Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (kỳ 1)

08:07, 30/07/2018

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong xu thế hội nhập thế giới sâu rộng, tốc độ phát triển cách mạng khoa học kỹ thuật ngày càng nhanh, ngày 6-8-2008 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương, đội ngũ trí thức của tỉnh có nhiều tiến bộ, phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực vào quá trình hoạch định đường lối, chính sách của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên là tỉnh nông nghiệp, kinh tế còn khó khăn nên so với yêu cầu thực tiễn và mục tiêu phát triển của tỉnh thì việc xây dựng đội ngũ trí thức còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Trong đó tỉnh cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa để thu hút những chuyên gia giỏi và nhà khoa học đầu ngành về địa phương làm hạt nhân thúc đẩy, tiếp tục phát huy năng lực trí tuệ, vai trò của đội ngũ trí thức của tỉnh.

Cán bộ Sở KH và CN nghiên cứu sản xuất khoai tây giống bằng công nghệ khí canh.
Cán bộ Sở KH và CN nghiên cứu sản xuất khoai tây giống bằng công nghệ khí canh.

I. Ðội ngũ trí thức phát triển cả số lượng và chất lượng

Ðể thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo tổ chức triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết sâu rộng trong toàn Ðảng bộ và phổ biến tới các cơ quan, đơn vị, toàn thể nhân dân; xây dựng quán triệt Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 30-9-2008 làm cơ sở để UBND tỉnh có chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện tốt các điều kiện để phát triển đội ngũ trí thức. Theo đó, UBND tỉnh đã xây dựng các cơ chế chính sách nhằm hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức như chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức; tạo chuyển biến căn bản trong giáo dục, đào tạo bồi dưỡng trí thức; đề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố, nâng cao chất lượng và hoạt động của các tổ chức Hội trí thức và nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Ðảng đối với đội ngũ trí thức. Nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành kịp thời như: Quyết định số 3852/2005/QÐ-UBND của UBND tỉnh quy định chế độ trợ cấp cán bộ, công chức, viên chức đi học sau đại học và hỗ trợ một lần cho người có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa cấp II về công tác tại tỉnh; Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý trẻ năm 2007-2015 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về “Phát triển một số cơ sở giáo dục, đào tạo chất lượng cao”; Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng đồng đều trong giáo dục phổ thông”; Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý từ năm 2016 đến năm 2020”; Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn”; Quyết định số 445-QÐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phân cấp tổ chức bộ máy, cán bộ”. Trên cơ sở đó các huyện ủy, thành ủy đã ban hành văn bản phù hợp với thực tiễn địa phương nhằm thu hút đội ngũ trí thức cống hiến cho sự phát triển của địa phương, đơn vị. Huyện ủy Hải Hậu ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU (khóa XXV) về “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Ðảng, trọng tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên giai đoạn 2010-2015; Huyện ủy Giao Thủy có Chỉ thị số 12-CT/HU về nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, lãnh đạo quản lý; Huyện ủy Nghĩa Hưng ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU về “phát triển nguồn nhân lực phục vụ CNH, HÐH đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”… UBND tỉnh thực hiện đầy đủ cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cán bộ, công chức học tập nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị. Từ năm 2008 đến nay tỉnh đã hỗ trợ 19 người nghiên cứu tiến sĩ với mức 30 triệu đồng/người, 526 người học cao học với mức 20 triệu đồng/người, 165 bác sĩ học chuyên khoa I, II, với mức bác sĩ chuyên khoa cấp I là 7 triệu đồng/người, bác sĩ chuyên khoa cấp II là 15 triệu đồng/người. Trong 10 năm qua tỉnh đã cử trên 700 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo đại học, sau đại học; 8.655 cán bộ, công chức đi đào tạo trung cấp chính trị - hành chính, 1.208 người đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị; tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên chính cho 392 người, ngạch chuyên viên cho 4.649 người và hàng nghìn cán bộ đi học các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ. Cùng với chính sách chung của tỉnh, một số sở, ngành cũng đã có cơ chế ưu đãi để phát triển cho đội ngũ trí thức. Trong đó, Sở KH và CN, NN và PTNT, TN và MT ưu tiên tuyển dụng cán bộ tốt nghiệp đại học những chuyên ngành phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ như công nghệ sinh học; công nghệ chế biến; công nghệ thông tin… Ðồng thời tranh thủ tối đa các chương trình hợp tác quốc tế trong đào tạo, đưa cán bộ kỹ thuật học tập chuyên môn tại các nước tiên tiến như Nhật Bản, Ðức, Ít-xra-en, Hàn Quốc để về ứng dụng vào quá trình quản lý và sản xuất thực tế trên địa bàn.

Với sự quan tâm tích cực của cả hệ thống chính trị, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, đội ngũ trí thức của tỉnh đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ðến nay, trong đội ngũ 27.535 cán bộ, công chức, viên chức từ cấp huyện trở lên; cán bộ, công chức hành chính và công chức là thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập 3.049 người, có 15 tiến sĩ, 635 thạc sĩ, 2.284 trình độ đại học, cao đẳng, 115 người trình độ trung cấp, sơ cấp; về trình độ lý luận chính trị có 680 người trình độ cử nhân, cao cấp, 1.649 người đã học trung cấp, sơ cấp. Trong số 24.486 viên chức, có 11 tiến sĩ, 868 thạc sĩ, 19.715 đại học, cao đẳng, 3.892 trung cấp, sơ cấp; 175 cử nhân, cao cấp, 1.763 trung cấp, sơ cấp lý luận chính trị. Ðội ngũ trí thức ở các cơ quan quản lý và khoa học trong tỉnh đã bám sát thực tiễn, nghiên cứu đề xuất các giải pháp hữu hiệu tham mưu cho Ðảng, Nhà nước, cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương trong hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế, cải thiện đời sống dân sinh, đóng góp vào quá trình CNH, HÐH, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ðặc biệt đội ngũ trí thức ngành KHCN, môi trường, đã đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao KHCN, phát triển các mô hình ứng dụng, phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH. Nhiều đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học như: Ðánh giá tài nguyên nước ngầm, đánh giá tài nguyên vi sinh vật và môi trường biển nông; điều tra nguồn lợi ngao, vạng; điều tra điều kiện địa chất, môi trường và ẩn họa các tuyến đê sông; điều tra nguồn tài nguyên và cân đối nhu cầu sử dụng và bảo vệ sự phát triển bền vững tài nguyên nước mặt; nghiên cứu chỉnh trị cửa sông Ninh Cơ tăng khả năng thoát lũ, đảm bảo vận tải thủy và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020; sử dụng công nghệ viễn thám tích hợp với hệ thông tin địa lý (GIS) đánh giá biến động sử dụng đất và lớp phủ thực vật ở tỉnh; xây dựng mô hình sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất rau, quả an toàn... đã góp phần thiết thực vào các thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua cũng như tạo nền tảng phát triển tiếp theo. Ðội ngũ trí thức hoạt động trong lĩnh vực GD và ÐT đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của tỉnh trên bản đồ GD và ÐT toàn quốc. Hằng năm đội ngũ trí thức ngành Giáo dục đã đào tạo ra nhiều học sinh giỏi, tài năng tiếp tục theo học các ngành nghề, nghiên cứu tại các trường đại học uy tín hàng đầu trong nước và thế giới, góp phần vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và đất nước. Chất lượng giáo dục phổ thông được khẳng định với 23 năm liên tục ngành là một trong những “đơn vị thi đua xuất sắc” dẫn đầu toàn quốc trong phong trào thi đua “đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, thực hiện tốt nhiệm vụ “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Ðội ngũ trí thức trong ngành Nông nghiệp đã phát huy vai trò, trí tuệ góp phần thực hiện các định hướng phát triển ngành kinh tế chủ lực của tỉnh; đã đẩy mạnh ứng dụng KHCN, mở rộng cơ giới hóa và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chất lượng, hiệu quả. Ðã ứng dụng công nghệ nuôi tôm sú, tôm càng xanh có năng suất cao nhằm thúc đẩy phát triển nuôi trồng thuỷ sản của các huyện ven biển giúp người dân làm giàu; nghiên cứu, chọn lọc và phát triển một số dòng bất dục đực và các tổ hợp lúa lai F1; ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật và mô hình sản xuất giống khoai tây sạch bệnh, chất lượng cao bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật để thực hiện các định hướng phát triển “cây, con chủ lực” trong sản xuất nông nghiệp…

Có thể nói qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa X), nhận thức của các cấp ủy Ðảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh về vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức được nâng lên. Ðội ngũ trí thức của tỉnh tăng nhanh về số lượng, chất lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, tư tưởng chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao, phát huy được vai trò trên các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Ðặc biệt, thành tựu nổi bật về kết quả xây dựng NTM của tỉnh ta 7 năm qua có đóng góp với dấu ấn quan trọng của đội ngũ trí thức./.

(còn nữa)
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com