Kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ở Đảng bộ Thành phố Nam Định

08:03, 30/03/2018

Đảng bộ Thành phố Nam Định hiện có 92 tổ chức cơ sở Đảng với gần 15 nghìn đảng viên. Thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc việc quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Qua đó đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Cán bộ phường Trần Tế Xương giải quyết thủ tục hành chính phục vụ nhân dân.
Cán bộ phường Trần Tế Xương giải quyết thủ tục hành chính phục vụ nhân dân.

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo tổ chức quán triệt, học tập nghiêm túc đến các cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; ban hành Chương trình hành động thực hiện cụ thể, phân công rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị để chủ động trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện. Trong hơn 1 năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành 7 văn bản liên quan đến thực hiện Nghị quyết, thể hiện quyết tâm chính trị trong chỉ đạo, điều hành nhằm cụ thể hóa, đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Qua đó, nhiều việc làm cụ thể, sáng tạo ở các địa phương, đơn vị từ thành phố đến cơ sở được triển khai thực hiện bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự chuyển biến tích cực. Nhiều cách làm mới, linh hoạt, sáng tạo gắn với thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương như: đổi mới việc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế chính sách; cải cách thủ tục hành chính; kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân gắn với việc nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa; thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực... Nổi bật là việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân gắn với việc nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Theo đó, hằng năm Ban Thường vụ Thành ủy đã tiến hành kiểm điểm công tác lãnh đạo gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Kiểm điểm làm rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý; đồng thời xác định chủ trương, giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong thời gian tới. Từng đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy đã kiểm điểm tự phê bình và phê bình nghiêm túc, trên tinh thần cầu thị. Các ý kiến đóng góp đều chân thành, thẳng thắn, tạo sự hiểu biết và chia sẻ lẫn nhau. Mỗi cá nhân đều được kết luận rõ về ưu điểm, khuyết điểm, những nội dung cần bổ sung, những biện pháp khắc phục khuyết điểm thời gian tới. Sau kiểm điểm, Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo kết quả kiểm điểm với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố. Đối với cấp cơ sở, đa số các tổ chức cơ sở Đảng đều tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, thẳng thắn, phát huy hiệu quả cao. Các đồng chí cán bộ chủ chốt đã kiểm điểm trung thực, chỉ rõ ưu, khuyết điểm và đề ra giải pháp, cam kết thời gian khắc phục, sửa chữa. Đối với các Đảng bộ phường, xã, Ban Thường vụ Thành ủy cử đồng chí thường vụ phụ trách và các đồng chí lãnh đạo đại diện các Ban xây dựng Đảng cùng dự kiểm điểm đầy đủ để nắm bắt tình hình cơ sở cũng như có những ý kiến đóng góp cho các bản kiểm điểm của tập thể, cá nhân theo đúng sự chỉ đạo của cấp trên. Căn cứ tình hình thực tế, đối với những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy gợi ý kiểm điểm sâu đối với 7 tập thể gồm Đảng bộ các phường: Quang Trung, Trần Đăng Ninh, Vị Hoàng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du và Đảng bộ các xã Lộc Hòa, Nam Phong. Nội dung tập trung kiểm điểm và chỉ đạo kiểm điểm làm rõ vai trò trách nhiệm của Đảng ủy, UBND các phường, xã trong việc duy trì thực hiện quy chế làm việc; nội quy, quy định của cơ quan; công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức; việc thực hiện nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; việc đấu tranh phê bình và tự phê bình, giữ gìn đoàn kết nội bộ. Vai trò trách nhiệm của Đảng ủy, UBND xã trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, chống lấn chiếm đất đai; quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiện toàn bộ máy cán bộ lãnh đạo quản lý; công tác lãnh đạo, chỉ đạo đại hội và việc kiện toàn các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch các hội, đoàn thể. Vai trò trách nhiệm của đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các phường, xã trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống; khắc phục hậu quả  thiên tai... Các đơn vị được Ban Thường vụ Thành ủy gợi ý kiểm điểm sâu đều đã tiến hành kiểm điểm nghiêm túc. Ngoài báo cáo kiểm điểm chung, các đơn vị đều phải xây dựng một báo cáo riêng để giải trình cụ thể những nội dung yêu cầu của Thành ủy, trong báo cáo có nêu rõ trách nhiệm của tập thể, trách nhiệm của từng cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền. Cấp ủy một số đơn vị đã tự nhận khuyết điểm nghiêm túc, thẳng thắn, coi đó là bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo như Đảng ủy phường Trần Hưng Đạo sau khi điểm điểm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiện toàn bộ máy cán bộ lãnh đạo quản lý… Với việc triển khai nghiêm túc, Thành phố Nam Định đã nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Năm 2017, tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng bộ thành phố đạt 85%. 

Để phát huy kết quả bước đầu, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), thời gian tới, Đảng bộ Thành phố Nam Định tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, triển khai Nghị quyết trong hệ thống chính trị gắn sát hơn với thực tiễn ở địa phương, đơn vị, sát với nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên. Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; kiên quyết phê phán, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Kiên quyết, kịp thời đấu tranh với âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta của các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng cơ hội chính trị, bất mãn chính trị. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII), gắn với thực hiện Quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa các nguyên tắc về công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ; đẩy mạnh quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ sau quy hoạch. Đổi mới phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, nhất là người đứng đầu theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch. Thực hiện nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình và phê bình hằng năm trong các cấp ủy, chi bộ và đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Trọng tâm là kiểm tra việc sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra qua kiểm điểm theo Nghị quyết, hằng năm và những vấn đề phức tạp mới phát sinh. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy có một số đề xuất, kiến nghị. Theo đó cần đổi mới cách thức, phương pháp tổ chức học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng đối tượng, từng loại hình tổ chức cơ sở Đảng; đối tượng khác nhau cần có hình thức, phương pháp học tập, truyền đạt khác nhau. Việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng nên tránh thời gian cuối năm bởi thời điểm cuối năm các địa phương, đơn vị bận nhiều công việc chuyên môn nên việc triển khai học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết không được sâu, dẫn đến hiệu quả không cao. Việc viết các bài thu hoạch, các kế hoạch tu dưỡng chỉ nên giành cho đảng viên đương chức, đối với các đảng viên sinh hoạt ở khu dân cư, đặc biệt là đảng viên đã lớn tuổi cần có hình thức khác phù hợp hơn./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com