưng những kinh nghiệm, bài học từ mô hình cũng chưa được đúc kết, nhân rộng ra các huyện, thành phố khác trong tỉnh, thậm chí ở các ngành, lĩnh vực khác tại chính huyện Nghĩa Hưng. Hầu hết các trung tâm kỹ thuật chuyên sâu trực thuộc các sở, ngành chuyên môn như: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN, Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN (Sở KH và CN); Trung tâm Giống cây trồng, Trung tâm Giống gia súc, gia cầm; Trung tâm Giống thủy hải sản (Sở NN và PTNT)… đều có đội ngũ trí thức mạnh cả về số lượng và chất lượng; được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và được tham gia vào nhiều dự án trong nước và quốc tế hỗ trợ nghiên cứu, phát triển sản phẩm nhưng chưa có sản phẩm sáng tạo đưa ra thị trường mang hàm lượng KHCN cao. Một số sản phẩm công nghệ của tỉnh được thương mại hóa có uy tín thị trường đều được nghiên cứu phát triển từ các doanh nghiệp tư nhân…

Những hạn chế đó được tỉnh chỉ rõ nguyên nhân là: Cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ trí thức của tỉnh chưa đủ mạnh; môi trường, điều kiện làm việc có nơi còn khó khăn nên chưa thu hút được nhiều trí thức, nhất là sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi về công tác tại tỉnh. Một số cấp uỷ Ðảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức; việc sử dụng đội ngũ trí thức ở một số cơ quan, địa phương, đơn vị chưa phù hợp, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc. Một bộ phận trí thức chưa thực sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề; chưa nỗ lực học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tác phong làm việc, do vậy chưa đáp ứng được yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH và hội nhập quốc tế. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức của từng ngành, từng địa phương chưa được thường xuyên, sâu sát, kịp thời.

Nhiệm vụ trọng tâm xây dựng đội ngũ trí thức trong thời gian tới được tỉnh xác định là đẩy mạnh đầu tư cho GD và ÐT nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn. Tiếp tục tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trí thức phát huy năng lực, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia tích cực vào việc hoạch định các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đưa ra giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh gồm 3 vấn đề chính là: Nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ trí thức; đổi mới các chính sách đối với đội ngũ trí thức; đổi mới công tác quản lý đội ngũ trí thức. Các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước. Qua đó, tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động của các cấp uỷ, chính quyền, các ngành, đoàn thể, nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân trong tình hình mới. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đãi ngộ, tôn vinh, thu hút trí thức có tài năng, có phẩm chất đạo đức tốt, cống hiến cho sự phát triển của tỉnh, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc, chế độ tiền lương, bảo hiểm để trí thức yên tâm công tác. Tăng cường tiếp xúc, lắng nghe ý kiến và đối thoại giữa lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị với đội ngũ trí thức nhằm tập hợp, định hướng và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, thúc đẩy sự phát triển của KHCN, kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương, đơn vị. Ðẩy mạnh phát triển hệ thống GD và ÐT phù hợp với điều kiện thực tiễn, nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường, tăng cường giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông; rà soát đội ngũ cán bộ của địa phương, đơn vị để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện để trí thức của tỉnh được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, điều động, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, trí thức đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, nghiêm túc, đúng tiêu chuẩn, quy định, phù hợp với năng lực, chuyên môn, chuyên ngành đào tạo và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tích cực chỉ đạo, đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức, đoàn thể, trí thức trong tỉnh, đặc biệt là Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh nhằm vận động, tập hợp, đoàn kết trí thức trong việc nghiên cứu, ứng dụng truyền tải những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, kinh doanh phục vụ đời sống dân sinh. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng nhằm tôn vinh những trí thức giỏi, tài năng, có nhiều cống hiến cho sự phát triển văn hóa, chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Kết luận số 90-KL/TW và các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức trong giai đoạn mới. Khuyến khích đội ngũ trí thức mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể về lương, điều kiện làm việc, sinh hoạt.

Ðội ngũ trí thức luôn là lực lượng lao động đặc biệt quan trọng không chỉ trong tiến trình đẩy mạnh CNH, HÐH và hội nhập kinh tế quốc tế, trong xây dựng nền kinh tế tri thức, trong phát triển lực lượng sản xuất mà còn trực tiếp góp phần nâng cao giá trị văn hóa, tinh thần và năng lực lãnh đạo của Ðảng, vai trò quản lý của Nhà nước. Việc đề ra các nhóm giải pháp phù hợp, sự đầu tư bài bản và sự nỗ lực thực hiện của cả hệ thống bộ máy được kỳ vọng sẽ tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh ngày càng lớn mạnh với đầy đủ những phẩm chất tương ứng với yêu cầu thời kỳ mới như có trình độ, năng lực chuyên môn cao; có văn hóa làm việc khoa học, hiệu quả và có bản lĩnh vững vàng, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của tỉnh, xứng đáng với bề dày truyền thống quê hương Nam Ðịnh văn hiến, “địa linh nhân kiệt”./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com