Thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, Luật Quản lý nợ công; thảo luận 2 dự án Luật

08:11, 24/11/2017

Ngày 22-11, buổi sáng, các đại biểu làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 và biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này; thảo luận về dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước (BMNN). Buổi chiều, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB).

Mở đầu phiên họp buổi sáng, các đại biểu QH nghe đại diện Ủy ban Thường vụ QH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Phó Tổng Thư ký QH Lê Bộ Lĩnh trình bày dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án nêu trên. Theo đó, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 118 nghìn 716 tỷ đồng, bao gồm: 55 nghìn tỷ đồng vốn Nhà nước đầu tư tham gia thực hiện dự án và 63 nghìn 716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách... QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với 408 đại biểu tán thành, bằng 83,10% tổng số đại biểu QH.

Thảo luận về dự án Luật Bảo vệ BMNN, đại biểu Dương Đình Thông (Bắc Giang) và nhiều đại biểu đồng tình Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH và sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ BMNN và cho rằng, việc ban hành Luật sẽ bảo đảm tính đồng bộ, tương thích các đạo luật đã được ban hành; phù hợp điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu nội luật hóa, tạo cơ sở cho việc thực hiện các cam kết của Việt Nam, thúc đẩy hội nhập và  hợp tác quốc tế trong phối hợp chia sẻ thông tin, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ BMNN, khắc phục tình trạng lộ, lọt, mất thông tin thuộc bí mật quốc gia. Đồng thời, bảo đảm hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự được thuận lợi, bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện theo  quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, theo các đại biểu, dự thảo luật chưa phân định tách bạch giữa BMNN với bí mật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do vậy trong khái niệm BMNN cần quy định rõ thông tin dữ liệu do Nhà nước quản lý và giữ bí mật.

Đề cập về phân loại BMNN và phạm vi BMNN, nhiều đại biểu thống nhất việc phân loại BMNN thành ba cấp độ: Tuyệt mật, tối mật và mật. Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, xác định như trong dự thảo luật còn chung chung, không xác định được các lĩnh vực, các loại thông tin được xác định là BMNN, dễ dẫn tới lạm dụng, ban hành danh mục BMNN, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của công dân. Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) cho rằng, việc phân loại BMNN quy định như dự thảo chưa có căn cứ và tiêu chí cụ thể để xác định mức độ nguy hại. Điều này dễ dẫn đến tình trạng có nhiều cách hiểu khác nhau, không thống nhất, thiếu chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương về việc xác định, phân loại BMNN. Có đại biểu cho rằng, dự thảo luật quy định mức độ nguy hại làm căn cứ xác định mức độ mật sẽ gây khó khăn trong quá trình lập danh mục BMNN, không đảm bảo sự thống nhất về danh mục BMNN giữa các bộ, ngành, địa phương. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung quy định rõ tiêu chí xác định mức độ nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc làm căn cứ xây dựng danh mục BMNN bảo đảm chặt chẽ, chính xác và thống nhất.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, dự thảo luật cần làm rõ hơn các cấp độ về phân loại bảo vệ BMNN ở mức độ tuyệt mật, tối mật và mật; định tính, định lượng đầy đủ, mức độ mật. Điều này vừa bảo đảm bảo vệ được các bí mật tốt hơn, nâng cao trách nhiệm của người quản lý, cơ quan, đối tượng sử dụng các thông tin bảo vệ BMNN; đồng thời xây dựng được chính sách để đối tượng tiếp cận được BMNN như một nguồn thông tin để đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Cũng trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tham gia báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.

Thảo luận về dự án Luật Đơn vị HCKTĐB, phần lớn các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí với việc cần thiết ban hành Luật Đơn vị HCKTĐB để tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các đơn vị HCKTĐB. Các đại biểu: Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre), Thạch Phước Bình (Trà Vinh) và một số đại biểu khác cho rằng, nên chọn phương án không tổ chức HĐND và UBND tại đơn vị HCKTĐB mà thực hiện thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn. Phương án này thể hiện được tính “đặc biệt” về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại đơn vị HCKTĐB, mang tính đột phá, bảo đảm việc thu hút nhà đầu tư, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn cơ chế thực hiện giám sát đối với Trưởng Đơn vị HCKTĐB nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, đồng thời tránh tình trạng lạm dụng quyền lực.

Một vấn đề quan trọng được nhiều đại biểu QH quan tâm thảo luận là cách xây dựng Luật Đơn vị HCKTĐB. Theo đó, nhiều đại biểu QH cho rằng, cần xây dựng luật theo hướng ra một luật chung cho các đơn vị HCKTĐB. Riêng đối với ba đơn vị HCKTĐB gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) cần đưa vào ba nghị quyết riêng vì ba khu vực này khi thành lập có những quy định, yếu tố không giống nhau. Bên cạnh đó, nếu một trong ba đặc khu kinh tế nêu trên không thành công, có thể dùng nghị quyết thay đổi hoặc trường hợp xuất hiện đặc khu kinh tế mới, hứa hẹn thành công, sẽ dùng nghị quyết của QH để sửa, không cần sửa luật. Tuy nhiên, một số đại biểu QH nêu ý kiến, việc xây dựng luật cho ba đặc khu kinh tế nêu trên sẽ tốt hơn do chúng ta chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Trong phiên thảo luận, một số đại biểu QH cho rằng, tại các đơn vị HCKTĐB, việc giao đất với thời hạn tới 99 năm là quá dài so với chu kỳ thu hồi vốn của hoạt động sản xuất, kinh doanh và gây bất lợi cho Nhà nước do nền kinh tế thế giới đang có sự biến động mạnh mẽ, có thể dẫn đến những thay đổi khó dự báo về vai trò, vị trí của một số ngành, nghề được ưu tiên trong nền kinh tế. Do đó, cần xem xét đánh giá tác động của chính sách này đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như với cuộc sống của người dân. Cần quy định thời hạn sử dụng đất phù hợp hơn đối với từng ngành, nghề ưu tiên phát triển và phù hợp với thực tế sử dụng, gắn với thực trạng quỹ đất hiện có tại mỗi địa phương để vừa thu hút đầu tư, vừa bảo đảm an ninh, chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc và không gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.

Sau phần thảo luận của các đại biểu QH, Bộ trưởng KH và ĐT Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu.

Tại phiên họp toàn thể sáng 23-11 của kỳ họp thứ tư, với 85,74% đại biểu tán thành, QH đã thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Luật được thông qua gồm 10 chương với 63 điều, quy định về quản lý nợ công, bao gồm hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công.

Nợ công quy định tại Luật này bao gồm: Nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương.

Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công.

Luật quy định “Nhà nước quản lý thống nhất về nợ công, bảo đảm việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý nợ công. Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô”.

Về giám sát việc quản lý nợ công, Luật quy định QH, HĐND giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý nợ công theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND và quy định khác của pháp luật có liên quan. MTTQ Việt Nam giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý nợ công theo quy định của Luật MTTQ Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý nợ công, bao gồm: Vay, cho vay, bảo lãnh không đúng thẩm quyền hoặc chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, vượt hạn mức đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Sử dụng vốn vay không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ. Vụ lợi, chiếm đoạt, tham nhũng trong quản lý, sử dụng nợ công. Làm trái quy định của Nhà nước về quản lý nợ công; thiếu trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí vốn vay. Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về nợ công theo quy định của pháp luật. Cản trở hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý nợ công…

Về xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý nợ công, theo Luật, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải giải trình và chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nợ công thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018.

Cũng trong sáng 23-11, QH đã thảo luận về dự án Luật An ninh mạng.

Dự thảo Luật được xây dựng gồm 8 chương, 55 điều với các quy định cụ thể liên quan đến phạm vi điều chỉnh: Luật quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung, hoạt động, điều kiện bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng và có liên quan tới hoạt động bảo vệ an ninh mạng của CHXHCN Việt Nam.

Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan tới hoạt động trên không gian mạng và bảo vệ an ninh mạng của CHXHCN Việt Nam.

Mục đích xây dựng Luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an ninh mạng theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành. Phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an ninh mạng, phát triển lĩnh vực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh. Triển khai công tác an ninh mạng trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh công tác giám sát, dự báo, ứng phó và diễn tập ứng phó sự cố an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; bảo đảm hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.

Đa số ý kiến phát biểu của các đại biểu tại hội trường bày tỏ đồng tình với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật; cho rằng tình hình hiện nay, an ninh mạng là vấn đề quan tâm của toàn cầu, có tác động mạnh mẽ, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đã có nhiều quốc gia ban hành các đạo luật, đưa ra các chính sách phát triển công nghệ thông tin, nâng cao năng lực phòng ngừa, phòng thủ, ngăn chặn, tấn công trên không gian mạng nhằm bảo vệ các giá trị, lợi ích, an ninh của đất nước.

Ở nước ta, các thế lực thù địch, một số loại tội phạm, một số đối tượng khác đã và đang sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân, nhất là trong điều kiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, công tác quản lý còn nhiều sơ hở, hệ thống chính sách chưa đồng bộ.

Tuy nhiên cũng có một số ý còn băn khoăn với việc ban hành Luật, vì cho rằng, an ninh mạng là một bộ phận của an ninh quốc gia nên phải quán triệt và thực hiện đầy đủ các quy định của Luật An ninh quốc gia; còn việc bảo vệ thông tin mạng đã được quy định trong Luật An toàn thông tin mạng.

Đề cập đến chính sách của Nhà nước về an ninh mạng, có ý kiến đề nghị rà soát các chính sách trong Luật nhằm lược bỏ những nội dung không liên quan đến chính sách về an ninh mạng. Đồng thời, bổ sung các chính sách về an ninh mạng như chính sách bảo vệ cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng, bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng an ninh mạng; chính sách đầu tư, bố trí kinh phí để bảo vệ an ninh mạng...

Về các hành vi bị nghiêm cấm, có ý kiến cho rằng, các hành vi bị nghiêm cấm còn quy định chung chung, đề nghị quy định cụ thể hơn để bảo đảm tính khả thi. Có ý kiến đề nghị rà soát các hành vi phạm tội đã được quy định trong Bộ luật Hình sự đưa vào quy định cấm trong Luật, trong đó có hành vi trực tiếp xâm phạm đến lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông; có hành vi sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông để phạm tội.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến công tác xử lý hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng; bảo đảm điều kiện triển khai công tác an ninh mạng…

Buổi chiều, QH thảo luận tại hội trường về Luật Tố cáo (sửa đổi)./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com