Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn

07:06, 06/06/2018

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sáng 5-6, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ TN và MT Trần Hồng Hà. Vấn đề xử lý rác thải rắn; trách nhiệm của Bộ trong quản lý đất đai tránh tình trạng hoang hóa, gây lãng phí ngân sách… là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn.

Theo đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh), khoảng trên 70% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp, đa số là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu rõ: Mỗi năm nước ta có 12 triệu tấn rác thải, tăng bình quân 9%/năm; trong khi đó việc quản lý nhà máy, doanh nghiệp xử lý rác thải chưa hiệu quả. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chất vấn Bộ trưởng về trách nhiệm của Bộ về quản lý Nhà nước trong xử lý chất thải.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Bộ trưởng ngành TN và MT phải chịu trách nhiệm toàn bộ về vấn đề môi trường, đặc biệt là chất thải rắn. Bộ có trách nhiệm tham mưu để ban hành chiến lược quy hoạch, kế hoạch xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật, tiến hành thanh tra, kiểm tra. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trong quản lý hạ tầng, phê duyệt thiết kế các nhà máy xử lý rác.

Bộ KH và CN  chịu trách nhiệm về công nghệ xử lý. Theo Bộ trưởng, một mình Bộ TN và MT không thể đáp ứng được, không đủ năng lực mà cần cơ chế phối hợp; trong đó có những việc phân cấp cho địa phương. “Chúng ta đang có khoảng trống là chưa hướng dẫn được công nghệ thích hợp, bởi vì trong suốt thời gian qua, rác thải Việt Nam hoàn toàn khác rác thải thế giới”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Theo đó, nhiều công nghệ xử lý rác thải hiện đại, tiên tiến sang Việt Nam chạy 3-4 tháng không đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, công nghệ ở Việt Nam đang thí điểm và cũng chưa có công nghệ nào đáp ứng được yêu cầu trong vận hành, chỉ tiêu kỹ thuật, chỉ tiêu môi trường. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, 3 Bộ tập trung để trong thời gian sớm nhất ra được các mô hình công nghệ.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nhiều nhà máy xử lý rác đưa vào đầu tư kinh phí lớn nhưng thực tế không vận hành được, không đáp ứng nên lãng phí nguồn lực xã hội. “Vì thế, chúng ta thống nhất từ nay trở đi, khi ký hợp đồng với các Cty cung cấp các dịch vụ này, bên cạnh đảm bảo về giá, họ phải chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường. Trong trường hợp không đáp ứng được, sẽ đề nghị đóng cửa các doanh nghiệp này”, Bộ trưởng nêu.

Tuy nhiên, phần trả lời của Bộ trưởng chưa làm hài lòng đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh). Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận: Doanh nghiệp trong nước có công nghệ xử lý rác tiên tiến không cần phân loại, không tốn công sức, thậm chí có thể sản xuất điện từ rác... nhưng khi tiếp cận địa phương lại gặp khó khăn. Đại biểu mong muốn Chính phủ, Bộ trưởng có những biện pháp, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp này.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, việc xử lý rác thải đang gặp vướng mắc. 60% rác thải ở địa phương là chất thải hữu cơ có thể xử lý trong khuôn viên hộ gia đình. Rơm rạ có thể xử lý thành phân bón cho đất. Tuy nhiên, rác thải ở Việt Nam không chỉ là rác hữu cơ, còn có pin, thủy ngân... nên cần công nghệ xử lý phù hợp. Bộ TN và MT cùng các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các mô hình xử lý rác thải Việt Nam để sớm có công nghệ xử lý đáp ứng tiêu chuẩn, kỹ thuật.

Theo đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội), cử tri Hà Nội có ý kiến, sau khi thu hồi đất của người dân để thực hiện các dự án, nhiều dự án trong nhiều năm không thấy triển khai, hoặc triển khai kém hiệu quả gây bức xúc cho người dân. Bên cạnh đó, một số đất dự án còn bị lấn chiếm, tái lấn chiếm, gây khó khăn cho địa phương trong quản lý đất đai cũng như giải quyết khiếu kiện kéo dài. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ và giải pháp khắc phục.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, hiện tượng dự án treo ở các địa phương xảy ra từ trước khi có Luật Đất đai 2013, nguyên nhân là do năng lực nhà đầu tư, thiếu chế tài xử lý. Hiện Luật Đất đai 2013 đã quy định rất rõ chế tài, năng lực, cơ chế tài chính để ràng buộc nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn chưa được xử lý vì còn chồng chéo giữa các quy định pháp luật.

Theo quy định Luật Đất đai 2013, dự án không thực hiện đúng tiến độ sau 24 tháng sẽ bị thu hồi và trường hợp nhất định có thể cho phép kéo dài thêm 24 tháng nữa. Trong khi đó, thời hạn này quy định tại Luật Đầu tư là 12 tháng. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, nên thu hồi dự án treo, chậm tiến độ nếu sau 12 tháng doanh nghiệp không triển khai đầu tư, thực hiện. “Cần xem xét điều chỉnh lại điểm vênh giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai 2013, làm rõ nội hàm quá thời hạn 12 tháng, thu hồi dự án treo ra sao”, Bộ trưởng nêu.

Ngoài ra, Luật Đất đai cho phép thu hồi song không yêu cầu nhà đầu tư phải bồi hoàn và đây là bất cập. Bởi thực tế, nhiều dự án đã được chủ đầu tư dùng để thế chấp đất, vay vốn ngân hàng nên khi thu hồi dự án treo này sẽ gặp vướng mắc. “Đây là vấn đề pháp lý, phải xem xét sửa luật để tạo điều kiện cho ngân hàng coi đất thế chấp là tài sản và họ được bán đấu giá để thu hồi tài sản cho Nhà nước”, Bộ trưởng đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) đề cập tới bất cập trong đền bù, chuyển nhượng đất ở một số địa phương và đề nghị được biết trách nhiệm xử lý thuộc về ai? Bộ trưởng cho rằng, trách nhiệm thuộc ngành TN và MT khi không làm tốt công tác dự báo.

Theo đó, quy định về đền bù, tái định cư đã được quy định rõ trong luật, tuy nhiên, ở đây có trách nhiệm của chính quyền địa phương khi đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai luật; không làm tốt quy hoạch quỹ đất, đất tái định cư... Bộ trưởng khẳng định, Bộ TN và MT sẽ phối hợp với các Bộ thực hiện tốt hơn công tác rà soát, kiểm tra chuyển nhượng đất đai. 

Sáng 5-6, ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ TN và MT, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung đã giải đáp một số chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là công tác giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng giáo viên đào tạo nghề.

Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) nêu chất vấn: Trong báo cáo kinh tế -  xã hội cũng như phát biểu của Bộ trưởng tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 26-5 đã đánh giá chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn thấp. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cần ưu tiên trong quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp thời gian tới?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chất lượng nguồn nhân lực hiện còn thấp, đây cũng là một trong những nguyên nhân để năng suất lao động thấp. “Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam thấp thể hiện qua việc chưa theo kịp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện nay, cơ cấu nông nghiệp đóng góp vào GDP là 15,34%; công nghiệp trên 33,34%. Trong khi đó, chuyển dịch lao động của chúng ta còn chậm, đến năm 2017 có 40,7% là lao động nông nghiệp. Đến hết tháng 4-2018, con số này là 38,6%. Lực lượng lao động nhiều như vậy nhưng đóng góp vào GDP chỉ là 15,34%”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng cho rằng, cơ cấu đào tạo hiện nay còn bất hợp lý. Quan trọng hơn, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng với kỹ năng và các điều kiện đảm bảo cho người lao động một môi trường làm việc có thu nhập, an toàn, mạng lưới an sinh. Thời gian tới, việc ưu tiên giáo dục nghề nghiệp là đặc biệt quan trọng. Giáo dục nghề nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng lao động là quan trọng, đặc biệt với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong giai đoạn hiện nay.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2018, giáo dục nghề nghiệp được chọn là khâu đột phá. Đây là một chủ trương đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, những vấn đề cần quan tâm là: quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp; chuyển mạnh sang tự chủ, làm động lực phát triển giáo dục nghề nghiệp đúng với Nghị quyết Trung ương 6, Nghị quyết Trung ương 7 phù hợp với yêu cầu trong Đề án đổi mới và tái cơ cấu kinh tế mà Chính phủ đã phê chuẩn. Trong đó, chuyển hẳn sang hướng mới là kết nối doanh nghiệp; doanh nghiệp và nhà trường đồng hành.

Đây là chủ trương nhiều quốc gia đã thực hiện thành công, đặc biệt là những nước có nền giáo dục nghề nghiệp phát triển cao như Đức, Xinh-ga-po, Nhật Bản... Theo đó, Bộ LĐ-TB và XH sẽ thí điểm việc 10 trường liên kết với 15 tập đoàn trong việc đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo gắn với thị trường, gắn với cung cầu, giải quyết điểm còn yếu của giáo dục nghề nghiệp thời gian qua.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về giải pháp sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc tập trung tổ chức sắp xếp tổ chức lại bộ máy giáo dục nghề nghiệp là vấn đề cần thiết. “Hiện nay còn 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đó 397 là trường cao đẳng với 307 trường công lập; 525 trường trung cấp với hầu hết là công lập; còn hơn 600 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện”. 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hai năm qua, Bộ đã phối hợp với các địa phương, sắp xếp một bước với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giảm 35 trường cao đẳng, 328 cơ sở giáo dục cấp huyện theo phương châm tích hợp “3 trong 1” và “2 trong 1”, tức là ba trung tâm giáo dục dạy nghề, giáo dục thường xuyên, giáo dục tổng hợp sáp nhập làm 2 hoặc làm 1. Nhờ vậy, bước đầu bộ máy đã tinh gọn hơn, tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu.

Hiện, Bộ đang cùng với các địa phương rà soát để sắp xếp lại những trường không tuyển sinh được, những trường hoạt động không đáp ứng yêu cầu. Trong trường hợp không đáp ứng được yêu cầu sẽ giải thể. Cùng với đó, Bộ tổ chức lại các trường trung cấp theo phương pháp “1 trường 1 địa phương”, nhất là những địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa chỉ cần một trường cao đẳng nghề nhưng trong trường cao đẳng đó có cả hệ trung cấp, hệ sơ cấp để đảm bảo vừa tinh gọn bộ máy lại hoạt động có hiệu quả.

Việc kiểm soát chất lượng và hiệu quả đào tạo, vai trò và trách nhiệm của Bộ đối với việc kiểm tra, yêu cầu các cơ sở đào tạo tăng cường các hoạt động đầu tư, các yếu tố nguồn lực để làm nên chất lượng đào tạo. Đây là những chất vấn của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) gửi đến Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH. Theo đại biểu, để đào tạo có chất lượng phải có nguồn lực, người dạy có chất lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các hoạt động thực hành. Đây là những giải pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người học.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề bao gồm nguồn lực, đội ngũ giảng viên cũng như việc đảm bảo cho người lao động, học sinh, sinh viên. Riêng về vấn đề tài chính nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp, hiện nay, Nhà nước đang đáp ứng 60%, còn 40% là ngân sách ngoài Nhà nước. Ngân sách này chiếm khoảng 8% so với tổng ngân sách chi cho giáo dục, đào tạo. Đối với đội ngũ giáo viên, hiện nay đã có chương trình chuẩn hóa giáo viên. Tiêu chí, tiêu chuẩn, chế độ chính sách với giáo viên đã được phê duyệt theo đúng quy định.

Để đảm bảo quyền lợi cho người học, theo Bộ trưởng, một mặt cần tăng số lượng nhưng quan trọng hơn là chất lượng và các điều kiện để đảm bảo cho người học khi ra trường có việc làm, có thu nhập. Quan trọng hơn là người học khi có nhu cầu học cao lên có thể học liên thông. Riêng về liên thông, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê chuẩn việc liên thông từ trung cấp, cao đẳng nghề lên các bậc tiếp theo.

Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH tiếp tục trả lời chất vấn về thực trạng thị trường lao động Việt Nam, các giải pháp về giáo dục nghề nghiệp và giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em./.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com