Tiếp tục thảo luận phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; phòng chống tham nhũng

07:11, 08/11/2017

Sáng 7-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao năm 2017; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. Một số nội dung đáng chú ý sau:

Giải trình trước Quốc hội về những vấn đề đại biểu đã nêu trong phiên thảo luận cả ngày 6-7 và sáng 7-11 liên quan đến án oan sai, án tạm đình chỉ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho rằng, khó tránh được án oan sai, nhưng đã sai thì phải dũng cảm sửa.

Ông Lê Minh Trí khẳng định, án oan sai là vấn đề hết sức nghiêm trọng vì hậu quả không thể và cũng không dễ khắc phục. Án oán sai không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, cuộc sống cá nhân đó, mà còn ảnh hưởng tới cả dòng họ, quê hương, nên cần xử lý quyết liệt.

Năm 2016 có 70 trường hợp oan sai, năm 2017 phấn đấu còn 32 trường hợp. Đây là nỗ lực lớn, nhưng so với yêu cầu và bức xúc này thì phải tiếp tục làm nữa và rất mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng cho rằng, khó có thể tránh được hết các án oan sai, nhưng cái chính là sai thì phải dũng cảm sửa, xử lý, khắc phục, không để oan sai nữa. 

Hiện nay, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thực hiện chức năng xử lý các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó có vấn đề để oan sai, để lọt tội phạm... Đây là công cụ góp phần làm trong sạch, trả lời câu hỏi mà đại biểu hỏi rằng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm toán,... có tiêu cực hay không?

Ông Lê Minh Trí cũng cho rằng, đây là nhiệm vụ khó khăn vì về mặt tình cảm, đối tượng điều tra là đồng chí, đồng đội của mình. Mà trong cơ quan khối tư pháp, nếu những con người này sai phạm thì thu thập chứng cứ cũng không dễ. Nhưng “sẽ cố gắng làm hết sức để kiểm soát và hạn chế để đảm bảo nền tư pháp ngày càng minh bạch, đáp ứng được yêu cầu lớn nhất là lòng tin của người dân với các cơ quan tư pháp”, ông Lê Minh Trí khẳng định.

Riêng với những án tạm đình chỉ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã chỉ đạo 63 viện trưởng của 63 tỉnh, thành phố rà soát và có báo cáo. Ngành kiểm sát cũng đã ra Chỉ thị 28 chỉ đạo ngành chủ động rà soát, xử lý số án tạm đình chỉ này. 

Trước đó, trong các phiên thảo luận, các đại biểu cũng đã đặt vấn đề hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, bộ máy hành chính ngành tư pháp có nhiều nỗ lực nhưng có cử tri cho rằng năng suất, hiệu quả của bộ máy hành chính công của ngành tư pháp chưa cao.

“Về thời gian, sự chậm trễ trong bộ máy tư pháp là khủng khiếp với người dân. Có những vụ việc đơn giản cũng kéo dài, nhiều đơn từ giấy phép biết là lãnh đạo đã ký rồi nhưng mấy tuần vẫn chưa tới người dân, đòi hỏi người dân phải chạy, phải bôi trơn để lót tay thông qua nhân viên nào đó hay “cò”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh. 

Theo đại biểu Nghĩa, dù kỷ luật về thời gian đều có nhưng thời gian tới đề nghị các ngành toà án, công an, viện kiểm sát phải siết lại kỷ luật công vụ. 

“Chúng ta hay nói lý do là anh em quá tải nhưng thực chất là kỷ luật lỏng lẻo. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn tới tiêu cực nên người ta cứ phải chạy chọt, lót tay và người ta thấy cứ chạy chọt, lót tay thì lại chạy nhanh hơn”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa khẳng định. 

Cần điều tra, xử lý doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; ngăn chặn hành vi trục lợi bảo hiểm y tế là những ý kiến đề xuất của các đại biểu trong phiên họp của Quốc hội sáng 7-11.

Theo các đại biểu, hiện nay doanh nghiệp nợ và trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, việc khởi kiện các doanh nghiệp này không nhiều.

Theo đại biểu Bùi Văn Cường (Gia Lai), Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc không khởi kiện được các vụ việc liên quan đến nợ bảo hiểm xã hội khiến nợ bảo hiểm xã hội ngày càng gia tăng. Từ năm 2016 đến nay, tổng số nợ thu hồi chỉ gần 600 tỷ đồng. 

Việc khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội ra tòa án sau gần hai năm thực hiện, các cấp công đoàn đã tiếp nhận 2.700 hồ sơ do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển sang; 20 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố gửi đơn khởi kiện đến các cấp tòa án với 187 vụ doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Trong 187 vụ  do công đoàn khởi kiện, đã có 48 vụ trả lại hồ sơ, nhiều vụ không thụ lý giải quyết hồ sơ.

Số liệu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho thấy, hiện nay doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế ước tính gần 12 nghìn tỷ đồng. 

Ngoài ra còn có hơn 2.000 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, tồn tại cầm chừng hoặc trốn không thể thu hồi. Điều này có nghĩa là quyền lợi của 193 nghìn người lao động vẫn bị những doanh nghiệp “treo” mà chưa có hướng giải quyết. 

“Việc doanh nghiệp trốn đóng nợ bảo hiểm xã hội không chỉ xâm phạm quyền hợp pháp chính đáng của người lao động còn tác động xấu đến nguồn quỹ, đảm bảo an toàn an sinh xã hội, hướng tới phát triển bền vững đất nước, trong khi đó khung pháp lý của Việt Nam còn nhiều bất cập, việc thực thi pháp luật trên thực tế chưa nghiêm”, đại biểu Bùi Văn Cường khẳng định.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cũng khẳng định, dư luận cũng cho thấy quỹ bảo hiểm y tế đang bị trục lợi một cách nghiêm trọng. Các chuyên gia ví “bảo hiểm y tế như chùm khế ngọt đang được đua nhau hái”.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng cho rằng, việc trục lợi bảo hiểm y tế chính là hành vi tham nhũng và “tham nhũng ở lĩnh vực bảo hiểm y tế rất nguy cấp”. “Từ vụ VN Pharma buôn thuốc ung thư giả đưa ra câu chuyện đấu thầu thuốc chữa bệnh, dư luận cử tri rất đau lòng và bất bình khi thuốc chui lọt vào cơ sở khám chữa bệnh thì được đội giá cao gấp nhiều lần. Tham nhũng là ở đây”, đại biểu Nguyễn Thị Xuân khẳng định.

Đại biểu này cũng dẫn ra con số, chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2017, bảo hiểm xã hội đã từ chối thanh toán 3.000 tỷ đồng do việc đề nghị thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ các cơ sở y tế chưa hợp lệ. 

“Câu hỏi đặt ra là trong số hàng nghìn tỷ đồng này có bao nhiêu trăm tỷ bị vẽ ra để thanh toán tiền chữa khám bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế? Theo đánh giá của các chuyên gia thì giá thuốc và vật tư y tế chiếm 65% chi phí khám chữa bệnh do đó thất thoát tham nhũng, trục lợi trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế chỉ cần lợi dụng một ít thôi thì đã nghiêm trọng”, đại biểu Xuân đặt vấn đề.

Trước các con số thực tế nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng, nếu quản lý tốt và theo đúng nghĩa thì bảo hiểm y tế vừa để chữa bệnh và phòng bệnh. Vì vậy, đề nghị cần thanh tra làm rõ, công khai, minh bạch trong khám chữa bệnh để người dân được khám chữa bệnh, chăm sóc tốt hơn.

“Trong phương hướng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng cần bổ sung việc kiểm tra, tính minh bạch, ngăn chặn hành vi trục lợi bảo hiểm y tế”, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề xuất.

Còn theo đại biểu Bùi Văn Cường, nguyên nhân mà các vụ nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp như đã nêu là do vướng mắc quy định của pháp luật dẫn đến không khởi kiện được các vụ này. Để có thể giải quyết tình trạng này, đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban Các vấn đề xã hội phối hợp với cơ quan liên quan rà soát các quy định hiện hành để xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là trốn đóng nợ bảo hiểm xã hội. 

“Nếu thấy có những quy định chưa cụ thể, còn có những cách hiểu khác nhau thì cần giải thích, thống nhất trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, giải thích thống nhất một cách hiểu. Những quy định mâu thuẫn, chồng chéo thì Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu xem xét trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung”, đại biểu Cường nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, ngành Bảo hiểm xã hội, chính quyền cần thực hiện tốt thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, giải quyết kịp thời tranh chấp lao động tập thể ủy quyền.

Đặc biệt, “Bộ Công an ủy quyền nắm tình hình, phối hợp các tổ chức công đoàn điều tra những doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…; Tòa án sớm đưa ra xử lý những vụ việc này để đảm bảo quyền lợi cho người lao động".

Buổi chiều, nghe và thảo luận về các báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com