Thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi)

08:06, 11/06/2018

Ngày 8-6, kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khoá XIV tiếp tục làm việc tại hội trường.

Xây dựng cảnh sát biển cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

Đầu giờ làm việc buổi sáng, sau khi nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của QH Võ Trọng Việt trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi), QH đã bỏ phiếu tán thành thông qua dự thảo luật với 88,3% tổng số đại biểu. Luật có 7 chương và 40 điều, quy định nguyên tắc, chính sách; hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân, bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng; kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng...

Tiếp đó, các đại biểu thảo luận về Dự thảo Luật Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam có 8 chương, 49 điều. Dự thảo Luật quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động và phối hợp hoạt động của CSB Việt Nam; quản lý Nhà nước, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan; bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với CSB. Luật áp dụng đối với CSB; cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của CSB Việt Nam.

Tại phiên thảo luận, hầu hết đại biểu tán thành về sự cần thiết ban hành Luật CSB Việt Nam, nhằm hoàn thiện pháp luật về lực lượng CSB, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh CSB Việt Nam; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của lực lượng CSB. Qua đó, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, môi trường biển, bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Một số đại biểu có ý kiến khác nhau về nội dung của Luật. Nhiều đại biểu đồng tình với dự thảo Luật khi quy định: CSB là lực lượng vũ trang, bởi khi xảy ra xung đột vũ trang hay các tình huống liên quan an ninh chủ quyền, quyền tài phán quốc gia thì đây là lực lượng chấp pháp, thực thi. Chưa thống nhất nhận định này, có ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ khi quy định CSB là lực lượng vũ trang bởi Luật Quốc phòng (sửa đổi) vừa được thông qua đã quy định thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân chỉ gồm có: Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ. Dự thảo Luật nên quy định theo hướng CSB là một bộ phận cấu thành của Quân đội nhân dân và thuộc Bộ Quốc phòng là thỏa đáng và hợp lý hơn. Phát biểu ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho rằng, lực lượng CSB tương tự lực lượng biên phòng; trong đó, CSB có nhiệm vụ chấp pháp trên biển, biên phòng chấp pháp trên đất liền. Cả hai lực lượng liên quan công tác phòng thủ, bảo vệ đất nước khi có chiến tranh. Bộ đội Biên phòng từ trước đến nay là lực lượng vũ trang cho nên CSB cần được xác định là lực lượng vũ trang.

Nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn, Luật CSB phải tập trung xây dựng lực lượng CSB cách mạng, chính quy, hiện đại, tinh nhuệ. Bởi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển nước ta là vấn đề chiến lược lâu dài, tạo sự ổn định, xây dựng và phát triển đất nước. Quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, an ninh, an toàn biển, đảo Tổ quốc là nhiệm vụ quan trọng, trong đó xây dựng lực lượng CSB vững mạnh, đóng vai trò nòng cột, trực tiếp là yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, hiện nay GSB đang phải đối mặt với những khó khăn, bất cập do địa bàn hoạt động rộng, lực lượng trải dài, điều kiện công tác, vật chất bảo đảm tại nhiều khu vực, nhất là vùng đảo, hải đảo chưa đáp ứng yêu cầu. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, doanh trại, cầu cảng, trang thiết bị tàu thuyền còn thiếu, khả năng hoạt động trong điều kiện thời tiết phức tạp. Vì vậy, Luật cần có những quy định cụ thể về hiện đại hóa vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật là một trong những ưu tiên hàng đầu trong xây dựng, phát triển lực lượng CSB...

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã phát biểu ý kiến trao đổi, giải trình, làm rõ thêm những vấn đề được các đại biểu QH nêu ra.

Tiến tới hiện đại hoá ngành trồng trọt

Đầu giờ làm việc buổi chiều, QH nghe Ủy ban Pháp luật của QH báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật; nghe dự thảo nghị quyết này. Sau đó, QH đã biểu quyết thông qua nghị quyết với 426 đại biểu tán thành (87,47% tổng số đại biểu).

Thảo luận về dự án Luật Trồng trọt, nhiều đại biểu nhất trí sự cần thiết phải xây dựng Luật Trồng trọt như Tờ trình của Chính phủ, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực này, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý, tạo lập được nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hóa. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) và nhiều đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của các quy định với hệ thống pháp luật và cần tương thích với điều ước quốc tế để bảo đảm tính khả thi, tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Thí dụ, cần làm rõ hơn nữa đối tượng điều chỉnh, bởi các giống cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, cây cảnh và dược liệu như quy định của dự thảo Luật đều đã được điều chỉnh trong Luật Dược, Luật Lâm nghiệp... Đối với phạm vi điều chỉnh, cần nghiên cứu bổ sung quy định kiểm soát toàn diện cả những vật tư nông nghiệp có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm và ảnh hưởng môi trường.

Trước yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển theo quy luật thị trường, lĩnh vực trồng trọt của Việt Nam đã bộc lộ những bất cập giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, vì vậy đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) và một số đại biểu nhấn mạnh, công tác quản lý Nhà nước cũng phải thay đổi phù hợp, nhất là làm rõ hơn các chính sách của Nhà nước về trồng trọt trong việc tổ chức sản xuất theo hướng liên kết và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ tổ đầu tư sản xuất giống, hạ tầng, trang thiết bị, xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tránh gây ô nhiễm môi trường và ứng dụng công nghệ cao...

Đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) và một số đại biểu cho rằng, quy định về quản lý thu hoạch, mua bán sản phẩm trồng trọt là nội dung mới nhằm tăng cường xuất khẩu, khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”. Tuy nhiên, dự thảo Luật còn thiếu các nội dung liên quan xúc tiến thương mại sản phẩm, thông tin cảnh báo thị trường, quản lý theo chuỗi giá trị trong hoạt động trồng trọt. Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung để có giải pháp hữu hiệu sửa các điểm yếu trong tiêu thụ nông sản, nhất là hạn chế tình trạng phải “giải cứu” nông sản như vừa qua.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã phát biểu ý kiến giải trình nhiều nội dung được đại biểu QH nêu.

Thứ bảy, ngày 9-6 và chủ nhật, ngày 10-6-2018, QH nghỉ.

Hôm nay, thứ hai, ngày 11-6-2018, QH làm việc tại hội trường; buổi sáng, thảo luận về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi); buổi chiều, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com