Kê khai minh bạch tài sản và thu nhập là giải pháp phòng ngừa tham nhũng

07:11, 22/11/2017

Ngày 21-11, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Qua thảo luận, các đại biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng cho phù hợp với yêu cầu mới nhưng cho rằng chưa vội thông qua dự thảo luật, bởi dự thảo luật còn nhiều vấn đề cần quan tâm, những vấn đề lớn Chính phủ vẫn đang trình, chưa có quan điểm cuối cùng; luật khi thông qua cũng cần tương thích với rất nhiều đạo luật khác.... Do đó, cần có thêm thời gian để luật đi vào cuộc sống, để nhân dân đồng tình.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) nhấn mạnh, thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp và sát sao của đồng chí Tổng Bí thư, công tác đấu tranh thu được nhiều kết quả quan trọng, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, tăng cường niềm tin của người dân cả nước. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục gặp khó khăn. Trong 10 năm, số thiệt hại do tham nhũng là hơn 59.750 tỷ đồng và 400ha đất, nhưng chỉ thu hồi được 4.676 tỷ đồng và 216ha đất, tức là khoảng 10%.

Đại biểu tỉnh Bắc Kạn cho rằng, việc thu hồi tài sản tham nhũng khó khăn do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có việc pháp luật chưa có cơ chế xử lý sớm tài sản tham nhũng. Cụ thể là pháp luật hiện hành chưa có cơ chế xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. “Một số trường hợp kê khai không đúng vừa qua chỉ có thể áp kỷ luật đối với người kê khai bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, thậm chí cách chức, chứ không thể “đụng” được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc của họ. Muốn tịch thu khối tài sản này thì phải qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử... Và đến khi đó sẽ rất khó khăn, nhiều vụ án không còn tài sản để thi hành án”, nữ đại biểu phân tích.

“Một trong những kỳ vọng của cử tri khi sửa luật lần này là giải quyết được vấn đề nêu trên, nhưng dự thảo vẫn chỉ xử lý người kê khai không đúng. Cụ thể như ai được dự kiến bổ nhiệm thì không được bổ nhiệm nữa, bổ nhiệm rồi thì tùy theo mức độ bị cách chức, giáng chức. Còn khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì dự thảo vẫn tiếp tục để ngỏ, không có cơ chế xử lý”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu rõ.

Theo đại biểu, lý do Ban soạn thảo giải thích cho việc không bổ sung quy định xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp là để phù hợp với nguyên tắc của Luật Tố tụng hình sự, trách nhiệm chứng minh thuộc về Nhà nước. Tức là, muốn tịch thu khối tài sản đó, cơ quan Nhà nước phải chứng minh chứ không phải người có tài sản có trách nhiệm giải trình.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, tham nhũng là tội phạm đặc biệt, xảy ra lâu rồi mới được phát hiện, “độ ẩn” của tội phạm rất cao. Khác với tội giết người, cướp của, đánh nhau gây thương tích, hành vi tham nhũng thường diễn biến trong thời gian dài, còn có cơ hội tham nhũng còn rút tiền của ngân sách, sau khi tham nhũng thì tiêu xài lãng phí...

“Thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp tuy là vấn đề mới và khó với Việt Nam, nhưng rõ ràng đây là sự chờ đợi của người dân. Các nước đã và đang trải qua khó khăn như chúng ta trong cuộc chiến chống tham nhũng cũng tự tìm ra cho mình cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng và đang phát huy hiệu quả trên thực tế. Từ thực tế và kinh nghiệm quốc tế, mong ban soạn thảo tiếp thu đưa vấn đề này ra thảo luận thấu đáo trên nhiều khía cạnh”, nữ đại biểu kiến nghị và nhất trí với việc dự thảo luật được thảo luận trong 3 kỳ họp.

Đồng tình với quan điểm trên, nhấn mạnh việc kê khai minh bạch tài sản và thu nhập là giải pháp phòng ngừa tham nhũng quan trọng mà các nước cũng đã áp dụng nhưng đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, điều quan trọng nhất trong thực hiện chủ trương kê khai tài sản là việc xử lý tài sản bất minh phát hiện thông qua xác minh. Hiện nay pháp luật nước ta chưa quy định chế tài xử lý, do đó, vừa qua có một số vụ được phát  hiện, chỉ bị xử lý kỷ luật, còn tài sản thì không có căn cứ để xử lý. 

“Điều 32 Hiến pháp năm 2013 chỉ công nhận quyền sở hữu của công dân đối với thu nhập hợp pháp. Vậy đối với tài sản thu nhập qua xác minh là bất minh, bất hợp pháp thì việc tịch thu tài sản đó không trái Hiến pháp. Do đó, cần quy định trong luật này việc tịch thu tài sản bất hợp pháp và giao cho cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng của Chính phủ thực hiện thẩm quyền này. Trường hợp vụ án tham nhũng phải đình chỉ điều tra thì cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát thực hiện thẩm quyền này”, đại biểu kiến nghị.  

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng cũng đồng ý với phạm vi điều chỉnh của luật có mở rộng sang lĩnh vực ngoài Nhà nước, bởi theo đại biểu, có nhiều nước trên thế giới đã làm, còn pháp luật hình sự của nước ta cũng đã có quy định. Trong chính sách hình sự của nước ta hiện nay đã và đang xử lý những người không phải là cán bộ, công chức, với vai trò đồng phạm trong các vụ tham ô, hối lộ. Do đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật lần này sẽ phù hợp với Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, theo đại biểu, mức mở rộng phải tương thích giữa hai đạo luật.

Không đồng tình với quan điểm này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) lại băn khoăn về việc mở rộng phạm vi sang khu vực ngoài Nhà nước. Theo đại biểu, tội phạm tham nhũng là tội phạm đặc biệt, không phải ai cũng vào diện tham nhũng được. Đại biểu cho rằng, việc vi phạm hay tội phạm hành chính, tội phạm hình sự thì có thể sử dụng các luật khác nhau để xử lý. Đại biểu nhấn mạnh, việc cắt đường dây kết nối giữa khu vực ngoài Nhà nước và khu vực Nhà nước, hay là “cắt nguồn dinh dưỡng” của tham nhũng thì không cần sử dụng “con dao” duy nhất là Luật Phòng chống tham nhũng, mà còn có những quy định khác nhau. Đại biểu cho rằng giải pháp tối ưu là nên bố trí kê khai tài sản từ những người bắt đầu vào ngạch công chức và kiểm soát từ lúc đó trở đi; điều này mới quan trọng.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn TP Hà Nội) lại cho rằng, cần chọn đối tượng cần được kê khai tài sản và thu nhập đạt được mục tiêu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu, thống kê lĩnh vực, vị trí công tác thường có nguy cơ tham nhũng cao; thống kê vụ án tham nhũng hằng năm để xem các ngành, lĩnh vực nào hay có tội phạm tham nhũng.

Ngoài ra, về nghĩa vụ kê khai (Điều 40) quy định hai đối tượng vợ chồng, con chưa thành niên, đại biểu đoàn Thành phố Hà Nội đề xuất ngoài hai đối tượng trên cần quy định thêm cả bố, mẹ, con đã thành niên. Bởi theo đại biểu, thực tế đã có những vụ án mà đối tượng là con đã thành niên đứng tên rất nhiều tài sản tham nhũng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng, không nên mở rộng phạm vi kê khai tài sản như hiện nay, bởi số lượng quá nhiều. Đại biểu cho rằng, nên là những người có chức, quyền trong cơ quan Nhà nước và những người làm việc ở những nơi “nhạy cảm”, dễ phát sinh tham nhũng, như hải quan, thuế, cảnh sát khu vực, cảnh sát giao thông...

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đoàn Đà Nẵng) đặt câu hỏi, hành vi sở hữu tài sản bất minh có được coi là tài sản tham nhũng hay không? Đại biểu dẫn chứng, trong thời gian vừa qua, việc “chuyển dịch” quyền sở hữu, xác lập quyền sở hữu tài sản ban đầu cho những khối tài sản lớn nhưng lại không gặp bất cứ hành động kiểm soát tài sản nào từ phía Nhà nước, làm cho việc này trở thành “nơi trú ẩn”, “nơi cất giấu” tài sản do tham nhũng mà có. Đại biểu cho rằng đây chính là trở ngại cho công tác phòng chống tham nhũng hiện nay và kiến nghị cần giao quyền cho cơ quan kiểm soát được truy lùng đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản.

Cuối phiên thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu. Sau nội dung thảo luận dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Luật Thủy sản (sửa đổi)./.

Theo qdnd.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com